Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chỉ rõ điểm yếu trong thu hút đầu tư của Khu công nghiệp Hiệp Phước
Hồng Sơn - 25/09/2016 13:36
 
Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) là KCN lớn nhất Thành phố, với diện tích xấp xỉ 1.000 ha. Tuy nhiên, để xứng tầm là điểm nhấn thu hút đầu tư phía Nam theo định hướng “Tiến ra biển Đông” của TP.HCM thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
TIN LIÊN QUAN

Ông Vương Hữu Mẫn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết, sau 20 năm được hình thành, đến nay, KCN Hiệp Phước đã thu hút được 163 dự án của 153 nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,2 tỷ USD với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, ngành cơ khí chế tạo - điện tử viễn thông chiếm 21%, vật liệu xây dựng chiếm 11%, công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm 10%; ngoài ra còn các ngành khác như giấy, nhựa, hóa chất, dược phẩm, cảng biển, logistics…

Cũng theo ông Mẫn, đến nay, giai đoạn I của KCN Hiệp Phước có diện tích hơn 311 ha đã được lấp đầy khoảng 94%. Từ năm 2008, TP.HCM đã đồng ý việc mở rộng giai đoạn II của KCN Hiệp Phước với quy mô 597 ha và đến nay đã cho thuê được hơn 10% diện tích.

.
.

Nói về định hướng phát triển KCN Hiệp Phước, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu đô thị cảng Hiệp Phước có diện tích khoảng 2.000 ha, trong đó, KCN Hiệp Phước có vị trí đặc biệt, bởi là KCN duy nhất ở TP.HCM được xây dựng gắn với cảng biển và khu đô thị. “Thành phố xác định tập trung nguồn lực để đẩy nhanh đầu tư, xây dựng Khu đô thị cảng Hiệp Phước, trong đó KCN Hiệp Phước sẽ là KCN kiểu mẫu, điểm đến tin cậy của nhà đầu tư” , ông Khoa nói và cho biết, trong thời gian tới, KCN Hiệp Phước sẽ tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện với môi trường…

Những điểm yếu trong thu hút đầu tư của KCN Hiệp Phước đã được chỉ ra, đó là hạ tầng chưa hoàn chỉnh, thiếu kết nối. Với sự hỗ trợ của Thành phố, nhất là các định chế tài chính mạnh như Vietinbank, BIDV… đã tài trợ tín dụng lên đến 1.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, KCN Hiệp Phước đã ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, cùng với việc đầu tư xây dựng tuyến đường trục Bắc - Nam, liên tiếp các cây cầu trọng điểm như cầu Rạch Rộp 1 (giai đoạn I) và cầu Mường Lớn 1 (giai đoạn I) được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự kiến, trong thời gian tới, trục giao thông Bắc - Nam (giai đoạn I) qua KCN Hiệp Phước cũng sẽ hoàn thành.

Trong giai đoạn II, KCN Hiệp Phước chủ trương đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho nhà đầu tư. Đơn cử, đất thương phẩm sẽ chia ra nhiều loại, từ quy mô lớn 20 - 30 ha đến các lô đất nhỏ quy mô từ 1.000 - 3.000 m2 cho công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, giúp các nhà đầu tư có nhiều cơ hội lựa chọn diện tích thuê phù hợp; triển khai giai đoạn II của Khu kỹ nghệ Việt - Nhật để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản; đầu tư khu nhà xưởng cao tầng cho nhà đầu tư thuê; xây dựng hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ có diện tích khoảng 200 ha… là những cơ sở để kỳ vọng trong thời gian tới, KCN Hiệp Phước sẽ là “bến đỗ” cho  nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư quan ngại khi quyết định vào KCN này. Theo bà Lê Thùy Chi, đại diện Công ty Á Châu, khi đầu tư dự án vào KCN Hiệp Phước, ngoài những ưu đãi theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp được vay vốn từ chương trình cho vay kích cầu của Thành phố. Nguồn vốn này rất có ích cho việc đầu tư, phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục để nhận được khoản vay này còn phức tạp, doanh nghiệp không dễ tiếp cận. Ngoài ra, thủ tục pháp lý để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân còn nhiều vướng mắc nên chậm được triển khai.

Bên cạnh đó, một vấn đề khiến doanh nghiệp khá e dè khi đầu tư vào đây, đó là nền đất ở KCN Hiệp Phước khá yếu, nên chi phí dành cho xây dựng hạ tầng, nhà xưởng cao. Giá thuê đất ở đây cũng cao hơn so với các khu công nghiệp ở các địa phương lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Đây là những vấn đề mà Ban quản lý KCN Hiệp Phước cần sớm có giải pháp điều chỉnh để Hiệp Phước thực sự trở thành điểm nhấn trong thu hút đầu tư của TP.HCM.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư