Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cảnh báo đỏ nhiều dự án FDI
Nguyên Đức - 02/07/2013 07:03
 
Hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang “được” các địa phương đưa vào tầm ngắm, thúc tiến độ hoặc “cảnh báo đỏ” thu hồi.
TIN LIÊN QUAN

UBND tỉnh Bắc Ninh hôm 24/6/2013 đã quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH ULS Việt Nam, một công ty 100% vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc. Lý do là vì, công ty này, được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 7/2010, nhưng hoạt động không hiệu quả.

Các dự án phong điện của Ninh Thuận đang triển khai khá chậm chạp.
(Ảnh: S.T)

Tuy nhiên, ULS chỉ là một trong số rất nhiều dự án FDI thời gian gần đây bị “đưa vào tầm ngắm”, nhẹ là thúc tiến độ, nặng là cảnh báo thu hồi, hoặc mạnh tay hơn là thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Chỉ lấy ví dụ ở tỉnh Ninh Thuận, địa phương này sau khi tuyên bố chấm dứt thỏa thuận đầu tư Dự án Khu phức hợp du lịch cao cấp và vui chơi giải trí tại khu vực vịnh Vĩnh Hy - Núi Chúa, vốn đầu tư 800 triệu USD, đối với hai nhà đầu tư là Công ty Asia New Generation (Hồng Kông) và Công ty TNHH Phát triển Du lịch Minh Thành, đã mạnh tay thúc tiến độ hàng loạt dự án FDI khác.

Chỉ liên quan đến khu vực Vĩnh Hy - Núi Chúa, theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã có 3 dự án thuộc diện phải “nhắc nhở”. Ngoài dự án của Asia New Generation và Minh Thành, ông Thanh cũng đã ký văn bản gửi Công ty TNHH Phát triển Silverfin và Công ty Federal Owens MIH, LLC (Mỹ).

Theo đó, ngày 17/5/2012, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký Bản ghi nhớ không ràng buộc với Silverfin về việc xem xét đầu tư khu du lịch phức hợp 5 sao cao cấp và các loại hình thể thao, vui chơi giải trí tại Vĩnh Hy, nhưng cho tới thời điểm này, vẫn chưa có phản hồi từ nhà đầu tư.

Tương tự, nhưng “cũ” hơn là thỏa thuận của Federal Owens MIH, LLC đã được ký từ cuối tháng 7/2010, với mục tiêu xây dựng Khu phức hợp đa chức năng giải trí, thương mại, trường đại học quốc tế tại khu vực vịnh Vĩnh Hy.

Theo thỏa thuận này, Federal Owens MIH, LLC sẽ cử chuyên gia sang khảo sát, lập quy hoạch tổng mặt bằng dự án và hoàn tất thủ tục đăng ký đầu tư trước tháng 9/2010. Tuy nhiên, cho đến nay, thỏa thuận vẫn chỉ là... thỏa thuận, mặc dù tháng 6/2011, lãnh đạo Federal Owens MIH, LLC một lần nữa tới Ninh Thuận cam kết, sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể gửi UBND tỉnh.

Với cả hai nhà đầu tư này, ông Thanh cho biết, tỉnh muốn nhận được câu trả lời dứt khoát của họ trước vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2013.

Không chỉ “vướng” các dự án du lịch, các dự án liên quan lĩnh vực phong điện của Ninh Thuận cũng đang triển khai khá chậm chạp. Điển hình là Dự án Nhà máy Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận của nhà đầu tư Enfinity (Bỉ). Dự án này đã được cấp chứng nhận đầu tư tháng 3/2011, với tổng vốn đăng ký 266 triệu USD. Theo kế hoạch, Enfinity sẽ triển khai dự án để đến tháng 12/2012 có thể đưa dự án vào hoạt động.

Tuy nhiên, cho đến nay, Dự án vẫn chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định để tiến hành khởi công dự án theo tiến độ ghi tại Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. Cuối năm 2011, nhà đầu tư này đã một lần cam kết, tới cuối năm 2012, sẽ triển khai Dự án, nhưng nay, đã quá nửa năm sau cam kết đó, Dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Và đó là lý do khiến UBND tỉnh Ninh Thuận sốt ruột, thúc nhà đầu tư khẩn trương tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, đồng thời xác lập tiến độ chi tiết triển khai Dự án gửi về UBND tỉnh để theo dõi.

Đồng “cảnh ngộ”, nhà đầu tư Impsa (Argentina) cũng đang “được” UBND tỉnh Ninh Thuận nhắc nhở. Và lý do, cũng tương tự các dự án khác: mặc dù tháng 7/2011, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương để Impsa khảo sát, lập thủ tục đầu tư dự án Nhà máy Phong điện, cũng như nhà máy sản xuất cánh quạt tua-bin gió và trụ gió, với vốn đầu tư có thể lên tới 3 tỷ USD, nhưng đến nay, chưa có bất kỳ thủ tục đầu tư nào được hoàn thành.

Vì vậy, “UBND tỉnh đề nghị quý Công ty đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án trang trại gió; đồng thời sớm có kế hoạch triển khai nhà máy sản xuất thiết bị điện gió...”, là một trong những nội dung của văn bản do Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Thanh gửi Impsa.

Trong khi đó, mới đây, Quảng Ngãi cũng đã ra quyết định thu hồi Dự án Nhà máy Hóa chất Doobon Việt Nam, vốn đầu tư 28 triệu USD. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 3/2009.

Tương tự, Quảng Nam cũng vừa yêu cầu các sở, ngành rà soát lại các dự án đầu tư, kể cả trong và ngoài nước chậm triển khai, gặp khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng... “Quảng Nam đã thống nhất thu hồi các dự án vi phạm cam kết đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trường hợp do nguyên nhân khách quan dẫn đến chủ đầu tư chậm tiến độ thực hiện dự án, thì các sở ngành sẽ phải chịu trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh xem xét từng trường hợp để quyết định cho gia hạn”, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo.

Thông tin mới nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các địa phương yêu cầu rà soát, kiểm tra, báo cáo tiến độ các dự án FDI có vốn đầu tư trên 100 triệu USD trở lên, hoặc sử dụng 50 ha đất, gặp khó khăn, vướng mắc.

“Đây là bước đi cần thiết để ‘làm sạch’ các dự án FDI chậm trễ, cũng như góp phần hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhằm đẩy nhanh việc giải ngân và đưa dự án vào hoạt động”, một chuyên gia nhận xét.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư