Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chậm cổ phần hóa sẽ thay người đứng đầu
Quang Hưng - 25/09/2014 13:44
 
Ông Đặng Văn Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) cho biết, ngay từ đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo quyết liệt, tất cả những trường hợp làm chậm tiến trình cổ phần hóa đều xem xét thay đổi vị trí công tác của người đứng đầu.
TIN LIÊN QUAN

Là đơn vị đầu mối được giao trách nhiệm đốc thúc tiến độ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành xây dựng, xin ông cho biết, đến thời điểm này, tiến độ thực hiện công việc đến đâu?

  Ông Đặng Văn Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng)  
  Ông Đặng Văn Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng)  

Trực tiếp quản lý 16 tổng công ty, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong số 16 tổng công ty đang trực tiếp quản lý, tính đến nay, Bộ đã hoàn thành cổ phần hóa 6 tổng công ty; 2 tổng công ty đã hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp đang trình phương án cổ phần hóa; 03 tổng công ty đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

Dự kiến, đến hết năm 2014, sẽ thực hiện IPO các tổng công ty Licogi và Fico. Đến hết năm 2015, sẽ IPO các tổng công ty còn lại. Như vậy, theo tiến độ, đến hết năm 2015, về cơ bản, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành công tác cổ phần hóa đối với tất cả các tổng công ty.

Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua được dư luận đánh giá là khá chậm trễ. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Vấn đề cơ bản nhất là các doanh nghiệp ngành xây dựng đều là các doanh nghiệp lớn. Nhiều doanh nghiệp có tổng giá trị từ 20.000 đến 30.000 tỷ đồng như Sông Đà, HUD, Tổng công ty Xi măng Việt Nam… Vốn nhà nước ở trong các tổng công ty này cũng rất lớn, trong đó, đất đai, tài sản, nhà máy, mỏ nguyên liệu… rất nhiều, nên phải mất nhiều thời gian trong việc xác định giá trị doanh nghiệp là định giá các khoản đầu tư tài chính, sử dụng đất, đối chiếu công nợ…

Đó là các nguyên nhân cơ bản khiến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp bị kéo dài.

Liệu có sức ỳ từ phía doanh nghiệp làm chậm lại quá trình cổ phần hóa?

Vấn đề này tôi nghĩ là không có, vì hiện nay, các doanh nghiệp đã nhận thức được rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước làmột chủ trương đúng đắn, phù hợp với định hướng XHCN của Đảng và Nhà nước. Các doanh nghiệp luôn xác định cổ phần hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, các doanh nghiệp luôn tích cực, chủ động cùng với Bộ triển khai tốt công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt. 

Quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ngay từ đầu, quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng rất quyết liệt. Tất cả những trường hợp làm chậm tiến trình cổ phần hóa đều xem xét thay đổi vị trí công tác của người đứng đầu. Ngay từ đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, quán triệt vấn đề này và phải tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các tổng công ty nhà nước.

Với tư cách người đứng đầu Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng), ông có tham mưu như thế nào để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa mà không làm thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa?

Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tham mưu cho Bộ triển khai quyết liệt trong việc đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện cổ phần theo kế hoạch đã được phê duyệt, đồng thời xây dựng lộ trình triển khai công việc để các doanh nghiệp thực hiện. Đơn vị nào làm chậm phải có biện pháp đốc thúc ngay. Lãnh đạo doanh nghiệp nào không làm xong dứt khoát phải kỷ luật, nên tất cả các tổng công ty phải thực hiện nghiêm túc.

Để không thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp đều do tư vấn độc lập thực hiện định giá. Bản thân tư vấn cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu làm thất thoát, chịu trách nhiệm đầu tiên là tư vấn. Sau đó, cơ quan chủ sở hữu phải có những chuyên gia có kinh nghiêm để thẩm định lại, thẩm tra lại các tính toán của tư vấn để làm sao tránh thất thoát tài sản và tiền vốn nhà nước.

Theo ông, cái lợi lớn nhất của doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa là gì?

Tôi cho rằng, khi chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi về  thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi có sự tham gia của các cổ đông chiến lược, chúng ta có thể thay đổi hệ thống quản trị của các doanh nghiệp, thay đổi được công nghệ, máy móc, thiết bị và các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính để cùng nhau phát triển, đưa doanh nghiệp tới tầm cao mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư