Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bứt phá bằng cổ phần hóa?
Nhã Nam - 03/12/2016 07:27
 
Rất nhiều công ty gia đình đang loay hoay tìm mô hình hoạt động phù hợp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Nhưng liệu chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần có thể giúp công ty bứt phá?

Vẫn tiếp tục những ý kiến trái chiều về việc nên giữ mô hình công ty gia đình, hay chuyển đổi sang công ty cổ phần, đối với trường hợp của một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nhập và phân phối nguyên vật liệu cho ngành in, chủ yếu là giấy.

Công ty đó, cách đây hơn 10 năm đã ra đời bằng sự chung tay của anh em, họ hàng trong một gia đình. Sau hơn 1 thập kỷ thành công, nhận thấy thị trường có nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh, tăng doanh thu và tăng lợi nhuận, công ty đã chuyển hướng từ phân phối sang trực tiếp in ấn các sản phẩm bao bì giấy, nhãn hàng hóa, bao thư.

Bà Trần Thanh Hà (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này
Bà Trần Thanh Hà (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này

Nhưng một khi việc kinh doanh thuận lợi, số lượng đơn hàng tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi phải đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị…, tức doanh nghiệp cần thêm nguồn lực tài chính để đầu tư. Cổ đông thì muốn chuyển đổi từ mô hình gia đình sang cổ phần (đại chúng) để gọi vốn, từ đó làm bàn đạp để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Trong khi đó, CEO - hiện nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn - lại lo rằng, việc cổ phần hóa sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của CEO và các cổ đông; thêm nữa, tăng quy mô sản xuất sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khó kiểm soát. Do đó, CEO vẫn muốn giữ nguyên mô hình hiện tại, thay vì cổ phần thì cả CEO và các cổ đông sẽ rót thêm vốn, thậm chí, nếu cần, sẽ đi vay để phát triển công ty.

Dù đã tranh biện rất căng thẳng, song cả CEO và các cổ đông hiện thời đều chưa tìm được tiếng nói chung. Ngay cả những “người ngoài cuộc” cũng có những quan điểm trái chiều. “Chẳng có lý gì mà một nhà đầu tư lại từ chối, hay e ngại khi doanh nghiệp đi theo mô hình quản trị gia đình cả. Đầu tiên nên chứng minh về việc kinh doanh ổn định, quản trị doanh nghiệp tốt, không có rủi ro và tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, bà Minh Anh, một khán giả truyền hình, sau khi theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phát sóng vào sáng Chủ nhật vừa qua, liên quan tới câu chuyện nói trên của doanh nghiệp in ấn, đã phát biểu như vậy.

Trong khi đó, khán giả Như Bùi cho rằng, sẻ chia lợi nhuận, tái cấu trúc bộ máy quản trị là điều cần thiết. “Nhiều công ty nước ngoài vẫn áp dụng điều này để phát triển doanh nghiệp vượt bậc hơn”, ông Như Bùi nói.

Thực ra, đây là vấn đề không chỉ của riêng doanh nghiệp in ấn nói trên, mà còn là của nhiều công ty gia đình khác ở Việt Nam, thậm chí cả các công ty gia đình nổi tiếng toàn cầu. Sự dùng dằng trước việc phải quyết định giữ mô hình cũ, hay chuyển sang mô hình mới là một bài toán không dễ giải, nhất là khi ở Việt Nam, mối gắn kết và tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên trong một gia đình rất chặt chẽ. Không ít người vẫn có tư tưởng “không thích cho người ngoài nhảy vào”.

Các chuyên gia tư vấn nhiều kinh nghiệm có lẽ là rất cần thiết trong trường hợp này, để đưa ra các lời khuyên hữu dụng cho CEO trước thời khắc quan trọng, phải đưa ra quyết định cuối cùng cho đường hướng kinh doanh của doanh nghiệp.

Là người giữ vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Kinh Đô Miền Bắc -một công ty gia đình điển hình trước đây, nay đã được cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán, ông Trần Quốc Việt chắc chắn sẽ giúp được bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần BES Việt Nam, đưa ra được lời giải cho bài toán kinh doanh của mình. Bà Hà chính là người ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Tái cấu trúc hệ thống - Gia đình hay cổ phần” tuần này.

Tương tự, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng sẽ là nhà tư vấn hiệu quả cho các CEO trong việc lựa chọn mô hình hoạt động phù hợp của doanh nghiệp. Ông Phạm Đình Đoàn là người đã đưa Công ty Phú Thái từ một doanh nghiệp trở thành một tập đoàn bán lẻ quy mô lớn ở Việt Nam và cũng là người từ lâu đã có định hướng để các con, cháu “tiếp quản” công ty.

Kinh nghiệm của hai vị chuyên gia này, chắc chắn sẽ mang lại lời khuyên hữu ích cho các doanh nghiệp, đồng thời, cũng sẽ khiến Chương trình CEO - Chìa khóa thành công thêm hấp dẫn.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Ai chịu trách nhiệm khi tài sản nhà nước bị "hô biến" qua cổ phần hóa?
Đang có những quan ngại về sự thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là khi tiến trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư