Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
CEO YODY Nguyễn Việt Hòa: Khởi nghiệp là nhiệt huyết và liều lĩnh
Gia Huy - 06/02/2019 13:26
 
Đưa nhà máy đi vào hoạt động năm 2018 là bước khởi đầu cho giấc mơ lớn của “ông trùm thế lực thời trang vùng ven” Nguyễn Việt Hòa: đưa Công ty TNHH Hòa Tiến (YODY) niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2022 và lọt top 3 công ty thời trang hàng đầu Đông Nam Á năm 2028.
doanh nhân Nguyễn Việt Hòa cho rằng, phẩm chất cần có của người khởi nghiệp là nhiệt huyết và liều lĩnh.
Doanh nhân Nguyễn Việt Hòa cho rằng, phẩm chất cần có của người khởi nghiệp là nhiệt huyết và liều lĩnh.

Thế lực vùng ven

Trong vòng 2 năm kể từ khi thành lập, YODY đã sở hữu 72 cửa hàng ở các tỉnh phía Bắc, năm 2018 đưa nhà máy mới vào hoạt động, ngày 3/1/2019 khai trương trụ sở làm việc mới và chuẩn bị các viên gạch đầu tiên để Nam tiến. Theo dõi sự phát triển của YODY, khó có thể tin rằng, tiền thân của thương hiệu thời trang này là chuỗi cửa hàng thời trang tại tỉnh Hải Dương đã phá sản từ năm 2012.

Có một điều thú vị, các cửa hàng của YODY không tập trung ở trung tâm thành phố, mà chủ yếu ở các tỉnh vùng ven đang chuyển mình. CEO của YODY cho rằng, người tiêu dùng ở thành phố có quá nhiều lựa chọn cả về sản phẩm lẫn dịch vụ. Ngược lại, thị trường vùng ven rất thiếu dịch vụ đã trở thành chuẩn mực trên thành phố và đó là cơ hội của YODY. Đây là khu vực tập trung người từ các tỉnh lên thành phố làm việc và họ sẽ dần di chuyển về phía trung tâm thành phố, nhưng các thương hiệu quen thuộc mặc nhiên sẽ đi theo cùng tiềm thức họ.

Bên cạnh đó, với một công ty khởi nghiệp như YODY, việc lựa chọn các thị trường vùng ven cũng là cách tránh đối đầu với các thương hiệu lớn, giàu tiềm lực tài chính và đã khá quen thuộc với các khách hàng ở khu vực trung tâm. “Thay vì cạnh tranh quảng cáo với các thương hiệu nổi tiếng, chúng tôi tập trung định hướng thị trường nông thôn, tạo thời gian đủ lâu để họ gắn bó với thương hiệu”, anh Hòa nói.

Đến thời điểm hiện tại, lựa chọn của anh Hòa đã giúp YODY đi khá nhanh. Năm 2018, Công ty đưa nhà máy sản xuất đi vào hoạt động, với tổng mức đầu tư giai đoạn I cho nhà máy và văn phòng là 10 tỷ đồng, tương đương khoảng 20-30% tổng mức đầu tư dự tính. Sang giai đoạn II, YODY dự kiến sẽ thuê khu đất rộng 1.000 m2 để chuyển các hoạt động phụ trợ sang và sẽ tuyển thêm 200 công nhân.

CEO YODY cho biết, năm 2019 là năm mà Công ty tập trung vào hoạt động nâng cấp chất liệu sản phẩm và phát triển đội ngũ, văn hoá doanh nghiệp. Đây cũng là năm YODY chuẩn bị bàn đạp để thực hiện giấc mơ đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới. 

YODY xác định, điểm cạnh tranh của mình chính là sản phẩm và chất lượng phục vụ. Ông chủ 8X của YODY mong muốn đưa sản phẩm thời trang Việt Nam có chất liệu và dịch vụ tốt đến tận tay khách hàng. YODY hướng tới đối tượng khách hàng là giới công sở trẻ, với các sản phẩm có mức giá mềm, mang phong cách trẻ trung, năng động và dịch vụ tuyệt hảo qua từng sản phẩm.

Hiện YODY có riêng bộ phận R&D về chất liệu, với mục tiêu tránh sự bất ổn của chất liệu mua ngoài. Dệt kim được xác định sẽ là chất liệu chủ đạo cho các dòng sản phẩm có tính thị trường cao. Công ty sử dụng công nghệ sản xuất của Nhật Bản có mức đầu tư gấp 4-5 lần các dòng máy cùng chức năng của Trung Quốc.

Thử thách của khởi nghiệp

Thật ra, để có thể đứng vững và phóng tầm nhìn chiến lược đưa thương hiệu YODY ra khỏi biên giới như hiện nay, anh Hòa đã trải qua nhiều lần trả giá vì sự non nớt trong kinh doanh. Anh vẫn còn nhớ cảnh đối tác ngồi kín cửa để đợi lấy tiền hàng vào 30 Tết 2 năm trước và đến 11 giờ đêm, Công ty mới hoàn tất việc thanh toán nợ cho họ.

Đó là cái giá cho việc quản lý dòng tiền chưa chuyên nghiệp, khi thời gian đầu, có bao nhiêu tiền, anh đều dùng để mở cửa hàng, mà chưa tính đến chuyện quản lý 5 cửa hàng rất khác với 10 cửa hàng. Đầu tư dàn trải, nhưng không thể mang đến doanh thu tức thì, trong khi các khoản phải chi tăng thêm, nguồn vốn lại có hạn, anh Hòa phải đóng hàng loạt cửa hàng sau đó. “Năm 2017 là một năm căng thẳng như thế đấy”, anh Hòa nói.

Bên cạnh khủng hoảng vốn, anh Hòa còn vấp phải khủng hoảng về nhân lực. Trong bán lẻ, việc phát triển số lượng cửa hàng đòi hỏi lực lượng nhân sự hùng hậu và thiện chiến. Lúc mới thành lập, anh ưu tiên chọn các bạn trẻ hăng say làm việc và ép họ “chín” sớm hơn năng lực. Thế nên, có những người được thăng chức tổ trưởng chỉ sau vài tuần làm việc. Đến bây giờ nhìn lại, anh Hòa cho rằng, đó là cách phá công ty từ trong ra ngoài và anh đã phải trả giá vì điều đó.

Giờ đây, chiến lược nhân sự của YODY đã thay đổi rất nhiều. Cấp trưởng bộ phận phải trải qua một thời gian thử thách và huấn luyện nhất định. Cấp càng cao thì dứt khoát phải là người có thâm niên làm việc để hiểu văn hóa và phương châm hoạt động của Công ty. YODY sẵn sàng đào tạo những sinh viên mới ra trường, nhưng phải trung thực và thực sự yêu thích vị trí họ ứng tuyển và kiên quyết từ chối các ứng viên có năng lực nhưng không phù hợp với văn hóa của Công ty.

“Lực lượng lao động trẻ tuy làm việc hừng hực nhưng kết quả thấp vì thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, đội ngũ những người lớn tuổi vốn có sự bình tĩnh và kinh nghiệm, có thể nhìn thấy các rủi ro và đưa ra các phương án đối phó ngay khi chúng bắt đầu được hình thành”, anh Hòa rút ra bài học sau cú vấp ngã.

Anh Hòa cho rằng, phẩm chất cần có của người khởi nghiệp là nhiệt huyết và liều lĩnh. Nhiệt huyết giúp anh không ngại khổ, ngại khó, không sợ sai. Sự liều lĩnh là chấp nhận trong trường hợp xấu nhất sẽ phá sản. “YODY từng mắc nhiều sai lầm, cũng phải trả giá khá nhiều, nhưng may là công ty chưa chết”, anh Hòa cười.

Việc đưa nhà máy mới đi vào hoạt động là tiền đề cho giấc mơ mở rộng quy mô công ty của CEO YODY. Việc phụ thuộc vào đối tác sản xuất khiến Công ty không chủ động được nhiều thứ từ ý tưởng đến thành phẩm. Công ty từng nhận rất nhiều phản hồi phàn nàn của khách hàng, nhưng 2-3 tháng gần đây, tình trạng này đã giảm hẳn.

Nửa cuối năm 2018, YODY tập trung vào hai việc quan trọng là đầu tư xây dựng nền tảng con người và tập trung quản trị tài chính. Mục tiêu mở rộng quy mô của Công ty gắn liền với việc mang lại cơ hội cho nhân viên bằng các chế độ lương thưởng xứng đáng cho các thành viên có đóng góp và gắn bó lâu năm.

Ngày 3/1/2019, YODY đã khai trương trụ sở làm việc mới và ký kết chuyển giao công nghệ từ công ty Nhật Bản. Với văn phòng làm việc mới, anh Hòa mong muốn, nhân viên có cảm giác đi làm như về nhà. Trụ sở mới có phòng ăn, phòng ngủ và phòng làm việc chung để tăng sự tương tác giữa các phòng ban, được thiết kế có nhiều cây xanh.

Mỗi năm, YODY sẽ tiếp nhận 30-50 sinh viên từ các trường đến thực tập và không ra điều kiện phải làm việc tại YODY sau thời gian thực tập. Các chi phí sinh hoạt, ăn uống của cả sinh viên lẫn công nhân đều được miễn phí. Ông chủ 8X của YODY đang kỳ vọng tạo ra một môi trường làm việc thân thiết và gắn kết toàn bộ nhân viên để chuẩn bị cho mục tiêu lên sàn vào năm 2022.

“Chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng tình hình hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây không lâu khi tôi từng nghĩ đến việc phá sản. Vậy thì cớ gì chúng tôi không được quyền đặt mục tiêu xa hơn?”, anh Hòa bày tỏ sự quyết tâm.

Chọn cách làm một đứa trẻ khi bị stress

Cuộc sống gia đình của anh hiện nay thế nào?

Tôi vẫn ở nhà thuê. Hằng ngày, vợ tôi đi xe máy đi làm, còn tôi đi chiếc ô tô có giá dưới 1 tỷ đồng. Thay vì bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua nhà, mua xe, tôi dành số tiền đó đầu tư cho công việc làm ăn, mang lại thu nhập cho nhân viên thì sẽ tốt hơn.

Nhìn anh, không ai nghĩ anh là ông bố của 4 đứa con…

Với tôi, hạnh phúc và giàu có không phải ở mặt tiền bạc, mà là con cái. Thường tôi sẽ là người đi làm về sớm để chơi với con, còn vợ tôi phụ trách ở nhà xưởng của Công ty nên sẽ về muộn hơn. Tôi thường dạy đứa lớn chơi với đứa nhỏ và chú trọng dạy con kỹ năng sống nhiều hơn.

Kinh doanh không tránh được những lúc stress. Khi đó, anh thường làm gì?

Tôi chọn cách về nhà bố mẹ mình, làm một đứa trẻ. Nằm ngủ một giấc, ăn một bữa cơm với bố mẹ, khi đó, tôi thấy mình thanh thản hơn, đủ mạnh mẽ và sáng suốt hơn trong công việc.

Ông chủ thương hiệu thời trang YODY: Thành công không có chỗ cho sự tự tin thái quá
Sau những vấp ngã, Nguyễn Việt Hòa nhận ra rằng, thành công không có chỗ cho những người tự tin thái quá. Vì vậy, ở lần khởi nghiệp này, chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư