Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bùng nổ điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận: Lưới truyền tải tắc tới sau năm 2020
Thanh Hương - 04/07/2019 14:21
 
Việc tập trung quá lớn các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đang khiến cả nhà đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) buốt ruột khi có điện mà không huy động được.

EVN và nhà đầu tư cùng là "nạn nhân"

Bức xúc khi Nhà máy điện gió Phú Lạc đi vào vận hành đã lâu, nhưng năm 2019 liên tục bị yêu cầu giảm từ 50-60% công suất của nhà máy, ông Bùi Vạn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cho hay, hiện tượng giảm huy động công suất các nhà máy điện gió đã diễn ra từ giữa tháng 5/2019.

Từ ngày 18/5, khi nhận được thông báo cắt giảm lượng huy động, ông tìm hiểu thì được biết là để phục vụ cho đấu nối các dự án điện mặt trời mới, rồi sang tháng 6 ngày nào cũng cắt và giờ đã sang tháng 7 rồi nhưng thông báo giảm huy động vẫn tiếp tục, thậm chí mức giảm lớn hơn, tới 70%.

“Điện gió phát triển bình thường đã khó rồi, nay còn cắt giảm mấy chục phần trăm công suất thì hy vọng gì. Dự án điện gió bên cạnh Nhà máy gió Phú Lạc đã bị siết nợ rồi. Còn Phú Lạc mất 6 năm chuẩn bị dự án và xây dựng, sau đó 2 năm đầu vận hành thì bị lỗ, năm 2018 có lãi chút ít nhưng năm 2019 thì liên tục bị giảm tải. Mà dự án phải trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ”, ông Thịnh cho hay.

Không những vậy, ông Thịnh còn cho rằng, cả EVN và các nhà đầu tư đều là "nạn nhân" của tình trạng phải giảm công suất này bởi điện gió, điện mặt trời thì tốt mà không huy động lên lưới được.

Cuộc làm việc giữa EVN với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, Bình Thuận ngày 3/7/2019 không có sự hiện diện của các cấp lãnh đạo từ Phó chủ tịch tỉnh, dù liên quan rất nhiều tới viếc giải phóng mặt bằng đang tắc ngay tại địa phương.
Về phía Bộ Công thương, cũng chỉ có cấp chuyên viên và Trưởng phòng của Cục Điều tiết Điện lực và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tham gia

Đáng nói là các nhà máy điện gió ở khu vực này khi ký hợp đồng với Công ty Mua bán Điện đã không bị ràng buộc bởi điều khoản sa thải phụ tải do lưới quá tải như nhiều dự án điện mặt trời được đầu tư sau này và cùng nối vào đường dây hiện hữu.

“Nhiều luật sư đã tìm đến doanh nghiệp, một số người cũng muốn kiện nhưng chúng tôi động viên các hội viên không nên kiện. Người thắng, người thua vẫn phải làm việc 20 năm nữa với nhau nên cần ngồi lại với nhau. EVN nên trình Bộ Công thương kế hoạch huy động theo thứ tự ưu tiên, lần lượt là: Các nhà máy điện gió không có điều kiện sa thải công suất - các nhà máy điện mặt trời không có điều kiện sa thải công suất - các nhà máy điện mặt trời có chấp nhận sa thải công suất”, ông Thịnh nói.

Trước đề nghị này, đại diện EVN cũng cho biết, đã lập hướng dẫn thứ tự ưu tiên trong vận hành nhưng do Bộ Công thương chưa phê duyệt nên vẫn đang chờ.

Chưa kịp vui mừng với việc phát điện trước 30/6/2019, Dự án điện mặt trời Phước Hữu cũng chịu cảnh bị yêu cầu giảm sản lượng tới 60% công suất. 

“Chúng tôi theo dõi thấy sản lượng phát chỉ đạt 40 - 50% sản lượng theo thiết kế ban đầu. Đây cũng là thiệt hại của chủ đầu tư, vì khi lập dự án, sản lượng rất quan trọng vì liên quan đến việc trả nợ”, đại diện chủ đầu tư đến từ Công ty cổ phần Vịnh Nha Trang cho biết và nói thêm, đã nhận thấy tình trạng lưới của EVN quá tải từ trước, nên cũng mong muốn tham gia hỗ trợ về vốn và các các thủ tục để sớm giải quyết được chuyện truyền tải.

Bất lực vì quá tải cũng không phải lạ với chính các nhà đầu tư điện mặt trời, bởi vậy, có những lúc đại diện EVN mời đóng góp ý kiến thì cả hội trường không còn một ghế trống nhưng tất cả vẫn im lặng đến mức nghe được cả tiếng thở dài.

Đầu tư lưới truyền tải điện: Muốn nhanh, không dễ

Cho biết đang triển khai hàng loạt dự án đầu tư lưới truyền tải ở khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận nhằm giải toả công suất các nhà máy năng lượng tái tạo vì chính EVN cũng cần bổ sung nguồn cấp điện, nhưng Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hay Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng nói rõ thực tế “không dễ dàng để đẩy nhanh tiến độ thi công”.

Trạm biến áp 220 kV cần diện tích lớn nhưng giải phóng mặt bằng rất khó khăn
Trạm biến áp 220 kV cần diện tích lớn nhưng giải phóng mặt bằng rất khó khăn

EVNSPC hiện đang thi công 6 công trình với tiến độ hoàn thành trong năm 2019, sẽ khởi công 5 công trình vào cuối năm 2019 và 5 công trình đầu năm 2020 để hoàn thành thi công trong năm 2020 với tổng quy mô là 1.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, là doanh nghiệp nhà nước nên EVNSPC phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường, công tác vận động chi trả kéo dài... Việc thoả thuận tuyến dây với địa phương cũng kéo dài, chủ yếu do công tác quy hoạch của địa phương chưa có quỹ đất cho các công trình điện, khiến tư vấn phải thoả thuận với cấp xã, huyện sau đó mới thoả thuận với tỉnh.

Với EVNNPT, hiện đang triển khai 6 dự án đã có trong quy hoạch về nâng cấp và đầu tư mới lưới truyền tải nhưng cũng không dễ dàng hơn.

“Trạm biến áp 220 kV Phan Rí (thuộc 6 dự án đang triển khai) dù đã có nhà thầu xây lắp từ tháng 12/2018 nhưng vẫn chưa thi công được do gặp khó khăn vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tới ngày 20/6, mới vận động người dân bàn giao được 4.508 m2 trong tổng số 39.619 m2 mặt bằng trạm để bắt đầu thi công”, ông Tô Văn Dần, Trưởng phòng đầu tư EVNNPT cho hay.

Tại đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm cũng là 1 điểm nóng về giải toả công suất, hiện có 55 trong số 176 vị trí móng cột điện đi qua rừng tự nhiên, phải báo cáo Thủ tướng có quyết định chuyển đổi đất rừng. Nếu trong quý III/2019 có quyết định thì tới giữa năm 2020 mới xong đường dây.

Cũng có 5 đường dây 220 kV và 1 trạm biến áp 500 kV được EVNNPT đề xuất xây dựng để chống quá tải, tuy nhiên hiện chưa được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện nên sẽ còn chờ.

Trong số các điểm khó khiến các dự án truyền tải không đi nhanh được đáng chú ý là giải phóng mặt bằng. “Khi Dự án điện gió Phú Lạc giải phóng mặt bằng thì chi phí bồi thường là 12.000 đồng/m2, sau này làm điện mặt trời thì đa phần bồi thường là 35.000 - 40.000 đồng/m2 và bà con vui rồi. Nhưng với sự bí tắc đường truyền tải, đã có hộ dân đòi 50 triệu đồng/m2 cho các vị trí móng cột của đường dây truyền tải với các nhà đầu tư tư nhân về điện mặt trời. Nếu trả thì khá cao, đồng thời sẽ hình thành mặt bằng giá đất mới, nhưng nếu không trả thì chưa biết bao giờ có đường dây để tải điện”, ông Thịnh cho hay.

Đầu tư điện mặt trời… nguội dần
Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tỏ ra khá sốt ruột khi thời hạn áp dụng giá mua điện mặt trời cũ đã kết thúc (hết ngày 30/6/2019), nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư