Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cánh đồng lớn phải bắt đầu từ "cánh đồng nhỏ"
Phú Khởi - 28/05/2015 09:49
 
Tại hội nghị tổng kết 3 năm xây dựng mô hình cánh đồng lớn do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức với sự tài trợ của Tổng công ty phân bón và hoá chất dầu khí vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ, các diễn giả cho rằng nông dân không liên kết với nhau thì rất khó để xây dựng Cánh đồng lớn.

Góp gió thành bão

“Cánh đồng lớn” (CĐL) từ thực tiễn đã trở thành phong trào được Bộ NN và PTNT phát động vào 26/3/2011 tại TP.Cần Thơ và được nông dân trên khắp cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Đây được coi là cách làm sáng tạo trong điều kiện đất đai sản xuất bình quân trên hộ nhỏ và manh mún. CĐL được xem như “góp gió thành bão”, biến sản xuất nhỏ trở thành sản xuất hàng hoá lớn đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

 

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt nhận xét: Từ khi CĐL được Bộ NN và PTNT chính thức phát động, diện tích sản xuất theo mô hình CĐL không ngừng gia tăng. Nếu như vụ Hè thu 2011 cả vùng Đông Nam bộ chỉ có 8.000ha vào CĐL thì đến vụ ĐX 2011-2012 đã có gần 20.000 ha và đến vụ Hè thu 2012 có đến 26.000 ha vào CĐL. Cả năm 2014, diện tích CĐL đã đạt gần 140.000ha và dự kiến năm nay sẽ tăng lên gần 200.000 ha với hàng trăm doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ngoài cây lúa, các địa phương còn tổ chức theo mô hình liên kết vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản như Thanh long Long An, Tiền Giang, xoài cát Hòa Lộc Đồng Tháp…

Tại các tỉnh Phía Bắc mô hình CĐL được phát động vào vụ Đông Xuân 2012, tuy triển khai muộn nhưng phong trào lan rất nhanh và đa dạng, không chỉ trên cây lúa mà còn áp dụng cho sản xuất khoai tây, cà rốt, hành, tỏi, rau, bắp cải, su hào…tính đến vụ hè thu và vụ mùa 2014, 17 tỉnh, thành Phía Bắc đã xây dựng được 700 CĐL với gần 28.000 ha.

Tuy nhiên, theo TS Dư, bên cạnh mặt tích cực như: sản xuất tập trung giảm chi phí; việc doanh nghiệp mua tận gốc sản phẩm của nông dân và hỗ trợ vật tư phân bón, giống, hướng dẫn kỹ thuật đã góp phần gia tăng lợi nhuận đáng kể cho nông dân thì vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế cần khắc phục như: nhận thức về quan điểm xây dựng CĐL chưa đồng bộ nên một số doanh nghiệp còn ngán ngại chưa dám đầu tư lớn cho CĐL, một số nông dân chưa tuân thủ quy trình canh tác, cũng như chưa tuân thủ hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp.

“Thành tựu nổi bật nhất về kinh tế nước ta sau 30 năm đổi mới là phát triển nông nghiệp. Đặc biệt về sản xuất lương thực từ một quốc gia nhập khẩu gạo trở thành cường quốc đứng nhất nhì trong xuất khẩu gạo. Điều đáng buồn là cho tới nay hạt gạo của ta vẫn chưa có tên tuổi trên thế giới. Không có thương hiệu nên gạo chúng ta thường bị ép giá, xuất nhiều nhưng thu ngoại tệ ít. Doanh nghiệp không chủ động được đầu ra nên cũng không dám đặt hàng nông dân sản xuất lớn, làm ảnh hưởng đến mô hình CĐL”, TS Dư thẳng thắn bình luận.

Không có HTX khó phát triển CĐL

Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng, Viện lúa ĐBSCL thì doanh nghiệp không thể có trăm mắt nghìn tay để đi từng ngõ, gõ từng nhà ký hợp đồng từng hộ phát triển CĐL. Cả vùng ĐBSCL chỉ có một doanh nghiệp là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang làm được chuyện này là vì "ông này" có trong tay đến 3.000 kỹ sư 3 cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền “nuôi quân” khá lớn. Với cách làm ký hợp đồng với hộ cá thể cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối mà pháp luật chưa phân xử được như nông dân bẻ kèo hay doanh nghiệp bỏ cọc.Theo TS Bảnh, để mô hình CĐL được nhân rộng và phát triển bền vững thì người nông dân phải tự nguyện liên kết với nhau, gom nhiều hộ lại tạo nên “hộ lớn” để doanh nghiệp dễ dàng ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ, mô hình liên kết này có thể là HTX hoặc Tổ hợp tác.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ Nông nghiệp, Nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo cam kết các hiệp định thương mại đến năm 2015, trong tổng số 1.539 dòng thuế nông, lâm thuỷ sản đã có 1.434 dòng thuế về 0%, 123 dòng thuế dưới 5%, trong những năm tiếp theo lộ trình cắt giảm thuế sẽ diễn ra nhanh hơn, đây là một thách thức không nhỏ đối với nông nghiệp nước ta.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp nước ta cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, bình quân đất sản xuất trên hộ cao nhất chỉ khoảng 1ha/hộ, thấp nhất chỉ có hơn 1.000 m2/hộ. Định hướng phát triển kinh tế tập thể đã được xác định là hướng đi tất yếu, biến sản xuất nhỏ thành lớn nhưng cho đến nay cả nước chỉ mới phát triển được hơn 10.000 HTX và khoảng 60.000 tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản với khoảng 60% hộ sản xuất trên các lĩnh vực này vào làm ăn hợp tác. Hầu hết HTX chỉ mới hợp tác được khâu dịch vụ như làm đất, bơm tưới tập thể, gieo sạ đồng loạt, chỉ có 9% HTX hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Số HTX được xếp loại hoạt động khá hàng năm chỉ chiếm khoảng 10-20%.

Mặt khác, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp số lượng ít và chỉ có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Theo số liệu của Tổng cục thống kê đến nay chỉ có 3.635 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, chiếm 1% trên tổng số doanh nghiệp hiện có.

"Sự thiếu vắng doanh nghiệp nông nghiệp và tình trạng kinh tế tập thể chậm phát triển là nguyên nhân chính làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ì ạch và chậm phát triển", ông Tiến phân tích.

Ngân hàng Hợp tác xã có 27 chi nhánh
Cùng với việc cấp phép chính thức thành lập Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (HTX), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc đổi tên 27 chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư