Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Tối đa là 3 ngày
 
Việc liên thông điện tử tự động giữa hai hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế đã rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống 3 ngày làm việc.
Việc phối hợp đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp
Việc phối hợp đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp

Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với cơ chế phối hợp, thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định đã giảm từ 32 ngày làm việc trong giai đoạn trước năm 2005 xuống 22 ngày làm việc từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, 15 ngày làm việc kể từ năm 2007, 5 ngày làm việc kể từ năm 2008 đến năm 2014 và hiện nay chỉ còn tối đa 3 ngày làm việc.

Thậm chí, thời gian xử lý hồ sơ thực tế còn thấp hơn so với thời gian quy định.

Cụ thể, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của cả nước hiện nay chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,05 ngày, nhanh hơn so với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

Đối với những địa phương đã thực hiện cấp mã số doanh nghiệp tự động, thời gian cấp mã số doanh nghiệp chỉ còn trung bình 30 phút so với 30 giờ như trước đây.

“Đây là những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự cải thiện tích cực trong việc phối hợp giữa công tác đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục gia nhập thị trường”, bà Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giúp nâng cao tính công khai, minh mạch các thông tin pháp lý về doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công hiện đại chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ thuận lợi hóa công tác quản lý nhà nước giữa các cơ quan chức năng.

Đại diện Tổng cục Thuế đánh giá, việc áp dụng cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua giúp tạo thuận lợi cho cả hai bên trong việc quản lý, trao đổi và cung cấp thông tin về tình trạng người nộp thuế, phối hợp rà soát, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp, bổ sung mã số doanh nghiệp và trao đổi thông tin về tình hình hoạt động doanh nghiệp.

Điều này góp phần giải quyết cơ bản các điểm hạn chế, tồn tại trước đây như: công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập có khâu thì chồng chéo, nhưng có khâu lại buông lỏng; thiếu cơ chế xử lý phối hợp khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, việc áp dụng cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan giúp hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao khi đã có đầy đủ thông tin đồng bộ về doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đánh giá của hai cơ quan cho thấy, vẫn tồn tại một số vấn đề như cơ sở dữ liệu quốc gia giữa hai hệ thống chưa đồng bộ, công tác phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập có một số bất cập.

Hệ quả, có doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo hình thức thu hồi bắt buộc, nhưng tại cơ quan thuế không tiến hành xử lý được do còn nợ thuế, dẫn đến sự chênh lệch và không thống nhất về số liệu doanh nghiệp.

Hay có doanh nghiệp không còn hoạt động, hoặc không còn tồn tại trong một thời gian dài, nhưng do quy định của ngành thuế trong xử lý thu hồi nợ nên các doanh nghiệp này dù đã qua thực hiện rà soát cũng chưa thể xử lý chấm dứt được, dẫn tới số lượng doanh nghiệp theo thống kê cao hơn so với thực tế.

Bên cạnh đó, sự phối hợp, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và vi phạm pháp luật của doanh nghiệp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn cho cơ quan đăng ký kinh doanh chủ yếu thực hiện theo phương thức thủ công.

Thực tế, nhiều ngành chưa xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để thuận tiện trong trao đổi thông tin. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới công tác xử lý kịp thời hành vi vi phạm của doanh nghiệp cũng như trong quản lý doanh nghiệp giải thể, trong phối hợp quản lý doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

Để khắc phục tình trạng trên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh và Tổng cục Thuế vừa qua đã thống nhất tăng cường và nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin trong công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo giám sát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Gần 11.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2017
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong tháng 5/2017 có gần 11.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tính chung từ đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư