Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch: Mở đường cho doanh nghiệp Đan Mạch vào Việt Nam
Hà Nguyễn - 04/05/2017 23:02
 
Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs đang có chuyến thăm Việt Nam và đã thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương, mở đường cho các doanh nghiệp Đan Mạch vào đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs đã chính thức tới thăm Việt Nam trong hai ngày 4-5/7/2017. Chiều tối nay, hai vị Bộ trưởng đã có cuộc hội đàm, cùng thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương.

“Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai quốc gia. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ulla Tørnæs sẽ mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong hợp tác thương mại và đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ulla Tørnæs cũng đã bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước, cũng như trước những thành tựu và tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

.
Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs đang có chuyến thăm Việt Nam và đã thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương

“Thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi kể từ năm 2012. Rất nhiều công ty Đan Mạch cũng đang muốn đầu tư tại Việt Nam. Hiện đã có 130 doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Đây là con số rất có ý nghĩa nếu so với  một quốc gia có diện tích nhỏ như Đan Mạch”, Bộ trưởng Ulla Tørnæs nói.

Cũng theo Bộ trưởng Ulla Tørnæs, hợp tác phát triển Đan Mạch - Việt Nam trong thời gian qua cũng đã có hiệu quả tích cực. Con số được Đại sứ quán Đan Mạch công bố, đó là kể từ năm 1994, Đan Mạch đã viện trợ phát triển không hoàn lại cho Việt Nam trên 1,3 tỷ USD. Qua sự hỗ trợ này Đan Mạch đã đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ và sự phát triển kinh tế diễn ra ở Việt Nam.

Tuy gần đây, hợp tác phát triển đã giảm đi, nhưng Đan Mạch - Việt Nam đã chuyển sang hình thức hợp tác mới, thông qua 4 lĩnh vực hợp tác chiến lược là Giáo dục (đào tạo nghề), An toàn thực phẩm (trong chuỗi giá trị thịt heo), Môi trường (sự tuân thủ của doanh nghiệp) và Y tế sức khỏe (các bệnh không lây), cũng như thông qua các công cụ tài chính khác. Một ví dụ cụ thể, đó là thông qua chương trình Danida, Đan Mạch đã hỗ trợ rất lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

“Các lĩnh vực kể trên đều là thế mạnh của các doanh nghiệp Đan Mạch, mà chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ nhiều cho Việt Nam. Không chỉ là hợp tác giữa hai Chính phủ, mà từ sự hợp tác này sẽ mở đường cho sự hợp tác của khu vực tư nhân, mở đường cho ngày càng nhiều doanh nghiệp Đan Mạch tới Việt Nam kinh doanh và đầu tư”, Bộ trưởng Ulla Tørnæs nói.

Trong khi đó, theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Đan Mạch đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô khá lớn so với diện tích của Đan Mạch, tốc độ tăng trưởng cũng cao, nhưng trong thời gian tới, cần được đặt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ được ký kết và có hiệu lực. “Vẫn còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia, mang lại lợi ích cho cả hai phía”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, cũng như trong thúc đẩy hợp tác thương mại, bởi có vị trí địa kinh tế thuận lợi, dễ dàng kết nối với thị trường 600 triệu dân trong khu vực ASEAN, người lao động cần cù, chăm chỉ, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện…

“Về đầu tư, các doanh nghiệp Đan Mạch, bằng tiềm năng tài chính và kinh nghiệm, kiến thức của mình, có thể kết nối mạnh mẽ hơn nữa với thị trường Việt Nam. Về thương mại, chúng ta cũng hoàn toàn có thể thúc đẩy thương mại song phương lên cao hơn nữa, để tận dụng thị trường của nhau, cũng như thị trường của cả hai khu vực EU và ASEAN”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, về hợp tác phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn phía Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, bởi Việt Nam dù đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đang phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chênh lệch vùng miền, cũng như phải ứng phó với biến đổi khí hậu…

Các hình thức hợp tác có thể là viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi hoặc thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính mà thời gian qua Đan Mạch đã dành cho Việt Nam.

“Không chỉ là nguồn lực, chúng tôi cũng mong muốn phía Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm, mô hình phát triển của Đan Mạch với Việt Nam, bởi hiện tại, Việt Nam cũng đang định hướng phát triển theo hướng xanh, sạch. Đây là những lĩnh vực mà Đan Mạch có ưu thế và nhiều kinh nghiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Kết thúc hội đàm, cả hai vị Bộ trưởng đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt trong 4 lĩnh vực hợp tác chiến lược, cũng như trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động liên quan tới Hội nghị bàn tròn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Sáng kiến này dự kiến sẽ được nâng cấp diễn đàn và sẽ được báo cáo tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới.

Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch họp phiên thứ 5
Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Đối tác Toàn diện Việt Nam - Đan Mạch, Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư