Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
“Chân trời mới” của VNPT hậu tái cơ cấu
Hữu Tuấn - 22/06/2016 08:27
 
Công nghệ thông tin được xem là một trong 4 trụ cột của VNPT và là “chân trời mới” tươi sáng của hàng chục ngàn lao động VNPT thời kỳ “hậu tái cơ cấu”.
TIN LIÊN QUAN

Tiến công vào mảng công nghệ thông tin

Sau 2 năm thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015, Tập đoàn VNPT đã phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, hiện đại, năng động và chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Mặc dù viễn thông, hạ tầng vẫn là mảng chủ lực, nhưng VNPT đã chuyển đổi phát triển mạnh mẽ sang các trụ cột như công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, mảng dịch vụ công nghệ thông tin đã có những bước phát triển đột phá mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ là “đất vàng” cho VNPT trong tương lai.

.
.

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, công nghệ thông tin đang trở thành một trong 4 trụ cột chính của VNPT.

“Quan điểm làm công nghệ thông tin đã được truyền đạt đến từng người lao động của VNPT. Anh em các tỉnh, thành phố trên cả nước đã sôi sục làm công nghệ thông tin. Họ khám phá ra đây là “chân trời mới”. Thị trường rất lớn, nhưng nguồn lực con người để triển khai còn hạn chế. Tập đoàn đã cho các đơn vị chủ động tuyển nhân lực công nghệ thông tin. Đồng thời tiến hành một số giải pháp như tập trung đào tạo lại kỹ sư điện tử viễn thông thành nhân lực triển khai, hỗ trợ vận hành các hệ thống viễn thông - công nghệ thông tin”, ông Long cho biết.

VNPT hiện có 1.500 lao động làm về công nghệ thông tin, trong đó 800 người làm phần mềm công nghệ thông tin. Các sản phẩm phần mềm công nghệ thông tin của VNPT, từ khi tái cơ cấu, đã được nhiều khách hàng đón nhận và đánh giá cao.

Công nghệ thông tin thâm nhập mọi ngõ ngách

Điển hình là sản phẩm chính phủ điện tử - chính quyền điện tử, gồm hệ thống quản lý điều hành, trao đổi văn bản, hội nghị truyền hình, email. Đến nay, VNPT đã ký hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin với 45 UBND tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, trong đó 17 tỉnh, thành phố triển khai toàn bộ, liên thông dọc từ cấp tỉnh đến xã, liên thông ngang tất cả các sở, ngành. Mới đấy nhất, hệ thống này đã liên thông với Văn phòng Chính phủ, đạt mức liên thông 4 cấp về chính phủ điện tử.

Trong lĩnh vực y tế, Hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh (VNPT His) hiện đã triển khai trên khoảng 3.700 trong tổng số 14.000 cơ sở y tế của cả nước. VNPT đang tiếp tục triển khai hợp tác sản phẩm y tế quản lý khám chữa bệnh để phục vụ 93 triệu người dân Việt Nam.

Một sản phẩm khác của VNPT trong lĩnh vực giáo dục là Mạng giáo dục VnEdu. Hiện có 9.100 trường, 3,8 triệu học sinh đang sử dụng giải pháp này. Bên cạnh đó, VNPT cũng triển khai hàng loạt sản phẩm, ứng dụng thông minh vào quản lý, khai thác môi trường, đất đai, thành phố thông minh (Smart City).

Sáng tạo con đường riêng

“Khi xây dựng chính phủ điện tử - chính quyền điện tử, chúng tôi quan niệm rằng, sản phẩm dành cho hệ thống chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân tương tác, sử dụng, nên độ lan tỏa không chỉ nằm ở cấp tỉnh, mà phải đến tận huyện, xã. Đây chính là thế mạnh của VNPT. Chúng tôi mong muốn khi triển khai chính phủ điện tử là để phục vụ tận nhà người dân, tới tận chính quyền cấp xã chứ không phải chỉ đi tới thành lập các dự án. Với thế mạnh hạ tầng băng rộng, siêu rộng tới tận cấp xã, với một đội ngũ kỹ thuật phủ tuyến huyện, xã, với đội ngũ kỹ sư phần mềm đã sở hữu, quản lý và phát triển công nghệ thông tin của VNPT bao nhiêu năm qua, VNPT tự tin có được tiềm lực, đủ sức chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ thông tin”, ông Long khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Long, việc VNPT tập trung phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng mang tính hàm lượng xã hội cao trong lĩnh vực giáo dục, y tế… là hướng tới phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, trải nghiệm của khách hàng ngày một hoàn thiện hơn.

“VNPT chuyển đổi các dịch vụ viễn thông từ truyền thống sang công nghệ thông tin hướng đến mục tiêu đột phá, đạt được tốc độ cao đối với viễn thông và công nghệ thông tin. Trong đó, viễn thông là lĩnh vực truyền thống, còn công nghệ thông tin nhằm phục vụ mục tiêu top 3 ASEAN của Việt Nam trong lĩnh vực này. Việc chuyển dịch cơ cấu này phù hợp khi chúng ta có nguồn lực, năng lực chuyển dịch, chứ không phải khẩu hiệu”, ông Long khẳng định.

Ông Phạm Đức Long cho biết, trong chiến lược phát triển của VNPT giai đoạn 2016 -  2020, riêng đối với công nghệ thông tin, VNPT đảm bảo mục tiêu số một trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin với thị phần trên 50%.

Có thể thấy rằng, công nghệ thông tin đang trở thành một lĩnh vực mới, chân trời mới đối với VNPT. Trong lĩnh vực này, VNPT xác định sẽ làm khác, không theo lối mòn cũ, mà sẽ sáng tạo con đường riêng của mình. Tin rằng, với sự thay đổi tích cực, chuyển đổi đúng hướng, VNPT sẽ phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ và vươn ra thị trường quốc tế, mở ra thời kỳ “hậu tái cơ cấu” VNPT thành công.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư