Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
"Chấm dứt tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc từng năm"
Hữu Tuấn - 20/10/2016 19:04
 
Chiều ngày 20/10, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2011-2015, trong điều kiện rất khó khăn, thách thức trên thế giới và trong nước, chúng ta vẫn huy động được trên 5,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 31,7% GDP; trong đó vốn đầu tư từ các nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế phục hồi và phát triển trong thời gian qua.

Theo đó, vốn đầu tư được bố trí tập trung, nhằm thực hiện đột phá về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ vậy, số dự án hoàn thành giai đoạn này tăng nhanh (hoàn thành khoảng 10.200 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và 2.000 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ); số lượng dự án khởi công mới vốn ngân sách trung ương chỉ khoảng 4.250 dự án, giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án trong kế hoạch hằng năm tăng lên, năm 2012 là 9,54 tỷ đồng/dự án, tăng lên 14,2 tỷ đồng/dự án năm 2015, tăng 86% so với năm 2012. Nợ đọng xây dựng cơ bản giảm mạnh so với giai đoạn trước.

Đến hết kế hoạch năm 2016 nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ chưa bố trí nguồn thanh toán đã giảm 50% so với trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư trong giai đoạn này đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt khoảng 31,7% GDP, không đạt mục tiêu đề ra (33,5-35%); Tình trạng mất cân đối vốn đầu tư của NSNN, nhất là đối với vốn ngân sách trung ương chưa được khắc phục, dẫn tới bị động trong việc phân bổ nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;  Việc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công ở một số nơi chưa chấp hành nghiêm, như: quyết định đầu tư dự án nhưng không tính toán đầy đủ khả năng cân đối vốn; chất lượng công tác chuẩn bị dự án còn thấp. Chưa khắc phục được tình trạng nội dung dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt một cách hình thức để được ghi vốn kế hoạch, dẫn đến phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới triển khai thực hiện và hiệu quả đầu tư; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư;...

Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở mục tiêu phát triển và các cân đối lớn của nền kinh tế, cân đối thu chi NSNN,… dự kiến tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng.

Căn cứ tổng số vốn NSNN và các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nêu trên, dự kiến phương án phân bổ chi tiết như sau:

Vốn ngân sách trung ương: 1,12 triệu tỷ đồng. Trong đó: dự phòng (chưa phân bổ) 112.000 tỷ đồng, bằng 10% tổng số vốn ngân sách trung ương để xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định của Luật Đầu tư công. Phương án phân bổ cụ thể như sau:

+ Vốn nước ngoài: 300.000 tỷ đồng, trong đó: dự phòng 30.000 tỷ đồng, phân bổ chi tiết cho các dự án đã ký kết Hiệp định là 270.000 tỷ đồng.

+ Vốn trong nước: 820.000 tỷ đồng, trong đó: dự phòng là 82.000 tỷ đồng, còn lại 738.000 tỷ đồng, dự kiến phân bổ:

-Vốn trong nước (không bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ): 478.000 tỷ đồng, dự kiến phân bổ như sau:

- Đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững: 72.817 tỷ đồng.

- Cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách xã hội: 38.916,47 tỷ đồng.

- Bổ sung vốn điều lệ cho 2 Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 7.000 tỷ đồng.

- Hỗ trợ nhà ở cho người có công: 7.300 tỷ đồng.

- Dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh: 10.000 tỷ đồng.

- Đầu tư 5 bệnh viện tuyến cuối: 20.000 tỷ đồng.

- Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản: 11.235,046 tỷ đồng.

- Thu hồi vốn ứng trước: 55.816,7 tỷ đồng.

Số vốn trong nước còn lại (sau khi trừ các khoản nêu trên) là 254.915 tỷ đồng đầu tư cho các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Đối với vốn trái phiếu Chính phủ: 200.000 tỷ đồng (không bao gồm 60 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), dự kiến phân bổ như sau:

- Ngành giao thông: 121.150 tỷ đồng, trong đó:

+ Bộ Giao thông vận tải: 75.000 tỷ đồng, gồm: Một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam: 70.000 tỷ đồng; Giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Sân bay Long Thành: 5.000 tỷ đồng.

+  Bộ Quốc phòng: 5.530 tỷ đồng, gồm: Dự án Đường Trường sơn Đông là 1.530 tỷ đồng; Dự án đường tuần tra biên giới (giai đoạn 2) phần giáp biên giới Căm-pu-chia là 4.000 tỷ đồng.

+ Địa phương: 40.620 tỷ đồng, gồm:  Dự án quan trọng thuộc danh mục Phụ lục số 3 của Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13: 5.650 tỷ đồng; Dự án mới: 34.970 tỷ đồng.

- Ngành thủy lợi: 41.800 tỷ đồng, trong đó: (i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 36.800 tỷ đồng; (ii) địa phương: 5.000 tỷ đồng cho các dự án mới.

- Ngành y tế: 14.540 tỷ đồng, trong đó: Bộ Y tế: 6.250 tỷ đồng; Địa phương: 8.290 tỷ đồng.

- Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La: 1.100 tỷ đồng.

- Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo, tiểu học: 6.000 tỷ đồng.

- Dự phòng để bố trí một số tuyến ven biển cấp bách và các dự án chống hạn, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ: 15.410 tỷ đồng.

 Vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương: 880.000 tỷ đồng.

"Đây là lần đầu tiên trong việc lập kế hoạch, chúng ta khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm, chuyển sang xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm và chuyển từ cân đối vốn hằng năm sang cân đối trung hạn 5 năm cả ở tầm quốc gia và các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng thêm quyền tự chủ, chủ động hơn cho các bộ, ngành, địa phương và cơ sở", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, để thực hiện kế hoạch cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương chỉ được bố trí vốn cho dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, đối ứng các chương trình, dự án ODA, dự án chuyển tiếp, hoàn thành… Cách làm này bảo đảm bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán trước đây.

Cơ cấu lại nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020
Thực hiện điều chuyển, cơ cấu lại các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 như: vốn nước ngoài, tiền thu từ xổ số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư