Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chi phí kinh doanh cao làm khó doanh nghiệp
Khánh An - 15/05/2017 19:12
 
Gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tới, nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp tiếp tục than phiền về chi phí kinh doanh vẫn cao.
Các doanh nghiệp than phiền quảng cáo ngoài trời gặp khó vì nhiều địa phương chưa có quy hoạch.
Các doanh nghiệp than phiền quảng cáo ngoài trời gặp khó vì nhiều địa phương chưa có quy hoạch

Trên mở, dưới tắc

Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam có lẽ là một trong những đối tượng có nhiều nỗi khổ nhất. Nguyên nhân nối khổ này, đáng tiếc lại rất quen, đó là trên mở, dưới thắt.

“Từ năm 2013, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có hàng chục văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo. Số này không kể văn bản do doanh nghiệp trực tiếp gửi đi. Nhưng, khó khăn vẫn còn đấy”, Hiệp hội Quảng cáo giải trình chi tiết với VCCI.

Lớn nhất và cũng là khó chung cho doanh nghiệp trong ngành là nhiều địa phương chưa có quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

“Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo yêu cầu hết năm 2013, các địa phương phải hoàn thành quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Vậy là đã vi phạm Luật Quảng cáo”, Hiệp hội đặt dấu hỏi với nhiều hàm ý trong văn bản kiến nghị.

Phải nói thêm, ngay cả quy hoạch đã được xây dựng cũng làm khó doanh nghiệp ngành này. Vì, theo họ, nhiều quy hoạch thiếu cơ sở khoa học, thiếu tầm nhìn chuyên môn... Thậm chí, có cả bản quy hoạch theo Hiệp hội này gọi là “mang tính ngẫu hứng của lãnh đạo địa phương”.

“Hà Nội, TP.HCM khi chưa ban hành quy hoạch mới, nhưng lại tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo cũ lẫn mới”, Hiệp hội “kế” khổ.

Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp bị đẩy vào tình trạng quảng cáo không phép, bị xử lý cả bảng quảng cáo đã được cấp phép theo quy hoạch cũ. Hoạt động của doanh nghiệp bị gián đoạn, mất cơ hội kinh doanh...

Khổ thế nhưng chưa hết. Một số địa phương còn đặt  thêm quy định riêng, đến mức Hiệp hội phải báo cáo là không thể thực hiện được.

“Với việc xây dựng bảng quảng cáo ngoài trời, Luật Quảng cáo đã quy định tới 8 loại giấy tờ. Tưởng vậy là đủ, nhưng trên thực tế, để kiếm cho được các loại giấy tờ này lại phải qua các thủ tục khác, rất vất vả”, Hiệp hội báo cáo.

Tại sao chỉ có doanh nghiệp sai?

Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An (Hải Phòng) khi gửi kiến nghị tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 đã đặt câu hỏi, tại sao khi doanh nghiệp sai thì bị các cơ quan công quyền phạt, nhưng khi các cơ quan công quyền sai thì chẳng bao giờ làm ngược lại.

Trường hợp được đặt ra là doanh nghiệp nộp thuế chậm thì bị phạt, nhưng khi có quyết định sai của cục thuế hay doanh nghiệp nộp nhầm số tiền lớn hơn so với thực tế, thì không được hoàn trả lại ngay. “Vấn đề mà doanh nghiệp muốn nêu ra là mọi tổ chức, cá nhân đều phải công bằng trước pháp luật”, Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An nêu trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông tin từ Cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sẽ được đưa ra tại Hội nghị.

Sau khi kết thúc Cuộc gặp với doanh nghiệp vào buổi sáng, trong buổi chiều, Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.

Thông tin của cuộc làm việc sẽ được Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI công bố tại cuộc họp báo chiều 17/5.

Là đại diện cho phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thậm chí còn gửi tới cảm xúc của doanh nghiệp khi làm việc với cơ quan hải quan.

“Áp đặt và thực thi là cảm giác của doanh nghiệp khi làm việc với hải quan. Họ thường có xu hướng thổi phồng sai lầm của đối tượng nộp thuế, hay cố tình giải thích quy định một cách bất lợi cho doanh nghiệp”, VBF phản ánh và kiến nghị các điểm cần khắc phục trong thủ tục hành chính. Vì, VBF cho rằng, sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan này gây thiệt hại tài chính không lường trước được cho doanh nghiệp...

Nhiều doanh nghiệp bị vạ lây khi các quy định không được ban hành kịp thời, như trường hợp Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Quảng Ninh đang gặp.

Cuối năm 2011, Công ty đăng ký thực hiện loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất, đồng thời tiến hành nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm đông lạnh dùng làm nguyên liệu để sản xuất - gia công xuất khẩu.

Cũng do chưa có các quy định cụ thể về kiểm dịch và an toàn thực phẩm, nên Cục Thú y đã có các văn bản chỉ đạo Cơ quan thú y Vùng II lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của các lô hàng nhập khẩu theo TCVN 7047:2009. Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT, quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, các yêu cầu thay đổi.

“Chúng tôi đề nghị được  sử dụng các văn bản đã làm để thông quan lô hàng đã nhập vì các chỉ tiêu đều tuân thủ đúng như yêu cầu của Thông tư 25, không cần thêm các thủ tục mới”, Công ty kiến nghị.

Tất cả khó khăn này tiếp tục đẩy chi phí kinh doanh của doanh nghiệp lên cao.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà: Doanh nghiệp tư nhân có vai trò rất lớn
Ngày 17/5 tới sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp năm 2017, với số lượng doanh nghiệp tham dự tăng gấp 4 lần so với hội nghị năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư