Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
CEO Nafoods quốc tế: Người mang chanh leo Việt đi khắp thế giới
Trần Mạnh - 24/05/2016 15:50
 
Ông Nguyễn Trung Kiên – CEO Công ty Nafoods quốc tế - người mang sản phẩm chanh leo tím Việt Nam sang 50 quốc gia trên thế giới, chiếm 9% tỷ trọng sản lượng chanh leo nhập khẩu tại thị trường Châu Âu- luôn ấp ủ về một nền kinh tế nông nghiệp xanh bền vững theo chuỗi giá trị của Nafoods Group.
TIN LIÊN QUAN
Ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Công ty Nafoods quốc tế
Ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Công ty Nafoods quốc tế

Nafoods nổi tiếng với sản phẩm chanh leo xuất khẩu. Vậy đến nay, sản phẩm chanh leo Nafoods đã xuất khẩu sang bao nhiêu nước? Thị trường nào là chủ đạo, thưa ông?

Chanh leo Nafoods hiện tại đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới như: Châu Âu, châu Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, thị trường chủ đạo là châu Âu, hiện đang chiếm hơn 70% sản lượng xuất khẩu của Nafoods. Đặc biệt, sản phẩm chanh leo của Nafoods chiếm thị phần lên tới 8-10% lượng nhập khẩu hàng năm đối với sản phẩm cô đặc của châu Âu. Các thị trường còn lại: Mỹ, Canada, Úc, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 30% sản lượng xuất khẩu chanh leo của Nafoods nhưng so với các đối thủ trên thị trường thì thị phần và sản lượng chưa lớn.

Khó khăn lớn nhất trong việc xuất khẩu chanh leo hiện nay là gì?

Là một sản phẩm nông nghiệp trọng điểm, thuận lợi trong trồng trọt cũng như mang lại nguồn lợi kinh tế cao nhưng việc xuất khẩu sản phẩm chanh leo ra thế giới cũng gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.

Thứ nhất, Việt Nam phát triển giống cây chanh leo tím của châu Á trong khi thị trường thế giới lại có thói quen ưa dùng sản phẩm chanh leo vàng, xuất phát từ vùng Nam Mỹ: Ecuado, Peru, Colombia… Vì vậy, khi xuất khẩu vào các thị trường, chúng ta mất nhiều thời gian  làm thương hiệu, làm Marketing để thuyết phục khách hàng chất lượng của chanh leo tím không những không thua kém mà còn vượt trội hơn so với chanh leo vàng.

Thứ hai, xuất khẩu chanh leo Việt Nam ra thế giới gặp nhiều bất lợi về thuế. Hiện tại, đối thủ lớn nhất của chanh leo cô đặc Việt Nam tại thị trường Châu Âu là Ecuado và Peru. Sản phẩm chanh leo xuất khẩu của hai nước này vào châu Âu được hưởng thuế 0% nhờ các hiệp định thương mại đã được ký kết giữa các bên. Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU vẫn chưa được thông qua nên sản phẩm chanh leo nước ta xuất khẩu vào EU vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 7-9%, do đó bị cạnh tranh về giá rất lớn so với các đối thủ.

Thời gian tới, Nafoods sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mới nổi như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Úc, Newzeland, Nam phi. Tuy nhiên, hiện tại, châu Âu, Mỹ và Canada vẫn là thị trường truyền thống và có khả năng tiêu thụ lớn nhất. Vì vậy, hi vọng Việt Nam sẽ sớm thông qua được các hiệp định thương mại để tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm cũng như doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.

Năm 2016 này, mục tiêu của Nafoods trong chinh phục thị trường xuất khẩu chanh leo thế giới là gì?

Năm 2015, Nafoods group xuất khẩu được hơn 2.000 tấn chanh leo cô đặc. Mục tiêu đề ra trong năm 2016 là xuất khẩu từ 2.500 đến 3.000 tấn chanh leo cô đặc. Chúng tôi vẫn tập trung vào thị trường chủ đạo là Châu Âu, đồng thời phát triển sang các thị trường Mỹ, Úc, Canada, Newzeland, Nhật Bản – những nước thành viên của Hiệp định TPP. Tôi cho rằng, TPP là cơ hội lớn cho Việt Nam. 

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất năm 2016 của Nafoods sẽ là chiếm 30% sản lượng chanh leo cô đặc nhập khẩu của thị trường Châu Âu. Đồng thời, sẽ cố gắng nâng dần tỷ trọng ở các thị trường khác, nhất là các nước thành viên TPP, ASEAN... để cần bằng tỷ trọng xuất khẩu của Nafood tại Châu Âu và các thị trường khác ở mức 50-50% (hiện tỷ trọng xuất khẩu sang châu Âu của Nafoods đang là 70%). 

Được biết, Nafoods có rất nhiều sản phẩm, song ông lại chọn chanh leo là sản phẩm xuất khẩu chủ đạo, tại sao?

Khi Nafoods xác định các sản phẩm chủ lực, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều sản phẩm rau củ quả phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ Trung Quốc, Thái Lan, Philippin. Chỉ có ít sản phẩm như chanh leo, gấc là chúng ta có lợi thế cạnh tranh. Các sản phẩm khác như: dứa, vải, chuối… chúng ta không có lợi thế cạnh tranh bằng các đối thủ trong khu vực. Hơn nữa, chúng ta cũng bất lợi hơn về thuế. Hơn nữa, trong quá trình phát triển cây chanh leo, chúng tôi nhận thấy đây là giống cây phù hợp nhất ở Việt Nam. Dù chanh leo xuất hiện đầu tiên Đài Loan, Thái Lan, Malayxia, Trung Quốc từ 30 năm trước nhưng xét về hiệu quả thì ở Việt Nam vẫn là hiệu quả nhất.

Để chiếm tới 30% thị phần chanh leo tại châu Âu như mục tiêu đề ra, Nafoods hẳn đã có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu. Thời gian tới, Nafoods sẽ làm gì để giữ vững và phát huy vị trí số 1 của cây chanh leo?

 Sản phẩm chanh leo cô đặc của Nafoods được ứng dụng nhiều ở Châu Âu và ngày càng được biết đến rộng rãi. Sự tăng trưởng của sản phẩm này một năm không dưới 30% đối với sản phẩm chanh leo tím của Nafoods. Để đáp ứng được nhu cầu thị trường và thực hiện mục tiêu chiếm 30% sản lượng của thị trường Châu Âu, trước hết Nafoods phải phát triển được vùng nguyên liệu bền vững, có quy hoạch bài bản, lâu dài để đảm bảo việc tăng năng suất và các sản lượng hàng năm ổn định ở mức 5.000-7.000 tấn cô đặc.

Trong định hướng phát triển của Nafoods, chúng sẽ quy hoạch 3 vùng chanh leo: Tây Nguyên, Nghệ An và Mộc Châu. Trong đó, khu vực Nghệ An, Mộc Châu sẽ phục vụ cho nhà máy tại Quỳnh Lưu - Nghệ An, vùng Gia Lai –Tây Nguyên sẽ phục vụ cho nhà máy mới đang bắt đầu xây dựng tại Long An.

Để phát huy và duy trì vị trí số 1 của cây chanh leo, thứ nhất, Nafoods đã xây dựng một chuỗi giá trị nông nghiệp xanh bền vững toàn cầu đối với cây chanh leo bao gồm từ: giống, trồng, phát triển, thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm chanh leo này. Nafoods là công ty đầu tiên có viện giống cây chanh leo, cung cấp giống cây chanh leo sạch bệnh trên toàn Việt Nam theo sự chuyển giao công nghệ từ phía Đài Loan. Thứ hai, Nafoods có trung tâm phát triển nông nghiệp để hỗ trợ ngoài việc trồng của Nafoods còn hỗ trợ bà con nông dân để phát triển các vùng nguyên liệu. Thứ ba, Nafoods liên tục đầu tư cho công nghệ để phát triển các nhà máy đảm bảo cho việc chế biến, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính nhất. Thứ tư, Nafoods đầu tư phát triển thương hiệu cho cây chanh leo để nhắc đến chanh leo là nhắc đến chanh leo tím, nhắc đến chanh leo tím là nhắc đến Nafoods Việt Nam.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư