Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Cần một chiến lược quốc gia cho hàng không
Anh Minh - 15/11/2016 13:43
 
Đã đến lúc cần phải xây dựng một chiến lược quốc gia cho hàng không để lĩnh vực có nhiều lợi thế này sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Quyết định dành 5.000 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, theo đề nghị của tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh ngân sách đầu tư trung hạn 2016 - 2020 hết sức khó khăn, đã cho thấy quyết tâm triển khai sớm Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Hai vấn đề lớn lúc này là việc kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng và xây dựng được phương án  khai thác, vận hành cảng hàng không quốc tế có tầm cỡ khu vực, với công suất 100 triệu khách/năm như Long Thành một cách hiệu quả.

Vietjet cần được đầu tư để trở thành nhà chuyên chở có đủ năng lực và uy tín trong khu vực. Ảnh: Chí Cường
Vietjet cần được đầu tư để trở thành nhà chuyên chở có đủ năng lực và uy tín trong khu vực. Ảnh: Chí Cường

Theo GS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM), kinh nghiệm từ Singapore, Thái Lan, Hồng Kông cho thấy, sự thành công của các sân bay trung chuyển quốc tế này đều phải nhờ vào sự đóng góp hết sức quan trọng ngay từ đầu của các hãng hàng không mỗi nước như: Singapore Airlines, Thai Airway, Cathay Pacific Airways.

Cùng với việc đưa vào khai thác Sân bay Long Thành vào năm 2025, các hãng hàng không chủ đạo của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet ngay từ bây giờ cần được đầu tư để vươn lên trở thành các nhà chuyên chở có đủ năng lực và uy tín trong khu vực.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, đã có sự vươn lên mạnh mẽ của Vietjet, Vietnam Airlines trong những năm gần đây cả về chất lượng và quy mô đội tàu bay, nhưng ngay cả khi so với các hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn còn một khoảng cách không nhỏ.

Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm, thị phần hành khách quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giảm sâu với – 6 điểm, xuống còn mức 43,3% do các hãng nước ngoài đẩy mạnh hoạt động khai thác, trong đó một số lớn hãng đã có thêm những thương quyền khai thác sâu hơn thị trường Việt Nam. Nếu không duy trì tốc độ tăng trưởng đội tàu bay, nhiều khả năng thị phần vận chuyển khách sẽ rơi vào tay các hãng hàng không ngoại.

“Sẽ rất nguy hiểm nếu tiếp tục duy trì kiểm soát tốc độ phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không nội địa dựa trên nền tảng hạ tầng còn thấp kém, thậm chí là sự thiếu thốn về chỗ đỗ qua đêm tại một số cảng hàng không chính yếu”, một chuyên gia đánh giá.

Cùng với việc cho phép các hãng bay ngoại có thêm thương quyền đón khách, bản thân các hãng hàng không Việt cũng vươn ra thành lập liên doanh tại nước ngoài. Tuy vậy, sẽ rất khó để các hãng hàng không nội địa tung cánh bay xa, đủ sức cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài, nếu như chiến lược kinh doanh của họ bị chốt cứng bởi một hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ trong nước

Những quan ngại về việc thị trường hàng không tăng trưởng quá nhanh là không có cơ sở, bởi trên thực tế, nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch của người dân tăng mạnh trong những năm qua là có thật, chủ yếu do kinh tế đất nước phục hồi tốt và do các hãng đã xây dựng chính sách giá vé hợp lý, thu hút được nhiều đối tượng đi lại bằng đường hàng không.

Bên cạnh đó, với sự gia tăng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu và thu nhập của người dân Việt Nam tiếp tục tăng theo như dự báo của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không chắc chắc sẽ duy trì ở mức trên 20%/năm trong 3 - 4 năm tới. Đây cũng là kinh nghiệm được ghi nhận của một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Con số thống kê tin cậy cho thấy, hiện tăng trưởng hàng không ở Thái Lan vẫn ở mức 37% và Trung Quốc là 30%/năm.

Việc phát triển các hãng hàng không Việt Nam, gắn với xây dựng các sản phẩm vận chuyển hàng không chủ đạo, hướng mạnh ra thị trường quốc tế, vì lẽ đó đang đòi hỏi một chiến lược quốc gia tổng thể về phát triển hạ tầng hàng không, đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi đầu tư về hạ tầng hàng không, mua sắm đội tàu bay; hỗ trợ phát triển mạng đường bay với việc mở đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn trọng điểm đến Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn trước mắt, việc giải quyết vấn đề mãn tải sớm tại hai sân bay chủ chốt Nội Bài và Tân Sơn Nhất là khả thi, dựa trên việc khẩn trương mở rộng các nhà ga bằng phương thức xã hội hóa với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân; cải thiện phương thức điều hành bay...

Trong chiến lược quốc gia về hàng không này, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh dạn từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” để thực sự làm tốt vai trò “bà đỡ” chính sách, kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.

Đây cũng là giải pháp giúp hàng không Việt Nam phát triển bền vững, sớm vươn lên trở thành một nền kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air: Người giữ lửa khát vọng bay xa cho Vietjet
Thành công của hãng hàng không thế hệ mới Vietjet trong những năm gần đây gắn liền với hình ảnh của nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo. Họ đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư