Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
CEO Kienlongbank Võ Văn Châu: "Điều hành phải giữ được danh dự của bản thân"
 
Từng kinh qua vị trí lãnh đạo tại một loạt ngân hàng, từ ACB đến OCB và bây giờ là Tổng giám đốc Kienlongbank, nhưng trong cuộc trò chuyện với người viết, ông Võ Văn Châu rất ít khi đề cập đến những con số, những kế hoạch, tầm nhìn hoành tráng, mà lại rủ rỉ nói về cái tình, cái gắn kết với những người đồng nghiệp, với những khách hàng thân thiết. Một kiểu quản trị doanh nghiệp theo dáng dấp “nhân trị” mà người xưa hay dùng…

Chất miền Tây…

“Đã từng trải qua các vị trí Giám đốc Ngân hàng Á Châu - Chi nhánh Đà Nẵng, Chi nhánh Đắk Lắk; Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông; đến tháng 10/2014 được Hội đồng quản trị Kienlongbank bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng”, vị CEO sinh năm 1953 tâm sự, những tháng năm, những biến cố vừa qua đã cho ông thấy đời người luôn thăng trầm khó đoán, nhất là làm một doanh nhân, đối mặt với trăm ngàn tình huống phức tạp trên thương trường, không phải ai cũng thương mình, không phải ai cũng hài lòng về mình. “Song, ngược lại mình muốn vuông, tròn thì phải biết chia sẻ và lắng nghe”.

Ông bảo, dù trong cuộc sống và công việc gặp không ít gian nan, nhưng điều  khiến ông tự hào là chặng đường nào cũng luôn có bạn đồng hành và giữ gìn tình bạn khá tốt. Bản chất của người Nam Bộ là thật tình và gắn bó với doanh nghiệp nào, ông luôn coi đó là gia đình của mình. Trong gia đình ấy, từng người đều lo cho nhau, sẽ có người khá, có người còn nghèo, nhưng khi hữu sự, những người trong gia đình sẽ chìa bàn tay ra sớm nhất.

“Những lúc gia đình nhân viên mình có chuyện buồn, tôi luôn sắp xếp có mặt sớm nhất, vì sự có mặt của mình sẽ làm mọi người thấy được an ủi. Tôi làm việc này bình thường như những người bạn thân với nhau, chứ không với tư cách sếp. Tình làng xóm của người miền Tây Nam bộ đã ăn sâu trong máu, nhà nào có việc thì cả làng cùng đến”, Võ Văn Châu chia sẻ.

Có lẽ cũng chính từ chất thật tình, dân dã của người miền Tây, vị CEO Kienlongbank quan niệm, trong quản lý, người lãnh đạo cần luôn trao đổi, tiếp xúc với nhân viên thì mới có thể thấu hiểu, nắm bắt khó khăn để chia sẻ và tạo động lực cho họ làm việc tốt hơn. Bởi với ông, nhân viên là người làm việc, người tạo ra những con số cho ngân hàng, do đó, nếu không chăm lo cho đời sống của cán bộ, nhân viên thì kết quả thu lại sẽ khó mà cao.

Đó cũng chính là lý do vì sao ngân hàng phải giải thích cho cổ đông, chi phí nhân viên gia tăng hàng năm. Chăm lo đời sống cho nhân viên để họ có hạnh phúc, từ hạnh phúc trong cuộc sống, họ sẽ có hưng phấn và cảm xúc trong công việc. Từ đó, nhân viên mới có được cung cách phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, niềm nở nhất.

Ông Châu cho rằng, dù nói giời nói bể gì, dù hùng biện hoa mỹ, thuyết phục đến đâu mà người lãnh đạo không đảm bảo được thu nhập ổn định và tăng dần cho nhân viên thì cũng là một thất bại trong quản trị. Thu nhập chính là một trong những “đòn bẩy” cho việc thu hút, phát triển, quản trị nguồn nhân lực chất lượng.

Trên thực tế, thời gian qua, một nguyên tắc trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực được Kienlongbank áp dụng là không giảm lương, mà có thể giảm chi phí bằng cách tinh giảm bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm chi phí hoạt động… Tuy nhiên, có một vấn đề là việc duy trì tiền lương cao cũng luôn song hành với áp lực công việc với từng cá nhân để có thể đạt được chỉ tiêu và thu nhập tương ứng.

“Giải quyết vấn đề này có nhiều phương cách khác nhau. Còn theo quan điểm cá nhân tôi, cần tạo động lực làm việc hơn là áp lực. Tất nhiên, trong hoạt động, ban điều hành doanh nghiệp luôn áp chỉ tiêu xuống cho từng nhân viên thì mới gắn được trách nhiệm cá nhân trong công việc. Nhưng trước khi đưa ra chỉ tiêu, điều quan trọng là cần hướng tầm nhìn của nhân viên tới những điều tốt đẹp khi công việc thành công nhằm tạo hưng phấn cho họ”, ông Châu nói. 

Có thể nhiều người nghĩ rằng, ngân hàng tôi đang điều hành không có gì nổi bật, nhưng tôi cam đoan, điều tôi làm đang mang lại kết quả lâu dài cho nhiều người, trong đó có lợi ích của toàn ngành, cổ đông, nhân viên.

Không quản trị trong phòng kín

Trong hoạt động kinh doanh, ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là rất quan trọng. Tuy nhiên, với vị CEO Kienlongbank, “thiên thời, địa lợi”, có thể thay đổi ngoài ý muốn của con người, còn “nhân hòa” là do tự mình tạo ra, muốn người khác đối xử với mình ra sao, hãy đối xử với người y như vậy.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng đã dần bước qua những khó khăn, biến cố và hướng vào chu kỳ phát triển mới, nhiều thuận lợi mới đang mở ra khi một giai đoạn hội nhập sâu rộng đang đến, vấn đề là mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế như thế nào để đón nhận cơ hội đó.

“Chúng ta cần tạo môi trường sống, làm việc với nhau thật tốt để từng cá nhân nỗ lực trong một tập thể cùng nỗ lực thì sẽ cho kết quả tốt nhất. Ở vị trí lãnh đạo điều hành cần luôn quan tâm, sâu sát nhân viên. Đã phân công là tin tưởng anh chị em, người lãnh đạo chỉ nên đóng vai trò đưa ra định hướng và kiểm tra công việc, chứ không nên bao biện”, ông Châu nói, nhưng cũng cho rằng, sự tin tưởng ở các nhân sự của mình không hề mâu thuẫn với hoạt động kiểm tra chéo chất lượng công việc của nhân viên từ phía các khách hàng và đối tác.

Trên thực tế, dịch vụ ngân hàng là nghề làm dâu trăm họ. Hàng ngày, các nhân viên ngân hàng phải tiếp xúc với đủ mọi lớp người trong xã hội. Nắm được tâm lý, nhu cầu của khách, thậm chí quan tâm đến những thói quen, sở thích của các khách hàng lâu năm chính là tiền đề để mở rộng và giữ chân khách hàng.

Chính vì vậy, sự hài lòng của khách hàng là một trong những tiêu chí quan trọng đo đếm chất lượng của các nhân viên ngân hàng. Thấu hiểu rất rõ điều này qua nhiều vị trí lãnh đạo ở nhiều ngân hàng, nên ông Châu coi tiếp xúc với khách hàng là nhiệm vụ thường xuyên.

“Tôi thường tiếp xúc với khách hàng, nghe khách hàng nói về nhân viên mình. Trong quá trình điều hành ở vị trí lãnh đạo, tôi không ngồi nhiều ở bàn giấy, mà thường hay xuống các quần giao dịch, ngồi ở ghế khách hàng, lân la hỏi chuyện để họ nói về sản phẩm, cung cách phục vụ. Khi khách hàng có khó khăn, mình đồng hành với họ để có thể vượt qua, hoạt động tốt lên chắc chắn họ sẽ tiếp tục đồng hành với mình”, ông khẳng định và cho biết rất “kỵ” việc quản trị trong phòng kín. Điều đó dễ tạo ra những quyết định duy ý chí, xa rời thực tế…

Có một phong cách nữa ở vị CEO Kienlongbank mà nhân viên dưới quyền đã nhiều lần “việt vị” là khi đi tỉnh, đến làm việc tại các chi nhánh trong hệ thống, không bao giờ ông báo trước bởi quan niệm rằng, có đến bất ngờ mới biết nơi đó làm việc ra sao, có không khí làm việc hay không.

Ông Châu tâm sự: “Tôi rất chú ý đến chất ‘lửa’ nơi làm việc, đến khả năng tạo sinh khí làm việc cho nhân viên của người đứng đầu. Nếu vô một nơi mà ai cũng lờ đờ, mạnh ai nấy làm, ở đó là chắc chắn có chuyện. Có thể do phân phối quyền lợi không công bằng, người đứng đầu không minh bạch… Khi đã nắm được căn nguyên, gốc rễ sự việc thì việc xử lý cần dứt khoát, quyết liệt  sẽ sớm tái lập được sự ổn định, phát triển của đơn vị đó”. 

Nghĩ về nghề sau 40 năm

Đã hơn 40 năm hoạt động trong ngành ngân hàng, với các vị trí lãnh đạo cấp cao, nhưng vị CEO Kienlongbank vẫn chia sẻ rằng, cá nhân ông chưa bao giờ ngừng học hỏi, tìm hiểu để có thể nắm bắt được xu hướng của thị trường, tiếp thu những tri thức mới, từ đó áp dụng hài hòa giữa cái mới và kinh nghiệm tích lũy lâu năm.

Ông cho rằng, công nghệ quản lý ngân hàng Việt Nam trên bình diện toàn hệ thống ngày nay tiệm cận với những tiêu chuẩn thế giới nên đã khoa học, chặt chẽ và minh bạch hơn rất nhiều so với trước.

Với vai trò lãnh đạo ở vị trí CEO, yếu tố trước hết là phải hài hòa và quyết đoán.

Với từng nhân viên ngân hàng, năng suất lao động hiện nay cũng phụ thuộc lớn vào khả năng nắm bắt công nghệ, phần mềm… Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên đi “yếu tố giữa con người với nhau”. Mặc dù công nghệ ngày càng tiên tiến, nhưng khi đến với ngân hàng, cung cách phục vụ khách hàng của từng nhân viên sẽ là yếu tố giữ chân khách hàng ở lại.

“Có thể nhiều người nghĩ rằng, ngân hàng tôi đang điều hành không có gì nổi bật, nhưng tôi cam đoan, điều tôi làm đang mang lại kết quả lâu dài cho nhiều người, trong đó có lợi ích của toàn ngành, cổ đông, nhân viên”, ông Châu nói.

“Với vai trò lãnh đạo ở vị trí CEO, yếu tố trước hết là phải hài hòa và quyết đoán. Tất nhiên, trong quá trình sử dụng lao động không phải lúc nào cũng theo như kỳ vọng của mình, nên cách tốt nhất đối với người lãnh đạo là phải tạo được động lực cho nhân viên. Tiêu chí lãnh đạo của tôi là điều hành phải giữ được danh dự của bản thân mình. Điều này rất quan trọng, kể cả nếu có cạnh tranh thì cũng phải cạnh tranh trên tiêu chí tôn trọng các đồng nghiệp, tôn trọng các ngân hàng bạn”, ông Châu nói như một sự đúc kết cho cá nhân mình sau hơn bốn thập kỷ gắn bó với… “chốn bạc tiền”.

Nữ doanh nhân sáng lập Yoga Trái tim vàng: Tìm đường xuất ngoại cho Yoga Việt
Tám năm ròng rã đeo đuổi khát vọng “xuất khẩu” huấn luyện viên người Việt ở bộ môn Yoga đã nhiều lần dồn bà Lê Thị Tố Hải, Nhà sáng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư