Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 2017 sẽ tiếp tục hành động nhằm đổi mới ngành giáo dục
P.V - 22/12/2016 16:03
 
Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động của toàn ngành Giáo dục. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về những kế hoạch của ngành trong năm 2017.

Thưa Bộ trưởng, năm 2016 ghi nhận nhiều kết quả tích cực của ngành Giáo dục. Trên cương vị người đứng đầu ngành Giáo dục, theo Bộ trưởng, đâu là kết quả nổi bật của ngành trong năm qua?

Năm 2016 ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là năm đầu tiên đưa nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

.
.

Ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong năm 2016. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc thành 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và văn bản pháp luật hiện hành. Thực hiện tốt Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, công nhận và miễn trừ kinh nghiệm học tập, lao động để thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.

Năm 2016, ngành Giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện. Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 được ban hành đã góp phần làm giảm áp lực. Cùng với đó, nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội. Có thể nói đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn. Việc quy chế thi và quy chế tuyển sinh được công bố sớm hơn mọi năm đã giúp cho các địa phương, các nhà trường có đủ thời gian chuẩn bị; học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này.

Năm 2016 tiếp tục là một năm khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam với thế giới khi 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều mang về Huy chương Vàng, trong đó có Huy chương Vàng môn Sinh học chúng ta phải chờ đợi 15 năm qua. Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã tổ chức thành công Kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những ngày cuối cùng của năm 2016, chúng ta đón nhận một tin vui nữa khi theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

Đối với ngành Giáo dục, năm 2016 còn có thể coi là năm bản lề với nhiều kế hoạch mới bắt đầu được xây dựng để triển khai trong những năm tiếp theo như Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”…  Những đề án, kế hoạch này chính là sự cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản mà ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện trong năm học này và những năm tiếp theo.

Ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong năm qua nhưng xã hội vẫn kỳ vọng nhiều hơn nữa, Bộ trưởng nhìn nhận những hạn chế, khó khăn trong năm qua là gì?

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc còn hạn chế, chưa làm được.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng.

Nguồn lực đầu tư như cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu thốn trong khi xã hội hóa đầu tư chưa thực sự hiệu quả.

Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế này, năm 2017, ngành giáo dục sẽ có kế hoạch gì?

Tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo, bước sang năm 2017, ngành Giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Đối với bậc học mầm non tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... Riêng với giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.

Năm 2017, ngành Giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn. Hiện nay, ngành cũng đang triển khai tái cơ cấu các trường sư phạm theo hướng giảm bớt số lượng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình 2020. Đồng thời mở rộng thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước như các nguồn ODA, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, các nguồn xã hội hóa... để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư