Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững vùng ĐBSCL
Hữu Phúc - 28/09/2017 08:03
 
Chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mọi hoạt động đầu tư cho ĐBSCL phải đảm bảo có sự điều phối liên ngành, vùng, ưu tiên tập trung các công trình động lực, “không hối tiếc”, các công trình thiết yếu đời sống nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiếp theo sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, tại Hội nghị lần này, Chính phủ tiếp tục xác định tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vùng ĐBSCL là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở làm cho đất và nước điều hòa để nâng cao đời sống của nhân dân.

.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mọi hoạt động đầu tư cho ĐBSCL phải đảm bảo có sự điều phối liên ngành, vùng, ưu tiên tập trung các công trình động lực

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hóa thành các hành động, thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ…

“Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà chỉ là thách thức, yêu cầu đối với Hội nghị là phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên và toàn xã hội. Các phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định phát triển, giữ gìn văn hóa vùng sông nước”, Thủ tướng nói.

.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh ĐÌnh Dũng tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh thách thức thì BĐKH cũng mang lại cơ hội cho ĐBSCL là thúc đẩy thay đổi tư duy nhận thức, chuyển đổi mô hình phát triển mới từ dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên sang mô hình thân thiện với tự nhiên, bền vững, chống chịu cao; thúc đẩy hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ...

Theo ông Trần Hồng Hà, quá trình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL phải được xem xét trong tổng thể chung của vùng, trong mối liên kết chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể, dựa trên bản quy hoạch vùng theo hướng tích hợp. Quan điểm chủ đạo là tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với BĐKH thay thế cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên, làm hủy hoại môi trường và hệ sinh thái.  Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ...; thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp đảm bảo canh tác bền vững, chú trọng giá trị kinh tế thay cho sản lượng. Đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế- xã hội- môi trường theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cuộc sống người dân.

.
Các đại biểu dự Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu

Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020, ngân sách nhà nước đã dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ cho các mục tiêu ứng phó với BĐKH của vùng ĐBSCL là khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng, trong khí đó nhu cầu tối thiểu cho vùng để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi BĐKH và nâng cao khả năng chống chịu đối với các tác động cực đoan của BĐKH trong giai đoạn này là 105 nghìn tỷ đồng, chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43 nghìn tỷ đồng cho các dự án thủy lợi, cáp nước, xử lý nước thải được xác định là “không hối tiếc” theo Kế hoạch châu thổ (MPD).

Về nguồn lực để đầu tư, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quan điểm là huy động nguồn lực trước tiên phải xuất phát từ chính nội tại vùng ĐBSCL thông qua việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của vùng và thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Nguồn lực không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn phải có sự tham gia của khu vực tư nhân; huy động nguồn vốn nước ngoài gồm vay ưu đãi và không hoàn lại để đầu tư các công rình liên quan đến BĐKH...

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmance Dione cho rằng, ĐBSCL dễ bị tổn thương bởi tác động BĐKH, do đó cần phải có sự đổi mới căn bản theo cơ chế phát triển đa ngành, liên vùng, xuyên biên giới...trong một tầm nhìn dài hạn để ứng phó BĐKH; phải có sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền địa phương, sự điều phối của Chính phủ, sự tham gia của khu vực tư nhân để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong vùng. Sự chuyển đổi phát triển của vùng ĐBSCL không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn cho cả lưu vực sông Mê Kông. Ông Ousmance Dione cho kiến nghị cần xây dựng Quỹ “Phát triển ĐBSCL”. Quỹ này có cơ chế tài chính, quản lý phù hợp, có sự tham gia từ khu vực tư nhân, từ sự tài trợ từ các tổ chức quốc tế...

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 4 thách thức của vùng ĐBSCL, đó là: BĐKH, nước biển dâng; khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ; các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người đã gây ra nhiều hệ lụy cho vùng như: lún sụt, sạt lở, môi trường suy thoái, ô nhiễm nước, không khí và thách thức quan trọng nhất của vùng - theo Thủ tướng là chất nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL kém, là vùng trũng về giáo dục- đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ...

Thủ tướng cho rằng, định hướng chiến lược phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian tới là chuyển đổi mô hình phát triển chú trọng chất lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; biến thách thức thành cơ hội, sống chung với lũ, hạn, mặn..., coi nước mặn, lợ cũng là nguồn tài nguyên, khắc phục nhân tai, đối phó thiên tai...Mọi hoạt động đầu tư phải đảm bảo có sự điều phối liên ngành, vùng, ưu tiên tập trung các công trình động lực, “không hối tiếc”, các công trình thiết yếu đời sống nhân dân. Về tài chính, theo Thủ tướng, cần nghiên cứu thành lập “Quỹ phát triển ĐBSCL”; từ nay đến năm 2020 sẽ giải ngân ít nhất 1 tỷ USD để làm hệ thống thủy lợi ngăn mặn tại sông Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang), công trình điều tiết lũ tại Trà Sư, Tha La (An Giang) và một số đoạn sạt lở nghiêm trọng trong vùng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL để trình Chính phủ bàn trong kỳ họp thường kỳ tháng 9/2017.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chưa phân bổ thỏa đáng cho các dự án ưu tiên, lan tỏa
Để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ phải xây dựng quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp và quy hoạch này phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư