Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
CEO SIB Dan Schneider: Bỏ học cấp 3, lập công ty tư vấn tài chính
Lam Phong - 18/05/2016 11:43
 
Dan Schneider, 35 tuổi, là người sáng lập và CEO của SIB Fixed Cost Reduction, một hãng tư vấn với 75 nhân viên chuyên giúp các công ty cắt giảm bớt chi phí hoạt động không cần thiết.
Dan Schneider
Dan Schneider

Các công ty không cần trả trước bất kỳ chi phí nào cho dịch vụ của SIB, thay vào đó, SIB sẽ nhận 50% của bất kỳ khoản chi phí nào có thể tiết kiệm được mà họ tìm ra. Đa số khách hàng của SIB có doanh thu trên 200 triệu USD mỗi năm, bao gồm cả Hyatt Hotels, Genesis Health Care và Pep Boys.

Khó có thể tưởng tượng rằng, người chuyên phân tích hoạt động tài chính để tìm ra các chi phí có thể tiết kiệm được cho các công ty lớn, lại bỏ học cấp ba, dày công gây dựng một chuỗi cửa hàng bán điện thoại, sau đó bán đi tất cả và đi vòng quanh thế giới. Dưới đây, Dan Schneider sẽ chia sẻ những trải nghiệm của anh trong quá trình trở thành ông chủ của chính mình.

Việc bỏ học cấp ba có gây khó khăn cho anh khi bắt đầu xây dựng công ty?

Tôi bỏ học khi 16 tuổi, đang học lớp 10. Tôi mắc chứng khó đọc nhưng nhà trường không nhận ra và tôi phải vật lộn mỗi ngày với các môn xã hội hay ngôn ngữ, mặc dù tôi rất giỏi với môn toán. Tôi bắt đầu nghĩ rằng, sẽ chẳng bao giờ có thể học đại học và quyết định từ bỏ sớm.

Vậy bố mẹ anh đã ứng xử ra sao với hành động này?

Tôi luôn có trong mình tinh thần khởi nghiệp và bố mẹ luôn ủng hộ tôi. Khi đó, kế hoạch của tôi là sẽ mở một nhà hàng khi tôi 21 tuổi. Mặc dù tôi khá chậm với các môn xã hội và rất khổ sở khi học tại trường, các giáo viên vẫn nói với bố mẹ tôi rằng tôi đủ khả năng để có được bằng tốt nghiệp hệ bổ túc. Tôi đã không tham gia kỳ thi.

Anh đã làm gì sau khi bỏ học?

Tôi làm những quả bóng bay hình thú và bán tại các bữa tiệc. Sau đó, tôi làm việc cho một người phụ nữ và các nhà hàng sẽ trả tiền cho người này để bà giới thiệu người có thể làm được việc. Vậy nên, tôi tới nhà hàng đó và nói tôi sẽ làm việc cho họ mà không cần thù lao nhằm lấy kinh nghiệm. Rồi một nhà hàng khác đề nghị tôi giúp đào tạo những người làm được việc, tôi chấp nhận, đào tạo một số người bạn và nhận phí. Đây là thương vụ làm ăn đầu tiên của tôi, khi tôi 16 tuổi.

Anh đã bước vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động như thế nào?

Bởi vì bán bóng bay cho các bữa tiệc nên tôi cần có điện thoại để có thể liên lạc với người mua. Đó là thời điểm mà không phải đứa trẻ nào cũng có một chiếc di dộng. Cửa hàng bán điện thoại đã đề nghị tôi trở thành nhân viên kinh doanh cho họ. Khi đó tôi nghĩ, hoặc là trông tôi cực kỳ quyến rũ, hoặc là họ quá tuyệt vọng trong việc tuyển người. Mặc dù vậy, tôi vẫn chấp nhấn. Tới năm tôi 18 tuổi, tôi không còn phải tới gõ cửa từng nhà để bán hàng. Năm 1999, tôi tự mở cửa hàng của riêng mình tại Doylestown, PA.

Làm sao anh có đủ tiền để mở cửa hàng khi mới 18 tuổi?

Sau 6 tháng bán hàng, tôi tiết kiệm được 25.000 – 30.000 USD, đủ để trang trải cho một cửa hàng nhỏ. Omnipoint, một công ty phân phối điện thoại tiếp cận tôi và muốn tôi trở thành đại lý bán lẻ trực tiếp của họ. Tôi bắt đầu mở thêm một số cửa hàng, với sự trợ giúp của Omnipoint. Cuối cùng, tôi đã có 12 cửa hàng, 40 nhân viên, bao gồm cả một tổng đài với 20 người, trước khi tròn 20 tuổi.

Anh đã kinh doanh điện thoại trong bao lâu?

5 năm. Không chỉ bán hàng đơn thuần, tôi tham gia vào việc nhập và xuất khẩu điện thoại trên toàn cầu. Một sản phẩm đời cũ mà không ai còn muốn ở Mỹ có thể trở thành một thứ tuyệt vời tại Nam Phi. Tôi trở thành người quản lý một chuỗi hoạt động kinh doanh.

Đây là công việc đòi hỏi tôi phải đối mặt với các deadlines, giải quyết các đơn hàng, dịch vụ vận chuyển tại nhiều nơi khác nhau. Tôi đã tăng trưởng công ty lên mức đạt doanh thu 35 triệu USD/năm.

Vậy tại sao anh lại từ bỏ nó?

Khi đó tôi 26 tuổi, đang dùng bữa tối thì một khách hàng gọi điện tới với giọng điệu khiếm nhã. Tôi chỉ nghĩ, tôi đã chịu đựng đủ rồi. Tất nhiên, tôi không phải trẻ con để bỏ bê ngay lập tức. Tôi liên lạc với một số đối tác làm ăn và cho họ biết ý định chuyển nhượng chuỗi cửa hàng của mình. Trong vòng một tuần, tôi đã thực hiện được thương vụ và bán luôn căn nhà của mình.

Tôi chỉ không muốn khi 45 tuổi sẽ nghĩ rằng, tôi chưa từng có thời gian vào những năm 20 tuổi để làm điều mình mong muốn. Mọi người đều tốt nghiệp cấp ba, rồi đại học và xoay quanh rất nhiều những hoạt động thông thường khác. Tôi chưa bao giờ được như vậy.

Tôi bắt đầu đi khắp mọi nơi, tham gia đi xe đạp đường trường và lướt sóng.

Điều gì khiến anh muốn quay trở lại với công việc và bắt đầu SIB?

Khi đó, tôi đã ở Charleston một thời gian để lướt sóng với một số người bạn. Tôi đã không làm việc trong 2 năm và cảm thấy mình phải làm điều gì đó hơn là chỉ vui chơi suốt ngày. Tôi tìm được một công việc văn phòng và bắt đầu đi làm mỗi ngày.

Vào tháng 11/2008, nền kinh tế khá tệ và việc tư vấn tiết kiệm chi phí bất ngờ xuất hiện trong đầu tôi. Sau một thời gian, tôi vẫn còn 500.000 USD tiền tiết kiệm. Tôi dùng nó để đầu tư vào công ty. Ban đầu, việc tìm khách hàng khá khó khăn và chỉ dựa vào những cuộc gọi điện mời chào. Cuối cùng, tôi có được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức thương mại như Hội các chi nhánh nhượng quyền Burger King, Hội các chi nhánh nhượng quyền Little Caesars.

Anh có thể nói rõ hơn về dịch vụ của SIB không?

Chúng tôi sẽ xem xét các chi phí hàng tháng của khách hàng và làm 3 việc. Thứ nhất, kiểm tra xem họ có đang trả giá quá đắt không. SIB sẽ xem xét hợp đồng cung cấp dịch vụ của khách hàng với các đối tác của họ để xem mức giá liệu đã hợp lý. Thứ hai, chúng tôi tìm xem liệu họ có đang trả tiền cho những dịch vụ không cần thiết, hoặc chưa sử dụng hết công suất của dịch vụ đó. Thứ ba, chúng tôi tiến hành đàm phán, thường là với các nhà cung cấp hiện tại của khách hàng để tìm kiếm một mức giá hoặc một dịch vụ phù hợp hơn.

Anh có thường gặp thất bại trong việc tìm ra các khoản có thể tiết kiệm hơn của khách hàng?

Tỷ lệ thành công của chúng tôi là 98%. Thông thường, chúng tôi có thể tiết kiệm được cho khách hàng 10% - 40% các chi phí hàng tháng.

"Khởi nghiệp không phải là cuộc chơi mà là hành trình gian khổ"
Tại Hội thảo “Khởi nghiệp cùng thương mại điện tử Việt Nam” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức chiều 7/5 tại Hà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư