Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14
Cả nước có 970 tổ chức hành nghề công chứng
Thế Hoàng - 02/06/2018 14:41
 
Đó là con số được ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông tin tới các đại biểu quốc hội trong phiên thảo luân sáng 1/6 tại hội trường liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Lê Thành Long cho biết, , hiện nay trong cả nước có 970 tổ chức hành nghề công chứng, tăng hơn 7 lần so với năm 2007.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Lê Thành Long cho biết, , hiện nay trong cả nước có 970 tổ chức hành nghề công chứng, tăng hơn 7 lần so với năm 2007 (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, tại Điều 7 dự thảo Luật sửa đổi một số luật liên quan đến Luật Quy hoạch có một số đề xuất của Chính phủ về việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của luật này, phù hợp với chính sách, điều kiện thành lập và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.

Chẳng hạn, theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), về nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Công chứng, dự thảo luật đã bãi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển, tổ chức hành nghề công chứng là hoàn toàn đúng đắn, có căn cứ pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

"Tôi tán thành với việc bỏ quy định về lập quy hoạch tổng thể phát triển, tổ chức hành nghề công chứng để phù hợp với Luật Quy hoạch, bảo đảm tính xã hội hóa do thị trường quyết định dựa trên cơ sở cung cầu các tổ chức hành nghề công chứng bình đẳng trong hành nghề, cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ và an toàn pháp lý cho các giao dịch", đại biểu Tiến nói.

Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như một số ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long nói: "trước khi chúng ta thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa các tổ chức hành nghề công chứng, các hoạt động công chứng hoàn toàn do Nhà nước đảm nhiệm. Đó là một thực tế".

Thêm nữa, kinh nghiệm của các nước thuộc thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ví dụ như Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, cùng với việc kiểm soát về số lượng thì có những quy định rất cao về tiêu chuẩn hành nghề tính đến yếu tố đặc thù này.

Ví dụ, ở Ba Lan các tổ chức và công chứng viên thậm chí còn được sử dụng dấu quốc huy để đóng vào các văn bản công chứng. Cùng một lúc làm hai việc, một là có kiểm soát về số lượng; hai là quy định rất chặt chẽ về các điều kiện và tiêu chuẩn. Việt Nam đã thống nhất bỏ quy hoạch tổng thể quốc gia về hành nghề, việc này tôi nhất trí về chủ trương.

Tuy nhiên, thực tế việc chúng ta bỏ quy hoạch tổng thể đồng thời cũng phải đi đôi với tăng cường các điều kiện và tiêu chuẩn hành nghề để tránh những rủi ro xảy ra.

Thủ tướng khi quyết định trình báo cáo cho Chính phủ, cùng với việc thống nhất bỏ quy hoạch thì có chỉ đạo cần rà soát, sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với công chứng viên, điều kiện thành lập, tổ chức hoạt động, các quyền và nghĩa vụ pháp lý của tổ chức hành nghề công chứng. Đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, công khai, minh bạch và trách nhiệm của quản lý nhà nước.

Ông Long thông tin, "chúng tôi rà lại quy định về các điều kiện về hành nghề công chứng ở trong luật chúng tôi thấy chưa đủ để chúng ta vẫn đảm bảo vai trò quản lý nhà nước cùng với việc chúng ta bỏ quy hoạch tổng thể. Chưa đủ ở chỗ nào, chẳng hạn như các tiêu chuẩn về nhân sự đối với công chứng viên, trưởng văn phòng công chứng, nhân viên nghiệp vụ, tiêu chuẩn về tài chính, bảo đảm cho các hoạt động của văn phòng công chứng, nghĩa vụ bồi thường, xử lý rủi ro phát sinh trong quá trình hành nghề hoặc giải thể, chấm dứt hoạt động của văn phòng công chứng, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, bảo mật, kiểm soát thông tin, hợp đồng, giao dịch đã công chứng, v.v... Những điều này chưa được quy định đầy đủ ở trong Luật Công chứng. Đó cũng là một thực tế.

Theo rà soát của chúng tôi, hiện nay trong cả nước có 970 tổ chức hành nghề công chứng, tăng hơn 7 lần so với năm 2007, là năm chúng ta bắt đầu cho thành lập các văn phòng công chứng.

Về cơ bản phủ đều ở các địa phương, còn đối với những vùng sâu, vùng xa thì việc chứng nhận hợp đồng chủ yếu do Ủy ban nhân dân xã thực hiện. Tôi thống nhất với ý kiến của một đại biểu nói rằng nhu cầu ở đây không lớn.

Qua rà soát sơ bộ của Bộ Tư pháp, có thể nói các tổ chức với số lượng như vậy thì về cơ bản chúng ta đáp ứng các yêu cầu đặt ra của kinh tế - xã hội.

Có một xu hướng trong những năm gần đây thì các vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hành nghề công chứng của công chứng viên và của các văn phòng công chứng càng ngày càng tăng. Đấy cũng là một thực tế. Cho nên chúng tôi thấy cùng với việc thống nhất bỏ quy hoạch tổng thể quốc gia về hành nghề công chứng thì cũng phải có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và tiêu chí.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chỉ sửa đổi những nội dung liên quan đến quy hoạch
Sáng 01/06, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình trước Quốc hội về Dự thảo Luật sửa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư