Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Carlsberg chi hàng trăm tỷ tiếp thị nhãn hiệu bia mới: Quyết giành giật thị phần
Thanh Hương - 14/04/2016 08:14
 
Đứng thứ 4 về thị phần trong các doanh nghiệp bia, Carlsberg Việt Nam đang muốn tạo một cú đột phá khi quyết định tung ra nhãn hiệu mới, với chi phí tiếp thị 450 tỷ đồng.

Với slogan “Open for fun - Khởi động cuộc vui”, đối tượng nhắm tới của bia Tuborg là giới trẻ. Dẫu vậy, việc chọn Hà Nội là nơi ra mắt nhãn hàng này, thay vì một nơi đầy sôi động như TP.HCM, với khí hậu thích hợp cho uống bia quanh năm, lại cho thấy, thương hiệu Carlsberg muốn chọn sự an toàn.

Được biết, ngay sau lễ ra mắt tại Hà Nội, đội ngũ PR girl của nhãn hàng Tuborg, với sự góp mặt của nhiều cô gái nước ngoài, sẽ hiện diện liên tục tại các quán ăn, nhà hàng với 10 điểm đến/ngày để tiếp cận và quảng bá sản phẩm bia mới tới khách hàng. Đây có thể xem là phần rất quan trọng trong chiến dịch tiếp thị có trị giá lên tới 450 tỷ đồng để Tuborg thâm nhập thị trường Việt Nam như Carlsberg Việt Nam thông báo.

.
.

Ông Tayfun Uner, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam cho hay, mặc dù vào Việt Nam hơn 20 năm, nhưng cho tới năm 2012, nhà sản xuất bia này mới trở thành công ty 100% vốn đầu tư của Carlsberg. Cũng kể từ sau thời điểm đó, thương hiệu này đã chuẩn bị cho kế hoạch lột xác của mình. Cụ thể, năm 2013, Carlsberg đã cải tiến nhãn hàng Huda và triển khai Huda Gold. Năm 2014, tái tung nhãn hàng Halida tại thị trường phía Bắc. Còn năm 2015, tập trung vào Dự án Tuborg.

Đối thủ của Tuborg được nhắc tới là các dòng bia ở phân khúc trung và cao cấp như Sài Gòn lùn, Saigon Special, Heineken. Ngoài ra, các khách hàng đang uống những dòng bia phổ thông hay đang là khách hàng của các nhãn hàng khác thuộc Carlsberg như Huda, Huda Gold hay Halida cũng được ông Tayfun Uner xem là tiềm năng của Tuborg.

Có thiết kế được đầu tư khoảng 1 triệu USD, chai bia Tuborg bán tại Việt Nam còn có nắp giật độc đáo được nhập khẩu từ Nhật Bản. Mức giá bán lẻ chai bia đến tay người tiêu dùng tại các cửa hàng tạp hóa trên phố chỉ vào khoảng 13.000 - 15.000 đồng cũng được đại diện Carlsberg Việt Nam cho là hợp lý.

Lạc quan với việc làm quen thị trường của nhãn hàng Tuborg trong 2 tuần trước khi ra mắt chính thức, ban lãnh đạo Carlsberg Việt Nam cũng kỳ vọng, sẽ sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho Tuborg. “Tham vọng của Carlsberg Việt Nam là đưa Tuborg trở thành 1 trong 3 nhãn hiệu được yêu thích tại phân khúc cao cấp”, đại diện của Công ty cho hay và khẳng định, dù đang đứng thứ 4 về thị phần trên thị trường bia tại Việt Nam, nhưng cơ hội để Carlsberg bước lên các vị trí cao hơn rất rộng mở và họ đang nỗ lực hết sức mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho hay, cách đây 20 năm, Tuborg đã từng được sản xuất tại Việt Nam, nhưng sau đó đã lặng lẽ rút lui. Một bản tin trên New York Times ngày 15/4/1994 cho biết, liên doanh của Carlsberg tại Việt Nam là Công ty Bia Huế sẽ sản xuất bia Tuborg cùng với nhãn hiệu bia địa phương khác là Huda.

 Số liệu được Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đưa ra vào tháng 1/2016 cho thấy, đến năm 2015, cả nước có 129 cơ sở với năng lực sản xuất của toàn ngành bia đạt 4,8 tỷ lít. Năm 2015, sản lượng bia cả nước đạt 3,4 tỷ lít, nhưng bánh ngon không chia đều cho tất cả. Dẫn đầu trên thị trường bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với sản lượng năm 2015 đạt 1,38 tỷ lít. Tiếp đó là các sản phẩm thuộc thương hiệu Heineken với 729 triệu lít. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ở vị trí thứ 3 với 667,8 triệu lít và thương hiệu Carlsberg với 229 triệu lít.

Carlsberg đứng ở vị trí thứ 4, nhưng khoảng cách với vị trí thứ 3 của Habeco và thứ 2 của Heineken cũng không nhề nhỏ. Đó là chưa kể Heineken - một thương hiệu quốc tế cũng đến từ châu Âu, rất sừng sỏ trên thị trường quốc tế, đang có chỗ đứng tốt ở Việt Nam, không phải là tay vừa. Hai thương hiệu bia nội là Habeco và Sabeco tuy chủ yếu nhắm vào đối tượng bình dân, nhưng có lực lượng người hâm mộ rất đông đảo, luôn khiến các hãng bia nước ngoài thèm khát.

Theo nhận xét của các chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam uống bia theo gu, chứ không đơn thuần phụ thuộc vào sự nổi tiếng của nhãn hiệu hay những quảng bá về chất lượng, vị ngon. Bởi vậy, lượng bia tiêu thụ của Sabeco và Habeco vẫn chiếm hơn 60% sản lượng của toàn ngành bia.

Với thực tế thị trường bia không có sự tăng trưởng mạnh trong vài năm trở lại đây, việc giành giật vị trí và gia tăng thị phần sẽ phụ thuộc không nhỏ vào nỗ lực và chiến lược của từng hãng. Trong tình hình đó, nỗ lực của Carlsberg Việt Nam để giành thêm sản lượng và nâng thị phần đang là 9% hiện nay lên cao hơn phải đương đầu với những thách thức không hề nhỏ.

Doanh nghiệp bia lo bị đối xử bất bình đẳng
Các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát đang kiến nghị việc lùi thời gian có hiệu lực với Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư