Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
CEO LOGIVAN Phạm Khánh Linh: Cơ hội khởi nghiệp chia đều cho cả hai giới
Thu Phương - 19/10/2018 14:20
 
Là một trong 3 doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu của Việt Nam, được Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 tại Việt Nam mời tham dự Diễn đàn, Linh Phạm, CEO Công ty Công nghệ LOGIVAN là người trẻ tuổi nhất và cũng là phụ nữ duy nhất. Với cô, trong khởi nghiệp, cả hai giới đều bình đẳng và có cơ hội như nhau.

Số hóa ngành công nghiệp vận tải đường bộ 

Trong giới khởi nghiệp, mọi người đều biết Linh Phạm với LOGIVAN đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi UberEXCHANGE - Khởi nghiệp thông minh, do Uber phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2017. 

Gần đây, LOGIVAN lọt Top 10 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Hội nghị Công nghệ châu Á (RISE 2018) và cũng là một trong các start-up nổi bật của Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đã gọi thành công gần 2,5 triệu USD từ các quỹ ngoại.

.
Phạm Khánh Linh, Sáng lập & CEO Công ty Công nghệ LOGIVAN

Có lẽ cũng vì vậy mà LOGIVAN đã được chọn là một trong 3 start-up tiêu biểu trong tổng số 80 doanh nghiệp khởi nghiệp, được Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 tại Việt Nam mời tham dự. Về cá nhân Linh Phạm, cô cũng là một trong những gương mặt khởi nghiệp nổi bật khi từ bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước tại Tập đoàn Goldman Sachs ở London (Anh) để về Việt Nam khởi nghiệp. 

Cùng với các thành tích kể trên, mọi người cũng biết đến Linh Phạm với dự án Engeek - ý tưởng phần mềm học tiếng Anh qua tin nhắn Facebook. Với dự án này, Linh cùng các thành viên nhóm Fantastic 4 đã giành giải “Women Who Code” (Giải Nữ lập trình viên) tại Cuộc thi tập hợp các lập trình viên tài năng, nhằm đưa ra những ý tưởng và xây dựng các ứng dụng di động cùng Facebook năm 2016. 

Năm 2017, cô gái nhỏ nhắn Linh Phạm tiếp tục viết tiếp hành trình khởi nghiệp của mình với ý tưởng LOGIVAN. Linh Phạm chia sẻ, ý tưởng LOGIVAN được hình thành trong thời gian Linh làm việc trong nhà máy sản xuất máy tính HP. Trong thời gian làm việc ở đây, Linh nhận thấy xe tải của nhà máy đi chiều về 100% trong tình trạng rỗng hàng, từ đó, một ý tưởng khởi nghiệp về logistics đã nảy ra.

Tìm hiểu sâu hơn về thị trường, Linh nhận thấy, ngành vận tải hàng hóa bằng xe tải tại Việt Nam có trị giá tới 23 tỷ USD/năm, trung bình tăng trưởng 14% mỗi năm, nhưng 90% doanh nghiệp vận tải đều là những doanh nghiệp nhỏ, có ít hơn 5 chiếc xe tải. Trong khi đó, 70% xe tải chạy chiều về không chở hàng. Đây là lãng phí lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 23% GDP, cao hơn nhiều so với Singapore (8%), Trung Quốc (15%)... 

Để ý tưởng khởi nghiệp có cơ sở chính xác hơn, Linh đã khảo sát các công ty vận tải. Với các tuyến ngắn, lượng xe tải rỗng chiều về lên tới 90%. Với các tuyến xa hơn, việc các bác tài tìm được hàng chiều về cũng rất khó khăn, có khi phải chờ tới hai tuần mới có hàng để về. Sau quá trình tìm hiểu, ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu được Linh thực hiện.

“Bằng cách đi đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán, tôi đã bắt gặp cảnh hàng trăm xe tải bị kẹt kéo dài 10 km. Khi đó, tôi đã có cơ hội để hỏi về cuộc sống và công việc của các tài xế. Thông qua câu chuyện thực tế của họ giúp tôi tinh chỉnh sản phẩm đáp ứng nhu cầu”, Linh cho biết.  

Cùng với việc khảo sát thực tế, Linh Phạm cũng gặp nhiều chuyên gia trong ngành vận tải để tham vấn ý kiến và họ cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng của ý tưởng. Cô tìm hiểu những mô hình tương tự, nhưng đã sụp đổ để xác định những nguyên nhân khiến họ thất bại. Cuối cùng, cô tìm hiểu thực tế trên thế giới và nhận thấy nhiều mô hình như vậy đã thành công ở Brazil, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Tới lúc ấy, Linh mới cảm thấy có đủ căn cứ để khởi nghiệp.

Tháng 9/2017, Linh Phạm và đội ngũ đã cho ra đời ứng dụng công nghệ LOGIVAN, giúp doanh nghiệp tìm kiếm và quản lý xe tải online. Nền tảng còn kết nối mạng lưới hàng ngàn xe tải tin cậy, giúp đáp ứng nhu cầu xe mọi lúc, mọi nơi với giá cạnh tranh.

Theo Linh, LOGIVAN tập trung vào phân khúc first & middle mile delivery, là các bước trên cùng của chuỗi cung ứng, khi mà hàng hoá được luân chuyển giữa các nhà sản xuất, phân phối tới nhà bán lẻ. Vì vậy, mô hình của LOGIVAN là B2B (Business to Business) và khách hàng của LOGIVAN là các công ty.

Cơ hội luôn được chia đều 

Bước chân vào kinh doanh cụ thể là ở lĩnh vực logistics, Linh Phạm không nghĩ rằng lĩnh vực này là khó khăn với một cô gái. “Bản thân mình chưa bao giờ có khái niệm là thị trường logistics khó nhằn với phái nữ, cả hai phái đều bình đẳng và đều có những cơ hội như nhau”, Linh Phạm cho hay. 

Nhờ những nỗ lực cố gắng của nữ CEO và đội ngũ, may mắn đã mỉm cười với LOGIVAN. Linh Phạm chia sẻ, cô không ngờ đã chiến thắng UberExchange và đến Thung lũng Silicon để gặp các giám đốc điều hành Uber.

“Tôi không thể nghĩ mình sẽ nhận được khoản đầu tư 600.000 USD hạt giống chỉ sau 4 tháng kể từ lần mua tên miền đầu tiên. Tôi cũng thật bất ngờ khi giành chiến thắng Best Start-up 2018 tại RISE Hồng Kông. Tôi rất vui mừng khi hạt giống nhỏ LOGIVAN có thể nhanh chóng phát triển. Xây dựng một công ty công nghệ tốt luôn là ước mơ và động lực của chúng tôi”, nữ CEO 9x tâm sự. 

Nắm lấy cơ hội đến Thung lũng Silicon tại San Francisco (Mỹ), nhận được tư vấn về công nghệ của những nhà công nghệ xuất sắc nhất Thung lũng Silicon đã mang lại cho CEO LOGIVAN những hiểu biết về thách thức của cả hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, từ đó đúc kết nên những chiến lược và kế hoạch phát triển riêng biệt cho LOGIVAN tại Việt Nam và Đông Nam Á. 

Việc được chọn là đại diện tiêu biểu của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 tại Việt Nam mới đây cũng mang lại cho nữ CEO này nhiều kinh nghiệm và bài học về lòng nhiệt huyết, sự tự tin từ những con người thông minh và đầy nhiệt huyết. 

“Tại Diễn đàn, tôi học được từ các doanh nghiệp lớn về việc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn vào những giờ phút quyết định. Có những người phải đánh đổi rất nhiều thứ quan trọng trong cuộc đời của họ để đạt được những gì họ có hôm nay. Không có gì là miễn phí, mọi thứ luôn có cái giá của nó”, Linh Phạm chia sẻ. 

May mắn khi được tiếp xúc, học hỏi từ các chuyên gia thế giới, nhận được sự cố vấn trực tiếp từ Tổng giám đốc công nghệ toàn cầu UBER Thuận Phạm - một doanh nhân gốc Việt thành công tại Thung lũng Silicon, cùng với sản phẩm đúng thời điểm, đúng thị trường là những thuận lợi ban đầu cho LOGIVAN. Nhưng trong quá trình phát triển, cũng như những công ty khởi nghiệp khác, LOGIVAN đã gặp khó khăn không nhỏ trong việc tuyển dụng. 

“Khi tuyển dụng, LOGIVAN gặp những thành viên phù hợp về chuyên môn, nhưng không có cùng đam mê và lý tưởng. Cũng có những thành viên chưa thực sự phù hợp về chuyên môn nhưng lại rất thích khởi nghiệp về ngành này cùng LOGIVAN”,  CEO Linh Phạm cho biết. 

Vượt qua các trở ngại ban đầu, hiện LOGIVAN đã có 2 trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM, liên kết hơn 12.000 tài xế xe tải ở miền Bắc và miền Nam, cùng nhiều đối tác lâu dài.

Bà Bùi Trúc Quỳnh, Giám đốc Công ty Nông nghiệp HP phản hồi sau khi sử dụng LOGIVAN: “LOGIVAN giúp khâu vận tải của chúng tôi linh hoạt, nhẹ nhàng hơn rất nhiều, mà vẫn đảm bảo được chất lượng và tiến độ”. 

Tiếp nhận những ý kiến của đối tác để hoàn thiện và phát triển sản phẩm, Linh Phạm cho biết, thời gian tới, sau khi được bơm vốn, LOGIVAN sẽ tiếp tục mang đến cho doanh nghiệp những dịch vụ chất lượng và uy tín nhất. Công ty sẽ mở rộng dịch vụ tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng; đồng thời nâng cấp các sản phẩm để phục vụ các công ty logistics lớn và tạo sự minh bạch trong việc theo dõi và quản lý xe tải. LOGIVAN đặt mục tiêu sẽ giảm 20% lượng xe tải rỗng vào năm 2020. 

Cùng với sự phát triển của LOGIVAN, nữ CEO 9x cũng kỳ vọng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ có thêm những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho các start-up giai đoạn hạt giống (seed) và series A nhiều hơn. Các mạng lưới khởi nghiệp cũng cần có những chương trình thực sự phát triển được kỹ năng của start-up, từ kỹ năng nghiên cứu, phát triển thị trường, cho đến kỹ năng gọi vốn, pitching (giới thiệu start-up để kêu gọi vốn đầu tư), kỹ năng tuyển dụng nhân sự vào đúng thời điểm.

Trò chuyện với Linh Phạm, CEO Công ty Công nghệ LOGIVAN:
Tại sao ứng dụng “Uber xe tải” của Linh Phạm lại có tên là LOGIVAN?
Khi có ý tưởng, tôi bắt đầu bằng cách mua hàng chục tên miền “.com” với giá 30 USD. Hai tuần sau, tôi đã quyết định lấy tên là LOGIVAN. Đó là cái tên gợi lên cho mọi người nghĩ về hậu cần và nó thậm chí còn giống như một bản sao của Logitem.

Một số giải thưởng ấn tượng mà Linh Phạm và LOGIVAN đã có được trong thời gian qua?
Vừa qua, LOGIVAN giành ngôi vị quán quân trong cuộc thi “PITCH - The Startup Battle” (Cuộc chiến khởi nghiệp). Đây là cuộc thi trong khuôn khổ Hội nghị công nghệ và khởi nghiệp châu Á - RISE 2018, diễn ra giữa tháng 7 tại Hồng Kông.
Trước đó, tháng 11/2017, LOGIVAN cũng chiến thắng tại cuộc thi UberEXCHANGE - Khởi nghiệp thông minh, giành tấm vé đến Thung lũng Silicon.
Gần đây, Linh đã được Asean Rice Bowl Startup Awards bình chọn là Founder of the year - Người sáng lập của năm 2018.

Điều gì Linh muốn chia sẻ với những bạn nữ có đam mê và ý định theo đuổi khởi nghiệp?
Điều duy nhất tôi muốn nhắn nhủ là các bạn nữ hãy luôn tự tin, bởi sự tự tin là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công. Bên cạnh đó, phải luôn cố gắng trau dồi bản thân và không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng của mình.
CEO Logivan Linh Phạm: Từ bỏ "việc sang - lương khủng" tại Anh để về Việt Nam khởi nghiệp
Không an phận ở tập đoàn Goldman Sachs (London), cô nàng du học sinh Linh Phạm đã về Việt Nam khởi nghiệp với mô hình “Uber vận tải”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư