Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Cảnh sát giao thông “bó tay” với còi hơi khủng
Sao Mai - Vũ Trưởng (GTVT) - 06/12/2016 08:55
 
Người dân TP.HCM đang sống trong nỗi ám ảnh bởi thường xuyên bị những tiếng còi hơi “đinh tai nhức óc” tra tấn...
TIN LIÊN QUAN
5

Còi hơi “khủng” - nỗi ám ảnh của người đi đường

Người dân TP.HCM đang sống trong nỗi ám ảnh bởi thường xuyên bị những tiếng còi hơi “đinh tai nhức óc” tra tấn cả ngày lẫn đêm. Những âm thanh khủng khiếp này xuất phát từ những chiếc còi hơi do các tài xế gắn thêm trên xe tải để dọa người đi đường...

Giật mình, lạc tay lái vì còi hơi

Dù chưa có thống kê số liệu của các cơ quan chức năng, nhưng những tiếng còi hơi khủng là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra không ít vụ TNGT thương tâm. Tuy nhiên, hành vi cố tình lắp thêm còi hơi, gây nguy hiểm cho người đi đường dường như CSGT vẫn bỏ qua chỉ vì lý do thiếu trang thiết bị đo âm lượng.

Nhiều ngày đeo bám ở các cửa ngõ TP.HCM, nhóm PV Báo Giao thông chứng kiến nhiều trường hợp người dân suýt té ngã bởi tiếng còi hơi đinh tai nhức óc phát ra từ các xe tải. Chị Lê Phương Thảo, ngụ tại quận 9 ngày nào cũng đi trên tuyến đường từ ngã ba Tân Vạn qua Xa lộ Hà Nội để lên quận 1 làm việc, bức xúc: “Tôi tự nhủ phải cố chịu đựng mỗi lần nghe những tiếng còi hơi đến bể lỗ tai này, bởi nếu mất bình tĩnh sẽ lạc tay lái ngay. Nhiều khi đang dừng xe ở đèn đỏ cũng phải nghe tiếng còi chát chúa từ xe container làm tôi giật mình, suýt ngã”.

Chị Đỗ Nguyễn Vân Anh, ngụ tại quận Thủ Đức chia sẻ thêm: “Hôm trước, khi đưa con qua thăm ông bà ngoại bên cạnh Khu du lịch Suối Tiên, xe tải đông lạnh đang đi sát, bất ngờ bấm còi chói tai làm tôi giật bắn người, lạc tay lái ngã xe xây xát”.

Người đi đường đã khổ, những người dân sống dọc các tuyến đường còn khổ hơn gấp bội. Chị Ngọc ngụ tại phường Phước Long B, quận 9 bày tỏ: “Nhà tôi gần Xa lộ Hà Nội, hàng ngày luôn phải nghe những âm thanh chát chúa từ còi hơi. Chúng tôi cũng từng chứng kiến không ít vụ TNGT, mà một trong những nguyên nhân do còi hơi gây ra khiến người đi xe máy trên đường té ngã. Nhiều khi cả nhà đang ngủ giật mình thức giấc, bởi những tiếng còi trong đêm khuya”.

6

Chiếc còi hơi khủng và bộ kích âm là nỗi ám ảnh của người đi đường

Còi cỡ nào cũng có

Nhiều tài xế thừa nhận, dù biết bị cấm nhưng vẫn tháo còi của nhà sản xuất để thay thế bằng còi hơi và bộ kích âm để “dọa dẫm” người đi đường. Đã thế các tài xế còn gắn còi dưới gầm xe, bên cạnh thùng hơi hay hộp chứa phụ tùng. “Lắp như vậy mới phát ra tiếng lớn khiến người chạy xe gắn máy phải “dạt ra” tránh đường cho mình đi”, tài xế tên Quang bật mí.

Anh Hưng, tài xế chuyên chạy xe tải đông lạnh tuyến TP.HCM - Khánh Hòa cho biết, xe của anh sở hữu một chiếc còi hơi dài 1,2m ngay bên hông xe. Ngoài ra, trên nóc xe còn một cặp còi đôi dài 70cm. Tài xế Hưng thừa nhận, buộc phải lắp thêm còi hơi cho xe tải để người đi xe máy, các phương tiện khác “nhường đường”, giúp mình luôn giữ được tốc độ, chạy đua trong giới lái xe và giao nhận hàng kịp giờ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thiết bị âm thanh cho biết, loại còi hơi dài 1-1,2m công suất lớn cường độ âm thanh đạt 125 decibel (dB) trở lên. Với âm lượng như vậy, người nghe trong khoảng cách từ 1m trở lại có thể bị thủng màng nhĩ. Trong một cảnh báo về âm thanh của loại kèn vuvuzela, các nhà khoa học cho rằng những âm thanh có cường độ từ khoảng 85dB có thể làm giảm khả năng thính giác và có thể bị điếc nếu nghe những âm thanh có cường độ 100dB trong vòng 15 phút.

Hỏi về mánh khóe để qua mặt được cơ quan đăng kiểm khi đi kiểm định, tài xế Hưng bật mí: “Để lách luật không có gì khó. Vì những loại còi hơi thay thế còi đúng quy chuẩn của nhà sản xuất đều vi phạm, lúc ấy cơ quan đăng kiểm sẽ buộc tháo ra hoặc không kiểm định xe. Nhưng việc gắn còi hơi rất đơn giản nên tài xế khi vào đăng kiểm tháo ra, lắp còi cũ vào, sau khi đăng kiểm xong gắn lại là xong”.

Khảo sát của PV, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều cửa hàng bán còi hơi loại công suất cực “khủng” cho cánh tài xế. PV trực tiếp vào một cửa hàng trên đường phía sau Khu du lịch Suối Tiên, quận 9, được chủ cửa hàng giới thiệu chiếc còi hơi dài gần 1m còn trong bọc nilon. “Chỉ cần một cái thôi đã đủ thổi thủng màng nhĩ người ta rồi! Giá chỉ 950 nghìn đồng/chiếc. Còn cần số lượng nhiều, phải đặt trước hôm sau quay lại lấy”, chủ cửa hàng quảng cáo.

Trong cửa hàng này còn nhiều chủng loại còi công suất lớn hơn được bày biện, treo lủng lẳng. “Còn có nhiều loại còi Trung Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ công suất lớn hơn và giá tương tự thường được cánh tài xế mua, bao nhiêu cũng có”, chủ cửa hàng quả quyết.

Không có công cụ kiểm tra, khó xử lý

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, việc xử phạt hành vi điều khiển xe ôtô lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng được quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 16 Nghị đinh 46/2016 của Chính phủ. Cụ thể mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, để người vi phạm tâm phục, khẩu phục khi bị CSGT xử lý cần có thiết bị đo để xác định âm lượng còi.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng phòng PC67 cho hay: “Hiện, lực lượng CSGT chưa được trang bị thiết bị đo âm lượng để kiểm tra, xử lý các phương tiện sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định. Bên cạnh đó, việc đưa xe đến các trung tâm đăng kiểm để kiểm định cũng gặp khó khăn do vị trí cách xa nơi xử lý. Vì vậy, thời gian qua, trong quá trình xử lý chuyên đề đối với xe ôtô vi phạm trật tự ATGT, CSGT chỉ kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở đối với các trường hợp xe ôtô sử dụng còi có âm lượng lớn”.

Trước thực trạng mà PV ghi nhận và phản ánh, Trung tá Phong cho biết, đang nghiên cứu, đề xuất cấp trang thiết bị đo âm lượng cho lực lượng CSGT. Việc này nhằm đảm bảo xử lý nghiêm, đúng quy định đối với các trường hợp xe ô tô sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định, đồng thời chủ động phòng ngừa các vụ TNGT có liên quan đến việc sử dụng còi có âm lượng lớn. Ngoài ra, Trung tá Phong cũng cho biết thêm, Phòng PC67 sẽ trao đổi, xây dựng kế hoạch phối hợp với các trung tâm đăng kiểm để kiểm tra, xử lý hiệu quả.

Quy định sử dụng còi hơi trên ô tô tải tại Mỹ, Anh

Tất cả các bang tại Mỹ đều áp dụng quy định đối với còi hơi để tránh ô nhiễm tiếng ồn, đảm bảo ATGT. Còi hơi thường phát ra âm thanh ở mức 130-150 decibel nên tất cả các bang tại Mỹ đều có chung quy định không cho phép sử dụng bừa bãi còi hơi phát ra âm thanh chói tai.

Song, mỗi bang bổ sung một vài thay đổi trong quy định hoặc áp dụng chế tài xử phạt khác nhau. Tại California, nếu vi phạm quy định mức decibel tối đa với còi hơi, người điều khiển sẽ bị phạt tối thiểu 108 USD (khoảng 2,5 triệu VND). Bang Texas quy định còi hơi chỉ được lắp trên xe ô tô tải như một phần thiết bị cảnh báo trộm. Nếu sử dụng còi hơi trong khi di chuyển, người vi phạm có thể phải hầu tòa vì làm ô nhiễm tiếng ồn và phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu hành vi bấm còi gây TNGT. Tại bang Georgia, còi hơi chỉ được sử dụng trong hệ thống báo động chứ không được sử dụng như thiết bị cảnh báo thông thường. Nếu vi phạm, người sử dụng có thể phải ra tòa.

Luật Giao thông đường bộ của Anh quy định, vi phạm quy định sử dụng còi xe có thể bị phạt 30 bảng (khoảng 870.000 VND). Ngoài ra, sử dụng còi xe trong thành phố bị cấm từ 23h hôm trước đến 7h hôm sau. Còi xe chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp và khi lưu thông trên đường cao tốc.

B.T
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư