Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Central Group bành trướng thị trường điện máy Việt Nam?
Ngọc Dương - 27/07/2015 08:28
 
Thương vụ Power Buy, một công ty bán lẻ thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua 49% cổ phần Nguyễn Kim hồi đầu năm đã khiến giới đầu tư lo ngại thị trường điện máy sớm rơi vào tay Central Group. Thông tin tập đoàn này sẽ mua tiếp Pico càng làm sự e ngại này tăng thêm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lo ngại này là không lớn.

Sự bành trướng của Central Group

Central Group là tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bán lẻ... Trao đổi với báo giới gần đây, đại diện Central Group tại Việt Nam không phủ nhận thương vụ mua Pico, nhưng cũng chưa đưa ra thông tin cụ thể. Điều này khiến giới đầu tư ngầm hiểu rằng, khả năng thương vụ xảy ra rất cao.

Giám đốc một công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp đánh giá, thương vụ mua Pico  sớm hay muộn cũng xảy ra. Thị trường điện máy đã suy thoái âm tới mức 20% vào năm 2012 và ngày càng khó khăn, chỉ tăng trưởng trở lại trong thời gian gần đây. Do đó, “khó khăn về tài chính khi chi phí đầu tư lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao, khiến các doanh nghiệp điện máy bán cổ phần cũng dễ hiểu”, vị này nói.

.
Thị trường điện máy Việt Nam còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp

 

Chi phí đầu tư với siêu thị có diện tích 3.000 - 5.000 m2 lên tới 40 tỷ đồng, diện tích nhỏ hơn, khoảng 1.000 m2, cũng tới 20 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu của ngành này chỉ đạt 5-10% mỗi năm. Thực tế trong thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp điện máy phải đóng cửa siêu thị. Chẳng hạn đầu năm 2015, chuỗi Topcare đã đóng cửa hàng loạt siêu thị. Trước đó, năm 2014, Pico cũng chuyển nhượng lại trung tâm Pico ở quận Tân Bình (TP.HCM) cho đối tác Lotte đến từ Hàn Quốc…

Nếu thương vụ này thành công, Central Group sẽ trở thành nhà bán lẻ điện máy có hệ thống phân phối trải dài từ Bắc vào Nam. Nguyễn Kim (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT) đứng đầu thị trường miền Nam, còn Công ty Pico gần như chiếm lĩnh phía Bắc.

Nguyễn Kim hiện có 21 siêu thị điện máy trên cả nước, doanh thu năm 2014 (năm tài chính kết thúc ngày 31/3) hơn 8.400 tỷ đồng. Pico cũng có hệ thống ở cả hai miền Nam - Bắc, doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng, với hệ thống 24 siêu thị. Thống kê của Viện Đại học châu Âu (EUI) cho biết, Nguyễn Kim chiếm khoảng 27% thị phần bán lẻ điện máy Việt Nam. Tranh thủ giai đoạn thị trường điện máy Việt Nam khó khăn, “ông lớn” Central Group nhanh chóng gia tăng sự xuất hiện của mình ở thị trường Việt qua các thương vụ mua cổ phần. Những bước đi gần đây của Central Group cho thấy quyết tâm thâm nhập thị trường điện máy Việt Nam với cách thức rất bài bản. Ngoài ra, Central Group còn mở hai trung tâm mua sắm tại hai miền Nam - Bắc mang tên Robins. Cả hai trung tâm này đều có diện tích lên đến 10.000 m2, được xếp vào loại đại siêu thị.

“Vũ khí” của Central Group

Có thể chia hàng điện máy thành 3 nhóm: điện máy gia dụng (nồi cơm điện, lò vi sóng, bếp điện…), TVC (tivi, LCD, cassette…) và điện lạnh (máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh…). Trong các nhóm hàng này, Central Group đều có lợi thế đáng kể, nếu không nói là kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng.

Trong giai đoạn 1999 - 2012, cơ cấu hàng điện máy luôn được phân chia ở tỷ lệ khoảng 65% hàng không phải Trung Quốc và 35% còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo một chuyên gia hàng tiêu dùng, cựu lãnh đạo tại chuỗi bán sỉ Metro, 80% thương hiệu ngoài Trung Quốc đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, còn lại là châu Âu.

Hàng Trung Quốc hầu hết có kênh phân phối riêng và vào cửa hàng điện máy không nhiều. Trong khi đó, hầu hết các nhà bán lẻ điện máy hiện nay như Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh… đều nhập hàng từ nhà sản xuất, với những xưởng sản xuất chính tại Thái Lan. Do đó, Central Group có công ty con chuyên bán lẻ là Power Buy, có lợi thế về nguồn hàng rõ rệt. “Nếu thương vụ mua Pico thành công, cùng với Nguyễn Kim, Power Buy có thể trở thành nhà phân phối hàng điện máy lớn nhất khu vực Đông Nam Á”, vị chuyên gia này nói. Chỉ riêng lợi thế này đã là áp lực không nhỏ với các doanh nghiệp bán lẻ điện máy nội.

Không chỉ vậy, từ năm 2016 trở đi, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hàng hóa từ Thái hay các nước khác vào Việt Nam với thuế suất 0%. Nếu không có lợi thế riêng, chủ yếu về tài chính và quy mô, các doanh nghiệp nội khó lòng đứng vững. Theo ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị (IME), lợi thế của doanh nghiệp quốc tế là có nguồn hàng chính hãng với chi phí cạnh tranh hơn doanh nghiệp Việt. “Do họ lấy số lượng lớn, ngoài ra, họ có thể gây ảnh hưởng lên nhà cung cấp nếu muốn cạnh tranh với các đối thủ nhỏ hơn, dựa trên lượng hàng rất lớn mà họ mua thường xuyên”, ông Hòa nói.

Dù có nhiều lợi thế, nhưng có ý kiến cho rằng, hàng Thái lâu nay chỉ thâm nhập thị trường Việt Nam ở nhóm gia dụng. Với nhóm điện lạnh, những sản phẩm có giá trị cao, vốn được người dân Việt Nam xem là tài sản và rất kỹ lưỡng khi chọn mua, thì hàng Thái khó thắng. Vị cựu lãnh đạo Metro cho rằng, quan điểm này chỉ đúng khi Power Buy là nhà sản xuất. Trong khi đó, họ chỉ là nhà bán lẻ, nên thương hiệu Thái không phải là yếu tố quyết định.

Thị trường còn nhiều chỗ trống

Sự thoái lui của nhiều doanh nghiệp phân phối điện máy lớn của Việt Nam khiến dư luận lo lắng thị trường này sẽ nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng cũng có những doanh nghiệp sẵn sàng đương đầu trong cuộc chạy đua trên thị trường điện máy. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới di động (MWG), đang sở hữu chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh cho rằng, Central Group không đáng ngại. Thị trường còn đủ chỗ cho những tay chơi có tiềm lực và biết hướng đi.

Trong 5 năm trở lại đây, nhiều chuỗi siêu thị điện máy phải co mình hoặc đóng cửa. Ngoài Pico và Topcare phải đóng cửa hàng loạt, Nguyễn Kim, đại gia đứng đầu thị trường, cũng từng phải đóng cửa 5 cửa hàng Thế giới số 24G trước áp lực lợi nhuận ngành điện máy hầu như không tăng. Thậm chí, nhiều tên tuổi khác như WonderBuy, BestCarings hay HomeOne… chịu cảnh phá sản. Trong bối cảnh này, Điện Máy Xanh vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng liên tục số lượng cửa hàng.

Theo ông Doanh, mục tiêu này là có cơ sở. Central Group nếu nắm trong tay cả Nguyễn Kim và Pico, thị phần họ có được cũng chỉ khoảng 15%. Nguyễn Kim tuy chiếm 27% thị phần năm 2010, nhưng trải qua đợt khó khăn kéo dài, nhất là tăng trưởng thị trường âm đến 20% năm 2012, vị thế đã không còn như xưa. Vì vậy, khoảng 85% thị trường còn lại là khoảng trống đủ rộng cho các doanh nghiệp nội tham gia cạnh tranh. Điện Máy Xanh hiện chiếm 6% thị phần, mục tiêu đến cuối năm 2016 sẽ đứng đầu thị trường.

Mục tiêu này khá thách thức, nhưng Điện Máy Xanh đang có quyết tâm cao. Hiện tại, hệ thống này có 31 siêu thị và đang chuẩn bị mở thêm 20 siêu thị khác (đã chuẩn bị xong mặt bằng). Với tiến độ này, ông Doanh tin rằng, chỉ tiêu 60 - 70 siêu thị vào cuối năm 2015 là có thể đạt được. Nhưng để đứng đầu thị trường, Điện Máy Xanh cần đến 110 - 120 siêu thị vào cuối năm 2016. “Đó là đích đến cuối cùng của chúng tôi”, ông Doanh nói.

Trong quá trình mở rộng hệ thống, Điện Máy Xanh tập trung hướng đến vùng nông thôn và trung tâm các tỉnh lẻ. Ông Doanh cho biết, hướng đi này là có lý do. Tỷ trọng hàng điện máy giữa kênh truyền thống (cửa hàng điện máy nhỏ ở nông thôn) và hiện đại (siêu thị điện máy, siêu thị bán lẻ…) là 50%-50%. Ở một số mặt hàng, kênh truyền thống còn chiếm tỷ trọng cao hơn kênh hiện đại. Đây chính là cơ hội để các kênh hiện đại phát triển và giành thị phần nhờ sự tiện lợi của mô hình siêu thị. Cơ sở này cũng lý giải cho mục tiêu “Bắc tiến” của Điện Máy Xanh, dù thị trường miền Bắc đã có những cái tên có sức nặng như Trần Anh hay Pico. Hiện hệ thống của chuỗi Điện Máy Xanh đã vươn tới Đà Nẵng.

Tuy nhiên, mở rộng hệ thống quá nhanh có thể khiến Điện Máy Xanh gặp vấn đề tài chính, khi lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí đầu tư bởi tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu của ngành chỉ khoảng 5-10%. Một khi lợi nhuận không về kịp, năng lực tài chính không dư dả, doanh nghiệp buộc phải đi vay ngân hàng để đầu tư. Ông Doanh cho biết, để tránh vấn đề này, Điện Máy Xanh chọn mô hình diện tích vừa phải và nâng cao chất lượng quản lý để cải thiện lợi nhuận. “Mô hình Điện Máy Xanh có diện tích khoảng 1.000 m2, bằng khoảng 1/3 các cửa hàng khác. Với chi phí đầu tư không cao, mở rất nhanh. Khi cần, chúng tôi đóng cửa để chuyển địa điểm cũng nhanh”, ông Doanh cho biết. Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu của chuỗi là khoảng 13%, khá cao so với mặt bằng chung của thị trường.

Về lợi thế khi nhập hàng so với Power Buy, ông Doanh cho rằng, chưa hẳn họ có lợi thế hơn các doanh nghiệp điện máy trong nước. Theo ông, dù các nhà sản xuất đặt phần lớn công xưởng ở Thái Lan, nhưng việc quyết định giá bán phụ thuộc vào bộ phận khác. “Các doanh nghiệp nội như Điện Máy Xanh nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, hoàn toàn có thể tiếp cận mức giá cạnh tranh như Power Buy”, ông Doanh nhìn nhận.

Điện máy Xanh “Bắc tiến”, cơ hội nào cho cổ phiếu MWG?
Nếu không có gì thay đổi, trong quý IV/2015, Hệ thống siêu thị Điện máy Xanh sẽ đổ bộ ra thị trường miền Bắc. Đây có thể coi là nước cờ táo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư