Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bức tranh tài chính con tàu sắp đắm PVC
Bùi Trang - Đỗ Mến - 10/01/2018 08:25
 
Trong ngày xét xử thứ hai vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản” tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) đã thừa nhận tình trạng mất cân đối dòng tiền khi đầu tư vào các doanh nghiệp khác vượt quá vốn điều lệ cả ngàn tỷ đồng.

Con tàu sắp đắm

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm quốc gia, PVC được chỉ định làm tổng thầu EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ - thi công xây dựng). Tuy nhiên, việc lựa chọn tổng thầu thực hiện gói thầu EPC này đã sai địa chỉ, khi PVC trong tình trạng mất cân đối dòng tiền, thiếu năng lực.

Những lời khai của các cựu lãnh đạo PVC cho thấy “sức khỏe” PVC lúc đó rất nghiêm trọng và dường như gói thầu EPC của Nhiệt điện Thái Bình 2 là để “tạo điều kiện” cho PVC hơn là tính đến hiệu quả.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 mà PVN được chỉ định làm tổng thầu EPC
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 mà PVN được chỉ định làm tổng thầu EPC

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC đã thừa nhận tình trạng mất cân đối dòng tiền khi đầu tư vào các doanh nghiệp khác vượt quá vốn điều lệ cả ngàn tỷ đồng. Cùng với đó là áp lực trả nợ ngân hàng. “Được giao làm tổng thầu, các lãnh đạo công ty rất mừng”, bị cáo Thanh nói.

“Theo nhận thức của bị cáo, một đơn vị xây lắp có được dự án là điều rất tốt. Càng khó khăn, càng có công việc là điều mừng, dù đây là dự án lớn, năng lực của PVC chưa đảm đương được. Tinh thần chung là khi thực hiện sẽ phân chia”.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2008 đến năm 2012, PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận là Tổng giám đốc đã thi công 67 công trình. Công ty mẹ - PVC trực tiếp thi công 20 công trình, trong đó 8 công trình có khả năng cân đối dòng tiền, 12 công trình có dòng tiền mất cân đối do chi phí phát sinh ngoài hợp đồng.

Đến năm 2011, PVC góp vốn đầu tư (cũ và mới) vào 43 đơn vị, tổng giá trị đầu tư tài chính là 3.460,94 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng vốn điều lệ. Tổng mức đầu tư tài chính vượt gần 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền. Bắt đầu từ năm 2011, PVC đã phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính.

Lời khai của bị cáo Phạm Tiến Đạt cho biết, sau khi được bổ nhiệm là Trưởng ban Tài chính - Kế toán, bị cáo đã rà soát và có báo cáo về tình hình tài chính của PVC, trong đó nêu rõ một số vấn đề như đầu tư tài chính vượt quá vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng. PVC hiện có nợ ngân hàng vào khoảng 800 tỷ đồng, vượt hạn mức được phê duyệt và hầu hết sắp đến hạn trả nợ. Công nợ phải thu và chi phí dở dang không thu hồi được rất lớn. Vốn của PVC bị chiếm dụng trong khi vẫn phải vay ngân hàng, trả lãi.

Tình trạng khó khăn của PVC đã đến mức bị cáo Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVC gọi đó là con tàu sắp đắm.

Nhiều sai phạm trong hoạt động đấu thầu

Để “tạo điều kiện” cho PVC, Chủ tịch HĐTV PVN khi đó là ông Đinh La Thăng đã giao PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Quá trình lựa chọn nhà thầu, ký hơp đồng, tạm ứng đều được ông Thăng đôn đốc thực hiện nhanh chóng.

Chẳng hạn việc ban hành chủ trương giao PVC làm tổng thầu EPC theo hình thức chỉ định thầu khi chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC. Hợp đồng EPC số 33 đã được ký khi chưa đầy đủ các thủ tục theo quy định. Bản hợp đồng này chỉ có 8 trang giấy A4, gồm 10 điều và thiếu nhiều tài liệu cấu thành hợp đồng. Do thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh, tổng dự toán hiệu chỉnh, hồ sơ yêu cầu gói thầu EPC chưa thực hiện, nên giá trị quy định trong hợp đồng được tạm tính là 1,2 tỷ USD.

Tiếp đó là việc tạm ứng. Tại phiên tòa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN đã trả lời, Hợp đồng số 33 có nhiều vấn đề và chưa đủ hiệu lực để thực hiện. Với hợp đồng chưa đủ hiệu lực thực hiện thì cũng không đủ điều kiện tạm ứng.

Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng đã nhiều lần đôn đốc việc thực hiện dự án, thực hiện tạm ứng cho PVC. Chẳng hạn, tại cuộc họp ngày 1/6/2011, ông Thăng chỉ đạo tư vấn thiết kế phải sớm hoàn thành việc lập thiết kế kỹ thuật. Tạm ứng 10% giá trị hợp đồng EPC cho tổng thầu PVC theo quy định. Hoàn thành trước ngày 10/6/2011”.

Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 khai rằng, đã phải chịu sức ép ghê gớm khi chuyển tiền tạm ứng trái quy định cho PVC. Bị cáo này đã có 3 văn bản gửi Tập đoàn, báo cáo rõ về tình trạng của Hợp đồng số 33, nhưng đều không nhận được trả lời. Trong khi lại nhận được văn bản hỏa tốc do ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó chủ tịch HĐTV PVN ký, yêu cầu phải chuyển tiền tạm ứng ngay trong ngày.

Với sức ép như vậy, PVC đã nhiều lần nhận được tạm ứng với tổng số tiền là 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng. Trong số tiền này, chỉ có 196 tỷ đồng được dùng thanh toán cho các nhà thầu phụ thi công một số hạng mục của Nhiệt điện Thái Bình 2. Còn lại là chi thanh toán trả nợ ngân hàng hơn 760 tỷ đồng và chi góp vốn vào nhiều công ty khác.

Tổng số tiền sử dụng sai mục đích lên đến hơn 1.100 tỷ đồng. Đến ngày 22/11/2017 mới thu hồi được hơn 1.087 tỷ đồng, còn thất thoát 119 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, giám định viên tư pháp Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết luận, việc chấp hành pháp luật trong quá trình đầu tư, thực hiện Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có nhiều vi phạm. PVC không đảm bảo kinh nghiệm, năng lực tài chính, việc lựa chọn PVC làm tổng thầu EPC không tuân thủ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư