Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Tô Lâm đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực
Như Chính - 04/06/2019 17:47
 
Chiều 4/6, kết luận phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết, tại phiên chất vấn với nhóm vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã có 47 đại biểu Quốc hội chất vấn, có 11 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an, trách nhiệm chung của các Bộ, ngành.

Đây là lần đầu Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội. Với tinh thần trách nhiệm cao cùng với kinh nghiệm trong công tác điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới.

Có thể thấy rằng, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, tính mạng, tài sản của người dân, liên quan đến trật tự, kỷ cương của nhà nước và bình yên của xã hội. Do vậy, nhóm vấn đề đưa ra chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an và các thành viên Chính phủ hôm nay là những nội dung được cử tri, xã hội và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, dưới sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương, sự nỗ lực của ngành Công an, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế. Thực tế diễn biến thời gian qua và qua nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội cho thấy, xã hội vẫn chưa thật sự yên bình, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, sự gia tăng hoạt động tội phạm. Thành tích của lực lượng công an, quân đội là rất lớn, nhưng vẫn còn đó những lo lắng trong xã hội, vẫn xảy ra rất nhiều vụ án lớn, thương tâm mà Quốc hội, nhân dân và xã hội cực lực lên án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung vào một số vấn đề sau đây: Tổng kết, rà soát một cách tổng thể và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy; quy định về tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, đánh bạc qua mạng, tội phạm liên quan đến buôn bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mang thai hộ, bảo đảm trật tự giao thông,... sớm đề xuất hướng xử lý các bất cập trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này; Phối hợp các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn  không có tội phạm, hạn chế người nghiện ma túy; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đối tượng phạm tội; Triển khai hiệu quả Chương trình Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020. Nâng cao trách nhiệm của lực lượng chức năng trong quản lý địa bàn; Phối hợp giữa các lực lượng chức năng, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy và tránh biến Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy, hướng tới mục tiêu “ngăn nguồn, giảm cung và hạn chế người dùng ma túy”; chú trọng bảo vệ, ngăn chặn trẻ em, thanh niên tiếp xúc, sử dụng ma túy; phối hợp làm tốt công tác cai nghiện, quản lý đối với người nghiện, cơ sở cai nghiện ma túy. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần triển khai hiệu quả Chương trình Quốc gia về phòng, chống tội phạm; tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự ngay từ khi mới manh nha; kiềm chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn cả đô thị và nông thôn. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội các hành vi vi phạm pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế để tội phạm bỏ trốn phải truy nã. Tăng cường trách nhiệm của lực lượng chức năng, xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm; xử lý tốt các vấn đề tiềm ẩn về an ninh trật tự; quản lý tốt an ninh mạng, an ninh thông tin mạng.

Phối hợp các lực lượng cùng với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ đối tượng tâm thần, xử lý nghiêm các trường hợp làm giả hồ sơ tâm thần để trốn tội; hạn chế tình trạng ngáo đá, sử dụng ma túy để gây án, phạm tội nghiêm trọng. Trấn áp, xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, xã hội đen, hoạt động bảo kê; phối hợp với ngân hàng để đa dạng các hình thức cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn hợp pháp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm, giúp người dân chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm tín dụng đen. Chủ động ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm xã hội đen, đặc biệt là băng nhóm xã hội đen hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao, can thiệp vào hoạt động của cơ quan công quyền.

Kiên quyết xử lý nghiêm, loại trừ ra khỏi lực lượng công an những cán bộ bị suy thoái, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm. Thực hiện tốt chương trình Quốc gia phòng, chống mua bán người. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi dễ xảy ra tình trạng mua bán người, mang thai hộ, mua bán trẻ em. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất, nhập cảnh của công dân để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm liên quan đến mua bán người, mua bán trẻ em. Phối hợp với các ngành tư pháp các địa phương để xử lý tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; hoàn thiện quy trình điều tra, truy tố, xét xử đặc biệt liên quan đến xâm hại trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là các giải pháp, các chế tài xử lý hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; xử lý nghiêm tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích vượt ngưỡng cho phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông; nâng cao năng lực của lực lượng thực thi chức năng bảo đảm an toàn giao thông; Thống nhất về phương pháp thống kê số lượng người chết do tai nạn giao thông giữa các ngành để phản ánh đầy đủ, khách quan số lượng người chết do tai nạn giao thông.

Ngoài các nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Công an, các ngành có liên quan xử lý dứt điểm và trả lời cho đại biểu Quốc hội, các cử tri về những vụ việc cụ thể, như: các vụ án gian lận trong thi cử, vụ phân bón giả Thuận Phong, vụ xâm hại trẻ em ở Thủ Đức...Đề nghị Ủy ban Tư pháp làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an để giám sát việc thực hiện các nội dung qua buổi chất vấn về nhóm vấn đề này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư