Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
“Cấn cá” kết luận kiểm toán Dự án cải tạo Quốc lộ 3
Anh Minh - 08/11/2013 07:43
 
Vẫn còn một vài điểm chưa đạt đến độ đồng thuận giữa chủ đầu tư và Kiểm toán Nhà nước về  kết quả kiểm toán Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Bờ Đậu - Cửa khẩu Tà Lùng. Thông xe kỹ thuật 31,8 km đường cao tốc qua Thái Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Sau 4 tháng tiến hành rà soát, đánh giá, vào cuối tháng 10/2013, Kiểm toán Nhà nước chính thức thông báo kết quả kiểm toán Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Bờ Đậu - Thủy Khẩu đoạn Km 82 + 100 - Km 344 + 436 (Quốc lộ 3) với chiều dài tuyến lên tới 211 km do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Một đoạn đường thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Bờ Đậu - Tà Lùng

Đây là công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ được phân kỳ thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I có mục tiêu nâng cấp đoạn Bờ Đậu - Thủy Khẩu được phê duyệt đầu tư vào năm 2001 (tổng mức đầu tư 590 tỷ đồng); giai đoạn II nâng cấp đoạn Thủy Khẩu - Cửa khẩu Tà Lùng có tổng mức đầu tư 492 tỷ đồng (vừa hoàn thành vào đầu năm 2013).

Như vậy, với tổng mức đầu tư tổng cộng khoảng 1.082 tỷ đồng, Dự án Quốc lộ 3 tuy có quy mô vốn không lớn, nâng cấp, cải tạo đường cũ lên cấp IV, nhưng lại là tuyến có chiều dài tới 262 km với địa hình phức tạp và thời gian thi công kéo dài tới 12 năm.

Được biết, việc để “lụt” tiến độ hoàn thành công trình quá lâu cũng đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ trong Kết luận gửi Bộ GTVT.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tiến độ thi công nhiều gói thầu chậm so với hợp đồng gốc và phải tiến hành gia hạn hợp đồng. Cụ thể, các gói thầu giai đoạn I chậm từ 11 tháng đến 40 tháng; các gói thầu thuộc giai đoạn II chậm từ 4 đến 36 tháng.

“Việc chậm đưa công trình vào khai thác đã làm tăng chi phí bù giá với số tiền là 1,56 tỷ đồng”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng kiểm toán Nhà nước cho biết.

Được biết, việc các tỉnh có tuyến đường đi qua là Bắc Cạn và Cao Bằng chậm bàn giao mặt bằng là một trong những nguyên nhân “cộm cán” dẫn tới tiến độ Dự án bị kéo dài.

Theo Kiểm toán Nhà nước, đến thời điểm kiểm toán (tháng 6 - tháng 9/2013), một số hạng mục thuộc Dự án vẫn chưa thể triển khai vì không có mặt bằng như đoạn tránh thị tứ Ân Lại thuộc gói thầu số 7A.

“Ngoài mặt bằng, nhiều gói thầu bị đưa vào diện dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, nên phải đến đầu năm 2013 chúng tôi mới có thể cơ bản hoàn thành Dự án”, ông Lê Xuân Sinh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 6 - đơn vị đại diện chủ đầu tư giải thích.

Liên quan tới công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt Dự án, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, công tác dự báo tốc độ tăng lưu lượng và tải trọng xe lưu thông trên tuyến không phù hợp với thực tế, do hạn chế về nguồn vốn và do quy hoạch của các địa phương có tuyến đường đi qua chưa hoàn chỉnh nên Dự án chỉ được đầu tư ở mức hạn chế, chưa đồng bộ và chỉ đảm bảo nhu cầu trước mắt.

Trên thực tế, dù đã được điều chỉnh tăng cường độ mặt đường, nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 3, đặc biệt là đoạn lên Cửa khẩu Tà Lùng đã bị hư hỏng, bong bật mặt đường nặng do lượng xe tăng vượt xa dự báo bao gồm cả số lượng lẫn tải trọng.

Bên cạnh đó, do thiết kế lựa chọn phương án xử lý trên mặt đường bê tông cũ không hợp lý, nên có một số đoạn sau khi thi công xong vẫn xảy ra hiện tượng mặt đường bị phá hỏng, vì vậy phải thiết kế xử lý và điều chuyển phương án đối với những đoạn chưa thi công. Đây cũng là một trong những lý do khiến tăng chi phí và thời gian thi công bị kéo dài.

Nếu như những đánh giá sai sót nói trên nhận được sự “tâm phục, khẩu” của các bên tham gia triển khai công trình, thì việc Kiểm toán Nhà nước quyết “thổi còi” việc bù giá nhựa đường cho các gói thầu tại Dự án Quốc lộ 3 đang gây không ít “cấn cá”.

Được biết, mặc dù đã đưa ra khỏi Thông báo Kết quả kiểm toán khoản thu hồi trị giá khoảng 3,2 tỷ đồng, nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn cho rằng, việc Bộ GTVT hướng dẫn bù giá nhựa đường và phê duyệt dự toán điều chỉnh giá vật liệu nhựa đường đối với các gói thầu thuộc Dự án trong khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là chưa phù hợp với các quy định tại Pháp lệnh giá.

Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát và điều chỉnh giá nhựa đường đối với các công trình xây dựng giao thông tại thời điểm thi công Quốc lộ 3 để có cơ sở hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện việc tính trượt giá.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị kết quả kiểm toán Dự án Quốc lộ 3, Bộ GTVT cho rằng, việc xử lý trượt giá đối với nhựa đường tại các công trình giao thông triển khai trong giai đoạn 2008 - 2009 là cần thiết, bởi lúc đó, giá loại vật tư này tăng đột biến. Để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, cứu tiến độ các dự án, Bộ GTVT đã có văn bản số 3161/BGTVT- CGĐ ngày 5/6/2006 gửi Thủ tướng Chính phủ; văn bản số 3502/BGTVT - CGĐ gửi Bộ Công thương, văn bản số 3918/BGTVT - CGĐ gửi Bộ Xây dựng phản ánh vướng mắc này Với tư cách là cơ quan nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời số 1369/BXD - KTTC chấp thuận hướng xử lý bù giá nhựa đường cho các nhà thầu.

Theo một chuyên gia, việc xử lý bù trượt giá nhựa đường là cần thiết, phản ánh đúng thực tế diễn biến thị trường, nhưng việc Bộ GTVT mới chỉ gửi văn bản báo cáo mà không “theo” đến cùng để có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chưa “khép kín” được thủ tục và vô tình đẩy các chủ đầu tư vào thế “việt vị”.

“Đây là vấn đề không chỉ riêng Quốc lộ 3, nếu không sớm được tháo gỡ, hàng chục dự án giao thông triển khai trong giai đoạn 2008 - 2010 hoàn toàn có thể bị các cơ quan thanh tra, kiểm toán xuất toán khối lượng bù giá nhựa đường với số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng”, vị chuyên gia này đánh giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư