Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cần Thơ thể hiện ngày càng rõ nét vai trò “đầu tàu” vùng
Phú Khởi - 24/12/2014 16:59
 
() Đó là ý kiến đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2009 - 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cần Thơ: Chỉ 0,15% công chức không hoàn thành nhiệm vụ
Các KCN Cần Thơ thu hút gần 2 tỷ USD đầu tư
Các tỉnh thành vùng ĐBSCL sẽ liên kết 5 lĩnh vực

Lộ rõ vai trò trung tâm

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hùng Dũng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết sau 6 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn được địa phương  thực hiện khá đầy đủ và đạt được kết quả nhất định: Trở thành đô thị loại I trước năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (bình quân 13,07%/năm), chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện, thu nhập dân cư ngày càng tăng (hiện đạt 3.298 USD/người), huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội tăng đáng kể (tổng vốn đầu tư xã hội là 190.000 tỷ đồng, tăng bình quân 17,2%/năm).

Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ

Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng có điều tiết ngân sách về Trung ương với mức thu hàng năm trên 12.000 tỷ đồng.

Nhiều công trình lớn có tính chất thúc đầy vùng như Sân bay quốc tế, nâng cấp mở rộng cụm cảng Cần Thơ đã hoàn thành sớm hơn dự kiến, nhiều công trình có quy mô lớn khác như Cầu Vàm Cống, nạo vét kênh Quan Chánh Bố, nâng cấp mở rộng cảng Cái Cui, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91...cũng đang được triển khai đầu tư.

Quy mô giáo dục ĐH, CĐ đứng đầu vùng, chiếm 42,04% tổng số sinh viên và 36,5% tổng số giảng viên toàn vùng. TP. Cần Thơ cũng tập trung đầu tư một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ khám chữa bệnh cho người dân địa phương và trong vùng ĐBSCL.

Hàng năm, đáp ứng khám chữa bệnh cho 30% bệnh nhân ngoài địa bàn đến khám chữa bệnh. Theo đánh giá chung của các Bộ, ngành Trung ương thì từ khi Cần Thơ được Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách làm “đầu tàu” cho cả vùng thì suất đầu tư phát triển tăng lên và đã tạo được bước phát triển mới cho địa phương.

Vẫn còn những điểm nghẽn chưa giải quyết

Theo ông Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mặc dù trong thời gian qua địa phương đã có sự phát triển vượt bậc nhưng bên cạnh cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Tốc độ kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa xứng với tiềm năng và chưa bến vững. Nguyên nhân của những hạn chế là do xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ. Việc phân bổ vốn từ ngân sách chưa kịp thời trong khi thành phố còn hạn chế huy động thêm các nguồn lực đầu tư phát triển, chưa được phép huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thiếu vốn đối ứng ODA…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, việc huy động nguồn lực vốn xã hội rất quan trọng. Cần Thơ phải chủ động đề xuất với Trung ương trong huy động. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng phải ủng hộ Cần Thơ phát triển dự án cấp vùng khi vốn ngân sách được cấp phát qua bộ, ngành, ông Hiếu kiến nghị.

Ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá: Nhiều chỉ tiêu mà TP. Cần Thơ thực hiện chưa đạt cũng cần phải xem xét lại bối cảnh ban hành Nghị quyết và Quyết định có thể do đặt ra quá cao. Mặt khác cũng cần rà soát đánh giá tổng thể quy hoạch cũng như xem có đủ thể chế để thực hiện không. Tại sao vùng ĐBSCL có chỉ số PCI năm nào cũng cao nhưng thu hút tư kém, chưa có dự án tỷ đô? Ông Tân nêu câu hỏi.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Lo lắng nhất đối với Cần Thơ là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong các năm qua đạt thấp so với Quyết định của Thủ tướng. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2011-2014 phải đạt 19,69%, nhưng thực tế chỉ đạt 9,36%/năm. Tương tự, thu ngân sách tới năm 2014 là 14.371 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 12.129 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mới đạt 1,35 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra là 2,389 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: “Trong những năm qua, giao thông kết nối Cần Thơ với các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối toàn vùng với cả nước không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hàng hóa phải vận chuyển lên cụm cảng TP.HCM xuất khẩu nên “đội” giá thành kém hiệu quả. Cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo cũng kìm hãm sự phát triển của Cần Thơ”.

Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất và kéo dài nhiều năm chưa giải quyết là ý kiến được nhiều đại biểu đặt ra  tại hội nghị này.

Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Theo quyết định 366, Bộ được giao thực hiện 7 việc nhưng đến nay đã thực hiện xong 3 việc là xây dựng xong cầu Cần Thơ, sân bay Quốc tế Cần Thơ và việc xây dựng cầu Vàm Cống có thể xem là đã thực hiện Cầu Cần Thơ 2 bắc qua sông Hậu. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang khẩn trương, quyết liệt thực hiện các dự án như nạo vét luồng tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, chỉnh trị luồng Định An dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Bên cạnh đó là các dự án khác như nâng cấp mở rộng cảng Cái Cui, Cụm cảng Cần Thơ, đường gom cầu Cần Thơ cũng đang được triển khai thực hiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá sau 6 năm thực hiện Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2009- 2015. TP.Cần Thơ đã thực hiện cơ bản đạt các mục tiêu đề ra, kinh tế phát triển nhanh từng bước thể hiện được vai trò là trung tâm của vùng.

Phó thủ tướng cũng chỉ ra 4 điểm hạn chế lớn mà địa phương cần khắc phục trong thời gian tới là: hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, thu hút đầu tư còn hạn chế, tính liên kết vùng còn lỏng lẻo, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp.

Dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cần Thơ với liên doanh các nhà đầu tư Hàn Quốc về thống nhất cùng hợp tác đầu tư 4 dự án đường giao thông và cung cấp nước sạch nông thôn trị giá 150 triệu USD.

4 dự án gồm đường 923, cầu bắc qua Cù lao Tân Lộc, hệ thống xử lý nước thải và cấp nước sạch 2 quận Ô Môn và Thốt Nốt. Đây là điều kiện quan trọng để Cần Thơ hoàn thiện phát triển hệ thống cấp nước và cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường cho những vùng nông thôn trên địa bàn.

Sau lễ ký kết, các đơn vị sẽ tiến hành khảo sát và lập thủ tục cần thiết để sớm đầu tư vào Cần Thơ trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư