Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bước chuyển quan trọng trong thu hút FDI
Nguyên Đức - 17/03/2017 08:10
 
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016, vừa được công bố đã chỉ ra những bước chuyển đổi quan trọng của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
TIN LIÊN QUAN

Bước chuyển quan trọng

Chưa cập nhật số liệu của những tháng đầu năm 2017, mà chỉ dùng con số vốn FDI giải ngân năm 2016 là 15,8 tỷ USD, Báo cáo PCI năm 2016 đã chỉ ra rằng, đây chính là một “bước chuyển” quan trọng trong quỹ đạo phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây là mức giải ngân mà theo ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI Việt Nam, là mức giải ngân cao nhất trong suốt giai đoạn cải cách của Việt Nam.

“Trong khi số liệu vốn FDI đăng ký có thể bị thổi phồng do nhà đầu tư có nhu cầu gây ấn tượng với cơ quan ra quyết định cấp phép, cũng như các quan chức địa phương, thì tỷ lệ giải ngân là một trong những chỉ báo quan trọng về niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam”, ông Tuấn lý giải.

Vốn FDI giải ngân giai  đoạn 2009 - 2016 thay đổi qua từng năm và đạt mức cao nhất trong năm 2016. Trong ảnh: Lắp ráp sản phẩm tại nhà máy sản xuất xe máy Việt Nam Suzuki.
Vốn FDI giải ngân giai đoạn 2009 - 2016 thay đổi qua từng năm và đạt mức cao nhất trong năm 2016. Trong ảnh: Lắp ráp sản phẩm tại nhà máy sản xuất xe máy Việt Nam Suzuki.

Thực tế đã nhiều lần được nhấn mạnh và cũng đã lại một lần nữa được chỉ ra trong Báo cáo PCI 2016. Đó là thông thường, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thâm nhập thị trường từng bước một, việc có giấy phép đầu tư quy mô lớn giúp tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển sau này, nhưng họ chỉ phân bổ vốn đầu tư từ từ theo thời gian. Điều này cho phép nhà đầu tư có thêm thời gian để tìm hiểu về thị trường Việt Nam và xây dựng niềm tin đối với các thiết chế trong thị trường này.

Vì những lý do đó, rất nhiều dự án không giải ngân ngay toàn bộ số vốn đã cam kết. Và cũng vì thế, theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng vốn FDI cam kết là 297 tỷ USD lũy kế đến tháng 2/2017, mới có 156,35 tỷ USD được giải ngân, bằng 52,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Đã từng có thời điểm, câu hỏi được đặt ra rằng, hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ USD đã đăng ký đó đi đâu? Câu trả lời trước tiên là ở chính xu hướng đầu tư theo giai đoạn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, một phần rất quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất, đó là nằm ở những dự án quy mô hàng tỷ USD đã đăng ký đầu tư từ lâu nhưng chưa triển khai.

“Số vốn đăng ký chỉ là vốn ảo, vốn giải ngân mới là vốn thực”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực FDI đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy.

Xét trên khía cạnh ấy, những năm gần đây, vốn FDI vào Việt Nam phần nhiều là vốn thực, nên đã góp phần thúc đẩy giải ngân tăng mạnh. Ngay cả các dự án quy mô hàng tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ Samsung, LG…, ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, đã được đưa vào giải ngân ngay.

Minh chứng rõ ràng, Samsung Display chỉ vừa mới được cấp chứng nhận đầu tư mở rộng thêm 2,5 tỷ USD, nhưng trong những ngày này, công trường xây dựng nhà máy của nhà đầu tư này ở Bắc Ninh đã rất khẩn trương. Tương tự, dự án của LG Display ở Hải Phòng cũng đang gấp rút được hoàn thành.

Trong khi đó, ông Yoon Young KIM, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam, Myanmar và Campuchia cũng vừa cho phóng viên Báo Đầu tư biết, sau hơn 1 năm xây dựng, nhà máy của Công ty ở Khu công nghệ cao TP.HCM đã bắt đầu được vận hành. “Tháng 4 tới đây, Nhà máy sẽ chính thức được khánh thành, hoàn tất việc chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất của Schneider Electric tại Việt Nam về đây”, ông Yoon Young KIM nói.

Những dự án FDI nhanh chóng được triển khai như vậy đã “thúc” vốn FDI giải ngân tăng nhanh. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, hai tháng đầu năm 2017, vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục xu hướng tích cực, với 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Vốn FDI giải ngân nhanh sẽ góp phần quan trọng tăng năng lực sản xuất cho Việt Nam. Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đã đạt tới 19,709  tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Vượt lên chính mình

Dẫn phân tích của fDi Intelligence, chuyên trang phân tích thống kê về FDI thuộc tờ Thời báo Tài chính (Financial Times), rằng năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đứng đầu các nền kinh tế mới nổi trong Chỉ số Đầu tư mới (Greenfield Investment Index), Báo cáo PCI 2016 cũng đã chỉ ra rằng, trong cuộc đua về đầu tư toàn cầu, Việt Nam đã vượt lên chính mình, thu hút được nhiều nguồn vốn hơn mức có thể dự báo từ tốc độ phát triển của mình.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 2 tháng đầu năm 2017, vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục xu hướng tích cực, với 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Chỉ số Đầu tư mới được tính toán xếp hạng dựa trên tỷ lệ nguồn vốn đầu tư mới trên toàn cầu của một quốc gia so với tỷ lệ GDP toàn cầu của quốc gia đó. Số điểm mà fDi Intelligence chấm cho Việt Nam là 6,45 điểm, có nghĩa năm 2016, Việt Nam đã thu hút lượng vốn FDI gấp hơn 6 lần so với mức kỳ vọng từ tỷ lệ đóng góp trong sản lượng toàn cầu. Và điều này đã giúp Việt Nam bứt lên hẳn so với những đối thủ cạnh tranh gần đây nhất của mình, như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc…

Cũng cần phải nhắc lại rằng, cách đây chưa lâu, khi được hỏi về “đối thủ” lớn nhất của Việt Nam trong thu hút FDI, ông Bùi Quang Vinh - lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngần ngại nhấn mạnh, đó là chính mình. “Nếu không biết vượt lên chính mình, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam sẽ thua trong cạnh tranh thu hút FDI”, nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nói như vậy.

Và bây giờ, nhiều tín hiệu cho thấy, Việt Nam đang biết vượt lên chính mình. Theo các chuyên gia của Dự án PCI, một chính sách FDI thành công không chỉ dừng lại ở việc thu hút nguồn vốn, mà còn là việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, cho phép nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. “Về điểm này, chúng tôi cũng nhận thấy những dấu hiệu tích cực”, ông Đậu Anh Tuấn nói và cho biết, những dấu hiệu tích cực này đến từ những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt kể từ khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực.

Những điểm mới liên quan tới cách tiếp cận từ “chọn cho” sang “chọn bỏ”, rồi cho phép doanh nghiệp được đăng ký thành lập trực tuyến, cho phép các dự án FDI mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ không cần phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư… được cho là đã tạo được thuận lợi đáng kể cho Việt Nam trong thu hút đầu tư.

Hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates đã cho rằng, Việt Nam bắt đầu “gặt hái thành quả từ các quy định pháp luật kinh doanh được xây dựng tốt hơn và đảm bảo cạnh tranh hơn”, đồng thời sẽ tác động tới việc thu hút FDI nhiều hơn và cũng giúp Việt Nam trở thành một trong các trung tâm sản xuất lớn trên thế giới.

Trong khi đó, kết quả khảo cáo của Dự án PCI cho thấy, niềm tin vào triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam vẫn được duy trì. Có 11% doanh nghiệp FDI được hỏi cho biết, đã tăng đầu tư và có 63% tuyển thêm lao động mới. Kết quả trên tương đương số liệu điều tra năm 2015 và cải thiện lớn so với giai đoạn đầu tư ảm đạm năm 2012 - 2013.

“Doanh thu của doanh nghiệp FDI trung vị thấp hơn so với các giai đoạn trước đó, song tổng chi phí kinh doanh giảm. Kết quả là, 59% doanh nghiệp FDI hoạt động kinh doanh có lãi, mức cao nhất kể từ năm 2013”, Báo cáo PCI cho biết.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan tới môi trường đầu tư tại Việt Nam, từ các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước…, song một cách rõ ràng, thì Việt Nam vẫn là một địa điểm đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng.

Báo cáo PCI đã trích dẫn một bài báo đăng trên Nhật báo Phố Wall rằng, “Đã tới lúc đầu tư tại Việt Nam”. Tác giả của bài báo này thậm chí đã nhận định, nhìn toàn cảnh thế giới hiện nay, “thị trường tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy chính là Việt Nam”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư