Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Châu đốc - Thành phố trẻ giàu tiềm năng
Phú Khởi - 26/04/2015 09:07
 
Trong không khí cả nước náo nức kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), ngày 25/4/2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang sẽ long trọng tổ chức lễ công bố TP. Châu Đốc - thành phố thứ hai của tỉnh là đô thị loại II, đánh dấu chặng đường phấn đấu xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Sau ngày giải phóng, kinh tế của Châu Đốc, một thị xã tỉnh lỵ heo hút miền sơn cước gần như kiệt quệ vì sự tàn phá của chiến tranh. Năm 1978, địa phương tiếp tục đối mặt với chiến tranh biên giới và lũ lụt, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Song bằng sự nỗ lực chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân qua 40 năm xây dựng phát triển, đô thị Châu Đốc không ngừng đổi mới. Giờ đây, Châu Đốc được cả nước biết đến là một trung tâm thương mại biên mậu và du lịch lớn của Vùng ĐBSCL.

Có tổng chiều dài biên giới trên 16 km, giáp với Campuchia, TP. Châu Đốc là trung tâm đầu mối của 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia là Tịnh Biên, Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu); Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), đồng thời cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và Vùng ĐBSCL với Campuchia và các nước Đông Nam Á cả bằng đường bộ lẫn đường thuỷ.

Công viên Trung tâm Thành phố Châu Đốc
Công viên Trung tâm Thành phố Châu Đốc

 

Châu Đốc có 7 đơn vị hành chính gồm 5 phường và 2 xã, với tổng diện tích tự nhiên 10.529 ha, dân số khoảng 150.000 người, lực lượng lao động dồi dào chiếm khoảng 61,25% dân số, có nhiều dân tộc khác nhau gồm dân tộc Kinh 96,64%, Hoa 3,19%, còn lại là dân tộc Khmer và Chăm. Về tôn giáo, người theo Phật giáo chiếm 75,3%; Hòa Hảo 13,37%; Công giáo 3,57%; Cao đài 3,46% và các tôn giáo khác.

Với vị trí “tiền tam giang, hậu thất sơn hùng vĩ”, Châu Đốc có những danh lam, thắng cảnh hữu tình với nhiều địa danh như Kênh Vĩnh Tế, Pháo đài núi Sam, Căn cứ B2.. đã gắn liền với lịch sử thời kỳ mở đất, trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam... cùng 6 di tích cấp Quốc gia: Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Chùa Phước Điền, Chùa Tây An, Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu, Đình Thần Châu Phú và Đình Thần Vĩnh Ngươn.

Trong 40 năm qua, nhất là 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, TP. Châu Đốc luôn luôn thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, thể hiện xuất sắc vai trò trung tâm du lịch, tạo động lực và sức lan tỏa cho sự phát triển chung của toàn tỉnh, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, gắn liền với bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp với nước bạn Campuchia. Các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực: dịch vụ - thương mại - du lịch, nông nghiệp, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội…

Ông Cao Xuân Bá, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc cho biết, những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội đã đưa Châu Đốc trở thành địa phương dẫn đầu tỉnh An Giang trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Châu Đốc là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến  nay, Châu Đốc đã có 5/7 phường, xã không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,14% (tương đương 43 hộ) và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác này để đến cuối năm 2015, đạt mục tiêu thành phố không còn hộ nghèo đầu tiên của cả nước.

Trong giai đoạn  2016 - 2020, TP. Châu Đốc sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương trên các lĩnh vực thương mại-dịch vụ-du lịch.

Ông Cao Xuân Bá, Chủ tịch UBND TP.Châu Đốc
Ông Cao Xuân Bá, Chủ tịch UBND TP.Châu Đốc

Cụ thể, thứ nhất, phát triển đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó có hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị để vừa đáp ứng nhu cầu cơ bản thiết yếu cho đời sống hàng ngày của người dân, vừa cung ứng các dịch vụ phân phối cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn thành phố có 1 chợ loại I, 2 chợ loại II, 9 chợ loại III và 100% chợ đô thị đạt chuẩn trật tự - vệ sinh. Doanh thu dịch vụ thông qua chợ tăng 13-14%/năm.

Thứ hai, phát triển dịch vụ vận tải: Vận tải hàng hóa tăng bình quân 7%/năm và vận tải hành khách tăng 7,5%/năm. Thành lập và phát triển của khẩu phụ Vĩnh Ngươn để xây dựng các chợ cửa khẩu, tạo lợi thế cạnh tranh, tăng cường giao thương hàng hóa với nước bạn Campuchia, nhằm xây dựng Châu Đốc trở thành địa bàn kinh tế mở. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư, mở rộng biên mậu thông qua việc tổ chức các hội chợ thương mại nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh của Châu Đốc với các doanh nghiệp Campuchia và các doanh nghiệp trên địa bàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tiếp đó, phát triển du lịch gắn liền với văn hóa - thông tin, và thể dục - thể thao để phát triển du lịch và vẫn giữ được thế mạnh và những giá trị đặc trưng văn hóa của địa phương gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Cuối cùng, Châu Đốc kiến thiết và chỉnh trang đô thị, trong đó ưu tiên nâng cấp dịch vụ nhà hàng - khách sạn, các dịch vụ đại lý và du lịch lữ hành, dịch vụ hướng dẫn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sông nước, làng bè trên sông, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch thể thao. Phát triển các tour du lịch trong nước và quốc tế, tạo công trình du lịch hấp dẫn, đón du khách dừng chân và tham quan các địa điểm di tích cảnh quan của Châu Đốc, tạo môi trường du lịch, văn hoá lành mạnh…

An Giang thu hút hơn 100 triệu USD vốn đầu tư FDI
Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh An Giang cho biết : 4 tháng đầu năm 2014, tình hình thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp (KCN) và khu Khu kinh tế cửa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư