Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cần Thơ đặt mục tiêu đến 2020 có thêm 6.000 doanh nghiệp mới
Phú Khởi - 13/12/2016 19:39
 
Mục tiêu hướng đến của Cần Thơ là tạo được mô hình "đô thị khởi nghiệp" đến năm 2020.
.
Cần Thơ đặt mục tiêu có thêm 6.000 doanh nghiệp mới trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2020

Tại Hội thảo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016 định hướng và giải pháp cho TP.Cần Thơ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức, ông Trương Quốc Trạng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ cho biết, 6.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả lên 12.000 doanh nghiệp đóng góp 50-60% GRDP và giải quyết việc làm cho 250.000 lao động địa phương là những con số cụ thể trong kế hoạch khởi sự doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 mà địa phương sắp ban hành.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên địa phương cũng đề ra 9 hoạt động hỗ trợ gồm truyền thông khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp; tổ chức đào tạo về khởi nghiệp; trợ giúp tài chính, hỗ trợ lãi suất, thuế; hỗ trợ thông tin tư vấn doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại; thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định: "TP Cần Thơ xác định tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp. Nhằm tạo môi trường kinh doanh năng động, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, thời gian tới địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp như: đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại; tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên các hiệp định về hợp tác kinh tế thế giới; hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động khởi nghiệp; đẩy mạnh khởi nghiệp từ nội bộ doanh nghiệp; xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh, thuận lợi, ổn định, an toàn…".

Theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, khu vực ĐBSCL được xem là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua vùng này đang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số còn rất thấp, đây là điều kiện tốt để kỳ vọng đạt mục tiêu biến vùng này thành “thung lũng” khởi nghiệp của cả nước nếu có những chính sách hỗ trợ đủ mạnh.

Chương trình khởi nghiệp khu vực ĐBSCL với tên gọi "Mekong Startup" giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2030 do VCCI Cần Thơ khởi xướng và phối hợp với các địa phương thực hiện là nhằm mục tiêu hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc giai đoạn 2016-2017, kết nối các vườn ươm tạo thành mô hình "đô thị khởi nghiệp" tại TP.Cần Thơ đến năm 2020.

Chương trình còn nhằm tạo dựng một lực lượng 1.000 doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị từ nay đến 2020; giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp và hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra cho Vườn ươm Việt Nam – Hàn Quốc, Vườn ươm Đại học Cần Thơ và các khu vườn ươm khác; hỗ trợ đăng ký 50 bằng sáng chế (sở hữu trí tuệ) trong giai đoạn 2016-2020 và 500 bằng sáng chế trong giai đoạn 2020-2030.

“Để thực hiện đạt mục tiêu trên VCCI Cần Thơ cũng đề xuất 5 giải pháp để khởi nghiệp trước tiên phải có sàn là ý tưởng; tiếp theo là phải có nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng đầu tư; để hiện thực hóa ý tưởng thì phải có chuyên gia, cơ sở ươm tạo và cuối cùng là phải có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, ông Dũng cho biết thêm.

Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài: Đừng khởi nghiệp chỉ vì đam mê
Trong buổi Diễn đàn lãnh đạo trẻ 2016 vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thế giới di động cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư