Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau: Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
Huy Tự - 30/04/2016 09:00
 
Trong tình hình biến đổi khí hậu khốc liệt với hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn như hiện nay, thật sự là một thách thức lớn cho ngành nông nghiệp của Cà Mau và ĐBSCL.
.
Với lợi thế Cà Mau có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có thể xem nước mặn như một cơ hội để phát triển hệ sinh thái mặn - lợ

Nhưng chính từ những khó khăn đó cũng giúp rút ra nhiều bài học, nhận diện rõ từng điểm mạnh, điểm yếu của ngành, của địa phương, từ đó hình thành nhiều ý tưởng và cơ hội mới, để tái sản xuất nông nghiệp thích ứng hơn với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái…

Tại Cà Mau, giải pháp tình thế trong điều kiện kinh phí còn nhiều khó khăn như hiện nay là nhanh chóng sửa chữa, lắp đặt trạm bơm để điều tiết nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, theo đó, nhiều công trình được đầu tư nạo vét với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng đã và đang triển khai phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tỉnh Cà Mau cung đang thông qua đề án quy hoạch chi tiết nhằm hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông nội đồng định hướng tới năm 2020. Theo đề án mới, Cà Mau sẽ quy hoạch thành 31 tiểu vùng, gồm: 5 tiểu vùng thuộc vùng Bắc Cà Mau; 18 tiểu vùng thuộc vùng Nam Cà Mau; vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp và 8 tiểu vùng ven biển Năm Căn - Ngọc Hiển. Bên cạnh đó, ngành cũng chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, điều chỉnh lịch thời vụ, hướng dẫn cơ cấu giống, kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, với điều kiện ảnh hưởng, tác động tiêu cực của El Nino; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, diễn biến nguồn nước; thông tin rộng rãi và kịp thời cho các địa phương, đơn vị liên quan để chủ động ứng phó và chủ động trong sản xuất vụ mùa mới.

Về nguồn vốn, nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách thì tiến độ chậm và không đáp ứng nhu cầu, ngành nông nghiệp Cà Mau đề xuất thực hiện 1 trong 3 giải pháp, với tổng nguồn vốn dự kiến từ 16.000 - 17.000 tỷ đồng (chủ yếu huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ). Trong đó phân theo từng giai đoạn, thực hiện nhiều hạng mục công trình, như: hoàn thiện đê biển, kè đê biển, cống ngăn mặn, giữ ngọt, trạm bơm thoát nước…

Mục tiêu sau khi hoàn thành đề án, nhằm ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác cho nhân dân trong vùng, ứng phó với hạn và xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu gắn với hoàn thiện hạ tầng giao thông, đời sống dân cư ven biển, dân cư những vùng dễ bị tổn thương do thời tiết, giảm thiểu tác động tới môi trường.. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng đồng tình với lợi thế Cà Mau có 3 mặt giáp biển, hãy xem nước mặn như một cơ hội để phát triển hệ sinh thái mặn - lợ, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp cơ cấu cây trồng- vật nuôi địa phương, vừa đảm bảo không phá vỡ quy hoạch của vùng, vừa phải đảm bảo sinh kế, ổn định sản xuất và đời sống người dân trong vùng

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, và cũng để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu - nước biển dâng, hay giúp phòng, chống thiên tai dịch bệnh, bảo vệ sản xuất cho đạt hiệu quả cao, thì ngoại trừ vùng ngọt hoá ổn định huyện Trần Văn Thời và vùng rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau cần mạnh dạn có sự lựa chọn và bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái mặn ngọt đan xen theo mùa cho từng vùng và hãy xem nước mặn là tài nguyên đáng được bảo vệ tốt, một cơ hội để người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp...

Ông Lê Văn Sử- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Cà Mau cho biết thêm: về lâu dài, ngành sẽ khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của từng tiểu vùng gắn với triển khai thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất. Song song đó, tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu vực rừng tràm U Minh Hạ, nhằm đảm bảo cấp thoát nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trước tác động của biến đổi khí hậu gay gắt như hiện nay. Chú trọng xây dựng hệ thống công trình, vừa thực hiện nhiệm vụ ngăn mặn, chống tràn kết hợp đảm bảo vận chuyển lâm sản; tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở rộng, nạo vét sâu hệ thống kinh mương đảm bảo trữ nước vào mùa khô những năm tiếp theo.

Cũng theo ông Sử, việc cần làm nhất trong lúc này là bố trí lại vụ mùa cho hợp lý, chọn giống kháng mặn và hạn, chuyển đổi một phần diện tích lúa 2 vụ kém hiệu quả sang 1 vụ lúa- 1 vụ tôm; chuyển từ cây trồng sử dụng nhiều nước sang loại cây trồng khác sử dụng ít nước… Về lâu dài đó chính là giải pháp thuỷ lợi trong quản lý nước ngọt và tăng cường quản lý rừng ngập mặn để bảo vệ sự phát triển bền vững của toàn vùng.

Cuối tháng 4/2016 vừa qua, tại cuộc họp giao ban các tỉnh thành vùng ĐBSCL về ứng phó với hạn- mặn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh; đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, các bộ ngành liên quan và địa phương cần theo dõi chặt diễn biến, tình hình mặn để kịp thời thông tin cho các địa phương và người dân chủ động ứng phó, chủ động tích trữ nước ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt; các tỉnh, thành sớm giải ngân các nguồn ngân sách hỗ trợ sản xuất; chỉ đạo sản xuất phù hợp với tình hình hiện nay, cơ cấu lại mùa vụ; tăng cường liên kết các địa phương trong việc ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập, qua đó khai thác các nguồn lực, tài nguyên được hiệu quả nhất, thích ứng với hệ sinh thái và biến đổi khí hậu như hiện nay… 

Cũng theo Phó Thủ tướng, về lâu dài, yêu cầu bộ ngành liên quan và các địa phương cần bổ sung kịch bản và sớm công bố rộng rãi về biến đổi khí hậu đến tận người dân, tăng cường năng lực dự báo thời tiết, khí hậu cực đoan, biện pháp ứng phó từng giai đoạn, xây dựng các quy hoạch mới trên cơ sở thích ứng biến đổi khí hậu, trữ nước ngọt; xây dựng quy hoạch vùng trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư ngắn hạn và dài hạn tại các địa phương…

Cà Mau: 49 tỷ đồng xây nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm tại KCN Khánh An
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Chế biến thức ăn gia súc, gia cầm Đức Tâm Hiệp đặt tại KCN Khánh An...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư