Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cảnh báo tín dụng rơi vào vết xe đổ
Trần Mạnh - 14/01/2017 09:15
 
Năm nay, ngân hàng dồn dập thông báo lãi khủng, một phần nhờ việc giảm bớt phụ thuộc tín dụng vào khối doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, một bộ phận tín dụng vẫn rót vào phân khúc rủi ro.
TIN LIÊN QUAN

Ngân hàng đua nhau chuyển hướng

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank cho biết, năm nay, VietinBank đạt lãi kỷ lục 8.250 tỷ đồng, một phần nhờ sự chuyển đổi mạnh mẽ về định hướng kinh doanh và cơ cấu khách hàng. Từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào khách hàng lớn (chiếm 90% quy mô và lợi nhuận), thì 2 năm qua, VietinBank đã phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nên lợi nhuận khối doanh nghiệp lớn giảm còn dưới 50%.

Được biết, trong năm 2016, tín dụng của VietinBank tăng 18%, song dư nợ bán lẻ tăng tới 35%, trong đó riêng dư nợ của DNNVV tăng 29%, của doanh nghiệp FDI tăng 34%.

.
.

Tại Vietcombank, Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng cũng cho hay, năm 2016, Ngân hàng đẩy mạnh phân khúc DNNVV. Theo đó, huy động vốn của Vietcombank năm 2016 tăng 19,4%, trong đó, vốn khách hàng doanh nghiệp tăng 15,5%, DNNVV tăng 51,3% và thể nhân tăng 18,6%. Cũng theo định hướng của ngân hàng này, tín dụng doanh nghiệp năm qua tăng trưởng chậm lại (8,6%), trong khi tín dụng DNNVV và tín dụng thể nhân tăng mạnh, tương ứng tăng 39,0% và 48,8%.

Như vậy, các ngân hàng quốc doanh đang chuyển hướng mạnh mẽ sang ngân hàng bán lẻ. Trên thực tế, việc đa dạng hóa khách hàng, tăng khách hàng DNNVV, doanh nghiệp FDI không chỉ giúp ngân hàng tăng lợi nhuận, mà còn giúp giảm phụ thuộc, giảm nợ xấu. Bằng chứng là nợ xấu của VietinBank và Vietcombank đều giảm mạnh. VietinBank đặt mục tiêu nợ xấu năm nay ở mức dưới 0,5%, trong khi Vietcombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên hoàn thành xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), chính thức đưa nợ xấu về một sổ.

Tính đến hết tháng 10/2016, tín dụng bất động sản đạt 425.500 tỷ đồng, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm 2015.

Không chỉ ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng TMCP cũng đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường bán lẻ. Đại diện Ngân hàng VIB cho hay, năm 2017, VIB sẽ tập trung vào khách hàng cá nhân, DNNVV, doanh nghiệp FDI.

Cảnh báo sa vào vết xe đổ

Dù cơ cấu tín dụng và đối tượng khách hàng của các ngân hàng đã chuyển biến tích cực, song tình trạng ngân hàng tập trung tín dụng cho một số doanh nghiệp lớn, chuộng cho vay các lĩnh vực “nóng” vẫn đang xảy ra.

Phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh một số hạn chế đang tồn tại của hệ thống, đặc biệt là vấn đề tín dụng. “Vẫn còn một bộ phận tín dụng tập trung vào phân khúc rủi ro như bất động sản, các dự án BOT và BT giao thông…”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Nhìn lại năm 2016, có thể thấy, NHNN đã rất nhiều lần lên tiếng cảnh báo về hoạt động tập trung tín dụng, về rủi ro tín dụng giao thông, bất động sản hoặc cảnh báo về hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn.

Tính đến hết tháng 10/2016, tín dụng bất động sản đạt 425.500 tỷ đồng, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm 2015. NHNN chưa thông báo mức tăng tín dụng cụ thể cả năm 2016, song con số tuyệt đối ít nhất cũng phải 500.000 - 600.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, theo cảnh báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng bất động sản hiện nay đang “lẩn khuất” trong tín dụng tiêu dùng. Chính vì vậy, khối lượng tín dụng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cũng nhận định, việc NHNN liên tiếp đưa ra cảnh báo về hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn năm 2016 xuất phát từ tình trạng một số ngân hàng cho vay tập trung vào những dự án lớn, doanh nghiệp lớn. Nếu không hãm phanh kịp thời, chắc chắn, nhiều ngân hàng sẽ rơi vào vết xe đổ. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh năng lực tài chính và năng lực quản trị dự án của đa số chủ đầu tư trong lĩnh vực giao thông, bất động sản hiện nay khá mỏng.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng tiết lộ, với những lĩnh vực tín dụng nhiều rủi ro như giao thông, bất động sản…, tới đây, NHNN có thể áp dụng hệ số rủi ro cao hơn nữa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư