Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Các nước APEC nỗ lực tìm giải pháp phòng chống, hạn chế rủi ro về thiên tai
Hoàng Hảo - 21/09/2017 23:42
 
Những thiệt hại to lớn về con người và tài sản do thiên tai gây ra đang là vấn đề nghiêm trọng đối với toàn thế giới, kể cả các nước phát triển cũng như chậm phát triển. Bởi vậy vấn đề phòng chống, hạn chế rủi ro về thiên tai đã được đưa vào một trong những nội dung chính tại Hội nghị APEC năm 2017…

Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017, chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra trong 2 ngày (21 và 22/9 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), với sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và các quan chức cao cấp của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam.

.
.

Theo Nhóm ứng phó khẩn cấp thảm họa thiên tai (EPWG – APEC), châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều loại hình cả thiên tai và nhân tai. Khái niệm "Bình thường mới” (hay  New Normal) được sử dụng để phản ánh việc tình hình thiên tai hiện nay ngày càng trở nên phức tạp và không thể dự đoán trước cả về tần xuất, cường độ và mức độ tàn phá.

Trung bình mỗi thập kỷ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng của khoảng 40% các đợt thiên tai trên thế giới. Đây cũng là khu vực từng trải qua nhiều trận thiên tai lịch sử như sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, trận lũ lịch sử tại Thái Lan năm 2011; đặc biệt nghiêm trọng là hai cơn siêu bão Haiyan, Koppu đổ bộ vào Philippines năm 2013, 2015, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chỉ cách đây hơn một tuần, hai cơn bão Harvey và Irma đã liên tục tàn phá nước Mỹ với những hậu quả tác động nặng nề đến các đảo và tiểu bang Texas và Florida.

Còn tại Việt Nam, thiên tai gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt, điển hình là trận lũ quét tại các tỉnh Sơn La, Yên bái và một số tỉnh lân cận đã làm 42 người chết và mất tích và chỉ cách đây mấy ngày, cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri được cho là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây đã quét qua địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ gây thiệt hại nghiêm trọng làm 09 người thiệt mạng, khoảng 193.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 385 triệu USD v.v…

Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác phòng, chống thiên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát  triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp.

Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.

Chính vì vậy, chương trình Hội nghị các Quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tập trung vào các vấn đề tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống, hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra.

Tại Hội nghị, đại biểu các nước APEC chia sẻ, trao đổi các nội dung về công tác ứng dụng công nghệ, tăng cường thông tin truyền thông và hợp tác liên vùng đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tăng cường hiểu biết chung về thiên tai “Bình thường mới” và những rủi ro thiên tai đang diễn ra; Phát triển các giải pháp vận hành hạ tầng thông tin trong công tác điều hành, ứng phó với thiên tai; Đổi mới khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai “Bình thường mới”, trong đó tập trung giải quyết vấn đề sạt lở dải ven bờ, sạt lở đất và lũ quét, bão mạnh và siêu bão, sóng thần.

Trước khi Hội nghị chính thức diễn ra, ngày 20/9, một cuộc Hội thảo kỹ thuật bên lề Hội nghị đã diễn ra tại thành phố Vinh với nội dung “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn”.

Bước vào phiên toàn thể lần 1, với nội dung: “Tổng quan về ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường hợp tác vùng trong giảm thiểu rủi ro về thiên tai”, đại diện của Mỹ đã chia sẻ kinh nghiệm, các ứng dụng công nghệ tiên tiến có khả năng dự báo sớm, chính xác các trận động đất, sóng thần, đường đi các cơn bão v.v… qua đó giúp con người chủ động phòng tránh và giảm thiểu được các thiệt hại do thiên tai gây ra; Đại diện Nhật Bản trao đổi về thể chế, kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai tại Nhật; Đại diện Đài Loan trao đổi về hạ tầng thông tin phục vụ ứng phó với bão lớn; Đại diện Philippine trình bày khung hành động APEC giảm thiểu rủi ro thiên tai, các yêu cầu về ứng dụng CNTT trong ứng phó với bão, sóng thần, sạt lỡ đất và bảo vệ an toàn ven biển…

Tại các phiên kỹ thuật, đại diện các nước và vùng lãnh thổ gồm Nga, Singapore, Đài Loan, Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản, Trung tâm ứng phó thiên tai Châu Á – Thái Bình Dương, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, v.v… đã trao đổi những kinh nghiệm và chia sẻ các thành tựu về KHCN tiên tiến đã được ứng dụng thực tế nhằm hạn chế các thiệt hại và ứng cứu kịp thời trong những trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa.

Ngày 22/9, trước khi bế mạc Hội nghị, các thành viên APEC sẽ xây dựng Dự thảo, khuyến nghị chung Hội nghị về Đổi mới hợp tác, sáng tạo KHCN nhằm đối phó với thiên tai bình thường mới – New Normal và ký cam kết cùng hợp tác thúc đẩy các hoạt động tăng cường KHCN, đặc biệt tăng cường cơ sở hạ tầng thông tin để cảnh báo sớm, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai; Xây dựng và chia sẻ, tiếp cận tổng hợp, hợp tác, lồng ghép thúc đẩy KHCN trong hoạt động Quản lý thiên tai tại các nền kinh tế v.v…

Việt Nam là thành viên của APEC và cũng là một trong những nền kinh tế thường xuyên phải hứng chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều loại hình thiên tai. Việc tổ chức Hội nghị các Quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi vừa hứng chịu cơn bão số 10 mấy ngày trước đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với các thành tựu khoa học công nghệ mới, đồng thời vận động chính sách và mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai tại các nền kinh tế APEC; góp phần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta đã đề ra về nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát, tăng cường sự chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị APEC tại Trung Quốc
() Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, trưa nay, 9/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư