Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cấp thiết đảm bảo an toàn môi trường cho dự án đất hiếm
Hải Hà - 22/03/2013 13:16
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) với các dự án khai thác và chế biến đất hiếm.
TIN LIÊN QUAN

Hướng dẫn kỹ thuật trên dựa trên cơ sở những quy định tại Phụ lục 2.5, Thông tư 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ về ĐTM. Đây được xem là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét phê duyệt các dự án đầu tư sản xuất và chế biến đất hiếm và là cơ sở để các chủ đầu tư xây dựng báo cáo ĐTM trước khi thực hiện dự án khai thác và chế biến đất hiếm.

Việc khai thác và chế biến đất hiếm chứa nhiều yếu tố rủi ro cao và khả năng gây tổn hại môi trường do quặng đất hiếm thường xuất hiện gần trầm tích các chất phóng xạ (như thorium, hoặc uranium).

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Cách Tuyến, việc lập hướng dẫn lập báo cáo đánh giá ĐTM đối với dự án đặc thù này sẽ đảm bảo an toàn môi trường, chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến đất hiếm và phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi xem xét đầu tư dự án, cũng như kiểm soát ô nhiễm sau khi dự án đi vào vận hành.

Theo đó, một trong những quy định mới mang bắt buộc đối với chủ đầu tư khi nêu tóm tắt việc tổ chức thực hiện ĐTM và lập báo cáo ĐTM, chủ dự án phải chỉ rõ việc có thuê hay không thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM. Trường hợp có thuê đơn vị tư vấn, phải nêu rõ tên đơn vị tư vấn, tên người đại diện theo pháp luật, địa chỉ liên hệ, số điện thoại và số fax của đơn vị tư vấn. Danh sách những người trực tiếp tham gia báo cáo ĐTM của dự án bao gồm thành viên của chủ dự án và các thành viên của đơn vị tư vấn, nêu rõ học hàm, học vị, chuyên ngành đào tạo của từng thành viên theo bảng được quy định trong hướng dẫn lập báo cáo ĐTM.

Theo lý giải của các chuyên gia, việc quy định rõ chi tiết trên sẽ dễ dàng truy cứu được trách nhiệm đối với đơn vị lập báo cáo ĐTM khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, TS. Đặng Xuân Toàn (Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường ECT) lại bày tỏ lo ngại quy định trên có thể không khả thi trên thực tế, nhất là khi luật pháp quy định thời gian cho một dự án khai thác khoáng sản hoạt động là 50 năm, trong khi quản lý chất thải rắn nhiễm phóng xạ ở những mức độ khác nhau cần thời gian quản lý dài lên tới hàng trăm năm. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có tiêu chí về thời gian giám sát những bãi chôn lấp chất thải có mức phóng xạ thấp, cũng như quy chuẩn thiết kế các bãi chôn lấp này.

“Những bất cập này đã dẫn tới trên thực tế là đối tác Nhật Bản đang đề nghị thời gian giám sát cho các bãi chôn lấp chất thải khi khai thác, chế biến các dự án đất hiếm là 5 năm”, một đại diện chuyên gia trong ngành cho biết.

Về nội dung của bản báo cáo, ông Trần Đăng Phong, giảng viên Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, bản hướng dẫn phải viết ngắn gọn, rõ ràng từng tiêu chí để chủ đầu tư có thể tuân thủ rõ ràng.

Cụ thể, bản hướng dẫn cần xác định tiêu chí phân loại từng loại mỏm vì mỏ đất hiếm rất đa dạng. Công nghệ cũng phải phân loại theo các tiêu chí mỏ khác nhau. Các thông số về phóng xạ và môi trường mà chủ đầu tư phải tuân thủ nên quy định rõ trong bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, các nguồn thải phát sinh từ công đoạn nào gồm các chất nào, cách xác định chất thải như thế nào, đánh giá theo quy chuẩn nào thì chủ đầu tư mới thực hiện được.

Ông Phong cũng nhấn mạnh tính đặc thù của dự án đất hiếm, do đó nội dung giám sát các thông số môi trường cũng phải rất đặc thù. Đặc biệt, đội ngũ tham gia lập báo cáo ĐTM cũng phải là những chuyên gia phóng xạ, chứ không nên là những chuyên gia đánh giá môi trường thông thường.

Cũng theo ông Phong, một trong những điểm bất cập trong bản hướng dẫn mà chủ đầu tư các dự án khai thác khoáng sản khác đang gặp phải trên thực tế là khó đánh giá hiện trạng môi trường trung bình 24 giờ. Bất cập này vẫn tồn tại trong bản hướng dẫn.

Tương tự, GS.TS Phạm Ngọc Đăng (Viện Khoa học kỹ thuật môi trường, Trường đại học Xây dựng) cho biết, hướng dẫn có quy định việc đánh giá ô nhiễm lan truyền trong nước ngầm là khó khả thi, vì rất khó đánh giá mức độ lan truyền, trong khi các nước khác ban hành lệnh cấm thải trong môi trường nước.

Đề cập việc bản hướng dẫn kỹ thuật báo cáo ĐTM mới dừng ở khai thác và chế biến đất hiếm, ông Lưu Đức Hải, Trưởng khoa Môi trường Đại học Khoa học tự nhiên kiến nghị, cần bổ sung tách biệt phần hướng dẫn trong khâu tuyển khoáng bên cạnh khâu khai thác và chế biến đất hiếm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư