Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chàng rể Úc 20 năm ăn Tết Việt
Thùy Liên - 18/02/2015 10:04
 
Những tháng gần Tết, hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng cao cấp tại Việt Nam xuất hiện thương hiệu xúc xích, dăm bông, thịt xông khói… mới với tên gọi Mavin. Ít ai biết, chủ của thương hiệu thực phẩm mới này là một “chàng rể” Úc chính hiệu đã có 20 năm ăn Tết Việt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tục cúng gia tiên ba ngày Tết của người Việt
Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả: “Nốt nhạc xuân” trên công trường
Doanh nhân, diễn viên Trương Ngọc Ánh đón Tết thế nào?
Những lời chúc Tết hay và ý nghĩa năm Ất Mùi

Ông là David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh Austfeed, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Dược thú y Cai Lậy và Công ty liên doanh Thực phẩm Mavin. Ông cũng là Phó chủ tịch Phòng Thương mại Australia (Auscham) tại Việt Nam.

 Công ty Liên doanh Austfeed, Tết Việt
Ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh Austfeed

Bén duyên với Việt Nam và tham vọng chuỗi thực phẩm sạch Ấn tượng dễ thấy nhất khi tiếp xúc với David là nụ cười dễ mến. Có lẽ cái tính cởi mở, hay cười giống người Việt Nam ấy là nguyên nhân khiến ông thấy  yêu Việt  Nam ngay từ lần đầu tiên đặt chân xuống mảnh đất này.

Năm 1990, khi đang là một giảng viên tại Trường đại học Công nghệ Hoàng Gia Melbourne - RMIT, David sang Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Cảm nhận đầu tiên của ông về Việt Nam là an toàn, thân thiện. Nhiều lần quay lại, mảnh đất hình chữ S xinh tươi, con người cởi mở, mến khách đã thực sự mê hoặc ông. 

Trong một lần đến Việt Nam để gặp đối tác, David gặp người “trong mộng” của mình - một cô gái Việt. Đây cũng là một trong những lý do khiến ông quyết định sang hẳn Việt Nam  sinh sống và làm việc từ năm 2004.

“Đây là quyết định lớn nhưng rất đúng đắn, vì Việt  Nam rất phù hợp với tính cách của tôi: con người cởi mở, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển và có nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm chế biến. Năm 2004, chúng tôi đã lựa chọn được đối tác phù hợp tại Việt Nam và chính thức cùng nhau thành lập công ty liên doanh, đó là khởi nguồn của Công ty Austfeed tại Việt Nam”.

Ban đầu, Austfeed chỉ là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có quy mô nhỏ tại Hưng Yên, vốn đầu tư chỉ 5 triệu USD. Tuy nhiên, sau 10 năm, Austfeed đã lột xác trở thành một hệ thống công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi với mạng lưới 4 nhà máy, hàng ngàn đại lý tại khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, doanh thu hàng năm 75 triệu USD và sử dụng thường xuyên 700 lao động.

Ngay từ ngày đầu thành lập Austfeed, ông David John Whitehead đã ấp ủ xây dựng tại Việt Nam một mô hình khép kín từ trang trại tới bàn ăn như nhiều tập đoàn tên tuổi của thế giới đã làm như Cargill (Hoa Kỳ), CP (Thái Lan) hay Louis Dreyfus Group (Úc).

Để thực hiện chiến lược đó, sau khi mở rộng mạng lưới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, năm 2013, Austfeed tiến thêm một bước khi mua phần lớn cổ phần và nắm quyền điều hành Công ty Dược thú y Cai Lậy (Mekovet) - công ty sản xuất các sản phẩm dược thú y đạt chuẩn WHO-GMP có lịch sử hơn 20 năm, có tổng vốn đầu tư trên 5 triệu USD. Kế đó, Austfeed thành lập và đưa vào hoạt động Công ty liên doanh Thực phẩm Mavin với tổng vốn đầu tư lên đến 15 triệu USD. Liên doanh Mavin là sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 đơn vị: Austfeed (cung cấp con giống, thức ăn), Mekovet (cung cấp dược thú y) và Mavin, chuyên sản xuất các sản phẩm được chế biến từ thịt như giăm bông, xúc xích, thịt xông khói… Mavin ra đời đánh dấu sự hoàn thành giấc mơ của David về mô hình “từ trang trại tới bàn ăn” tại Việt , từ con giống, thức ăn, dược thú y tới giết mổ, chế biến. 

“Có thể, Mavin chưa lớn mạnh như Cargill, CP, Louis Dreyfus Group, song tôi tin rằng, doanh thu của Công ty sẽ tăng nhanh chóng. Ngay trong năm 2015, Mavin sẽ đứng ở top 3 nhà sản xuất thực phẩm chế biến từ thịt lớn nhất tại Việt Nam. Kế hoạch từ nay đến năm 2017, Công ty sẽ thiết lập chuỗi 90 gian hàng, cửa hàng trên toàn quốc, sẽ xuất khẩu sang các nước khác trong ASEAN từ năm 2016. Từ năm 2020, chúng tôi sẽ xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chất lượng khắt khe hơn như Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ”, ông David hào hứng nói về tương lai của Mavin.

Nuôi lợn kiểu Úc, chế biến kiểu Âu

Có lẽ, hiếm có doanh nghiệp nào ở Việt  lại nuôi lợn kỳ công và “chơi sang” như Austfeed. Đây là công ty duy nhất trên thị trường nhập khẩu lợn giống trực tiếp từ London (Anh) bằng máy bay, trại nuôi lợn có máy điều hòa, có cán bộ kỹ thuật giám sát 24/24h. 

Hiện Austfeed có 50 trại gia công lợn ở miền Bắc, sử dụng hoàn toàn con giống, thức ăn và dược thú y tự sản xuất. Năm 2014, Công ty cung cấp ra thị trường 20.000 con lợn sạch và đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong những công ty chăn nuôi lớn nhất Việt Nam 3 năm tới, với 20.000 con lợn nái và 40.000 lợn thịt. Tại mỗi trang trại lợn, Austfeed luôn cắt cử một cán bộ kỹ thuật giám sát liên tục, đảm bảo các quy định về sử dụng con giống, thức ăn, thuốc thú y của Công ty. Mùa hè được giữ mát, mùa đông được ủ ấm, các trại lợn của Austfeed chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh, trọng lượng xuất chuồng lên tới 95-105 kg/con.

Chính vì nuôi lợn theo quy trình tiêu chuẩn chặt chẽ của Úc và châu Âu, giám sát chặt từ nguồn, nên ông David luôn tự tin vào đầu ra của sản phẩm thịt chế biến của Mavin, dù trên thị trường có nhiều sản phẩm cùng loại.

Được biết, hiện Mavin có khoảng 60 loại sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm cao cấp, đã có chỗ đứng tại các khách sạn đẳng cấp 5 sao như: Inter Continental, Crowne Plaza West Hanoi, Sheraton Hanoi, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, chuỗi nhà hàng Jaspas, chuỗi nhà hàng Papa Joe Hanoi…

Bên cạnh đó, dòng sản phẩm bình dân của Mavin cũng bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị với giá cả cạnh tranh với các thương hiệu khác trên thị trường. Công ty cũng đang dự định mở rộng nhiều dòng sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm lên 100 loại. 

Nói về những dự định tại Việt Nam thời gian tới, David cho biết, ông mong muốn mở rộng thêm những mô hình sản xuất khép kín ở miền Bắc và miền Nam, đẩy mạnh sản xuất mảng chế biến. “Sau 10 năm nữa, chúng tôi hy vọng sẽ trở thành công ty thành công nhất tại Việt  trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông David kỳ vọng.

Ước mơ của David John Whitehead có lẽ không khó để trở thành hiện thực, bởi doanh thu và lợi nhuận của Austfeed và các công ty thành viên đang tăng lên từng ngày. Ngoài Mekovet đã lên sàn chứng khoán, ông chủ Austfeed cũng ấp ủ đưa các công ty còn lại lên sàn trong tương lai không xa.

Tôi muốn là người Việt Nam

Hơn 20 năm sống ở Việt Nam, đến nay ông đã có bao nhiêu năm ăn Tết ở Việt Nam?

Chúng tôi thường về Australia để mừng Noel và Tết Dương lịch, sau đó về Việt Nam để ăn Tết cổ truyền. Như vậy, chúng tôi được hưởng không khí lễ hội đặc sắc của nhiều vùng trên thế giới. Tôi đã có 20 năm ăn Tết liên tục tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI thường “sợ” kỳ nghỉ Tết kéo dài. Cá nhân ông thấy Tết Việt Nam như thế nào?

Tết dài thì người lao động có thời gian về với gia đình và các doanh nghiệp thực phẩm như chúng tôi có lợi, đó là điểm tích cực. Song cũng có điểm bất lợi mà các doanh nghiệp rất sợ, đó là mất năng suất lao động. Ở Việt Nam, kỳ nghỉ Tết thường kéo dài 2 tuần, còn tuần đi làm trước và sau nghỉ Tết thì người lao động thường chỉ nghĩ về Tết, nên cũng ảnh hưởng đến công việc.

Nhiều người bạn nước ngoài của tôi không hiểu lắm về ngày Tết Việt Nam, thường đi xa dịp Tết. Còn tôi muốn ở lại ăn Tết cùng gia đình, thăm người thân, bạn bè, đi du lịch. Tôi thấy văn hóa thờ cúng tổ tiên, con cháu sum vầy ăn bữa cơm ấm cúng cuối năm của người Việt Nam rất đáng quý. Thực phẩm của Việt Nam cũng rất đa dạng và tôi thích điều này.

Trong dịp Tết, tôi cũng thích đi chùa vào đêm giao thừa. Tôi cầu mong sự bình an, may mắn cho người thân, bạn bè, cộng sự, nhân viên, khách hàng của tôi và những người xung quanh tôi gặp hàng ngày. Chỉ có một điểm mà ở Việt Nam chừng ấy năm rồi tôi vẫn không quen, đó là việc đưa tiền rải khắp nơi trong các chùa ở Việt Nam. Tôi có cảm giác là đưa tiền vào chùa như là đi mua sự bình an vậy. Đáng ra, sự cầu mong sẽ thiêng liêng hơn nếu không dễ dàng đánh đổi bằng vật chất.

Tôi cũng rất thích tục lệ mừng tuổi của người Việt. Đây là nét văn hóa đẹp và tôi cũng làm theo văn hóa này. Tôi bổ sung thêm nét văn hóa truyền thống của người Úc trong mỗi dịp Tết bằng việc luôn chuẩn bị sẵn một chai rượu vang để đem tặng gia đình người thân, bạn bè trong dịp chúc tết năm mới.

Trong những đầu năm mới, ông thường làm gì?

Tôi thường đi lễ chùa, chúc Tết gia đình vợ, bạn bè, sau đó sẽ đi du lịch tới các vùng miền xa của Việt Nam bằng xe máy. Tôi đã đi Thanh Hóa, Hà Giang, Hòa Bình, Điện Biên, Lào Cai. Tôi rất thích địa hình, phong cảnh và văn hóa Việt Nam. Tuy đi vào dịp Tết thường chẳng có hàng quán gì, nhưng tôi vẫn được nhiều người địa phương đón tiếp, thậm chí được ăn Tết cùng gia đình họ, rất thú vị. Con người Việt Nam luôn như vậy, rất cởi mở và nhiệt tình.  Dịp Tết năm nay, tôi sẽ đi du lịch đến Huế, kinh đô cũ của Việt Nam.

Lấy vợ Việt, mê Tết Việt, dường như ông đã trở thành người Việt Nam?

Tôi luôn muốn trở thành người Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI khi kinh doanh có lãi thường chuyển lợi nhuận về nước mình, song với Austfeed, lợi nhuận làm ra luôn được tôi tái đầu tư  cho Công ty ngày càng phát triển. Tôi tự hào vì đóng góp phần nhỏ cho Việt Nam, bởi tôi rất yêu đất nước này. Tôi cũng rất tin tưởng vào chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ. Hiện tại, tôi rất hài lòng và hạnh phúc với công việc cũng như cuộc sống của mình tại Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư