Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Cắt giảm điều kiện cần sát hoạt động kinh doanh giáo dục
Hải Hà - 16/05/2018 08:01
 
110 điều kiện kinh doanh giáo dục trên tổng số 212 điều kiện tại 2 nghị định 73/2012/NĐ-CP và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bãi bỏ và đơn giản hóa nhằm tạo hành lang thông thoáng cho kinh doanh giáo dục.
.

Đại diện các trường đã thẳng thắn chỉ ra những quy định đang gây khó cho hoạt động kinh doanh giáo dục.

Tuy nhiên, tại hội thảo lấy ý kiến về vấn đề này tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội, đại diện nhiều trường đề xuất Bộ nên tiếp tục cắt giảm những quy định bất hợp lý gây khó cho nhà đầu tư khi kinh doanh lĩnh vực này. 

Cụ thể, tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo VBF, Giám đốc Pháp chế Apollo và Đại học Anh quốc (BUV) Việt Nam đề nghị bỏ mục d, khoản 2, điều 90 của Nghị định 46.

“Nếu theo quy định của mục d, khoản 2 điều 90 nghị định 46 thì trong điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo có yêu cầu UBND cấp tỉnh xác nhận về danh sách giáo viên và thống kê cơ sở vật chất của trường. Quy định này tạo thêm thủ tục hành chính vì UBND sẽ không thể thực hiện điều này mà ủy quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tỉnh thực hiện, trong khi vụ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn thẩm tra 2 mục này. Như vậy là thủ tục này trùng, đó là chưa kể từ ủy quyền của UBND cấp tỉnh tới khi hoàn tất xác nhận của Sở Giáo dục gửi báo cáo tới UBND cấp tỉnh rồi báo cáo lại tới Bộ Giáo dục là quá trình rất mất thời gian cho cho cơ sở giáo dục”, bà Dung nói.

Tương tự, bà Dung cũng đề nghị bỏ điều kiện xin cấp giấy phép thành lập với cơ sở đào tạo ngắn hạn theo điều 26, nghị định 73.

Lý do theo bà Dung là nếu cơ sở đào tạo ngắn hạn mà vẫn phải thực hiện tuần tự 3 thủ tục là xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục và cấp giấy phép hoạt động giáo dục với mỗi giấy phép phải thực hiện trong thời gian 30 ngày làm việc là quá nhiều với cơ sở giáo dục ngắng hạn.

Ngoài ra, bà Dung cũng đề nghị cắt bỏ quy định hạn chế tiếp nhận 10% học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục nước ngoài và quy định điều kiện giáo viên dạy ngoại ngữ ở trường đại học phải có kinh nghiệm ít nhất 5 năm hay có đầy đủ hồ sơ giáo viên khi xin giấy phép thành lập.

Riêng với điều 37 nghị định 73 về việc có đầy đủ hồ sơ giáo viên khi xin giấy phép thành lập như kiến nghị của bà Dung nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận của đại diện các trường khác.

Lý do đưa ra là tại giai đoạn cấp phép thành lập, nhà đầu tư chưa hoạt động thì không thể có đủ danh sách giáo viên với giấy phép lao động, hợp đồng lao động đã ký, đó là chưa kể nhà đầu tư chưa biết khi nào được cấp giấy phép hoạt động.

Liên quan tới quy định này, ông Nguyễn Xuân Kha, Hiệu trưởng trường Phổ thông Liên cấp Marie Curie lấy ví dụ năm 2014 khi làm đề án thành lập trường tiểu học, ông Kha đã phải tạo hồ sơ giả của giáo viên nộp vào để qua quy định yêu cầu về hồ sơ giáo viên.

Do đó, ông Kha cũng đề nghị quy định này nên bỏ. Cùng với đó, ông Kha cũng kiến nghị, trường học cũng cần được cấp phép thành lập như một đơn vị khởi nghiệp khi nhà đầu tư có đề án. Khi nhà đầu tư đáp ứng được khoảng 50% quy định nên cho hoạt động còn những tiêu chí còn lại trường sẽ hoàn thiện dần.

Trong khi đó, ông Hoàng Anh Đức, Công ty CP Giáo dục Edufit lại lấy luôn dẫn chứng của cơ sở này là phải duy trì 2 hiệu trưởng người Việt và người nước ngoài để tránh bị làm khó khi kiểm tra.

“Chưa có quy định nào yêu cầu cấm hiệu trưởng là người nước ngoài, các trường đại học đã có hiệu trưởng là người nước ngoài nhưng để có hành lang pháp lý rõ ràng, tránh bị làm khó thì Bộ nên có quy định cho phép trường phổ thông có hiệu trưởng là người nước ngoài”, ông Đức nói.

Cùng với đó, ông Đức cũng đề nghị một số điều kiện liên quan tới sổ sách giấy tờ viết tay, quy định về có phòng lab nên được thay thế vì hiện số hóa đã thay thế công tác quản lý sổ sách nên việc duy trì hệ thống sổ sách như trước kia hay những trường có điều kiện học sinh có máy tính cá nhân thì những quy định này là bất hợp lý.

Ngoài ra, ông Đức cũng đề xuất Bộ nên đưa ra tiêu chí về chất lượng cho các trường làm theo thay vì bắt các trường phải thực hiện theo yêu cầu từng môn học, từng tiết học….

Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT thẳng thắn khẳng định, khi cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ Giáo dục nên đặt ra vấn đề làm sao đảm bảo cho các trường thực sự tự chủ mà vẫn kiểm soát được về mặt chất lượng quan trọng hơn là cắt bao nhiêu thủ tục.

Ông Tùng ví dụ: “Ngay cả khi cơ sở giáo dục có văn bản cho phép hoạt động thì vẫn phải mở ngành bao gồm những yêu cầu chung chung như dạy cái gì, dự kiến dạy bao nhiêu sinh viên, thủ tục xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh, dạy theo cách thức nào…mà mỗi quy trình lại có nhiều “giấy phép con””.

“Trong các thủ tục cấp phép, thành lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên cho phép địa phương tham gia vào vì ngoài Hà Nội và TP. HCM thì những địa phương khác cơ bản là vẫn rất yếu về trình độ. Nếu vẫn cho phép sự tham gia của địa phương trong thẩm tra điều kiện chất lượng sẽ làm khó cho nhà đầu tư hoặc có thể gây nhiều giấy phép con. Lấy tiêu chuẩn của trường công lập áp cho tư thục là điều không đáp ứng yêu cầu thực tế. Đã là sở hữu tư nhân thì cho tư nhân tự quyết định. Hiện, ngành giáo dục có tham khảo để xây dựng luật nhưng là tham khảo nửa vời gây nhiều phức tạp trong khi luật doanh nghiệp rất rành mạch các điều khoản và đơn giản cho nhà đầu tư”, ông Đặng Văn Định, Trưởng ban nghiên cứu phát triển chính sách, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng thẳng thắn nói.

Mổ xẻ điều kiện kinh doanh giáo dục - đào tạo: Còn nhiều điều kiện làm khó nhà đầu tư
Đến lượt các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo được mổ xẻ. Có quá nhiều điều kiện làm khó nhà đầu tư.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư