Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chính phủ thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Nguyên Đức - 01/09/2017 11:11
 
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Chính phủ thống nhất thông qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, chỉnh lý một số nội dung để hoàn thiện, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Chính phủ ngày hôm qua (31/8) đã chính thức ký ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết, đó là Chính phủ thống nhất thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ nghiên cứu tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp này, chỉnh lý dự án Luật về một số nội dung.

.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện các quy định tại Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước được phân công.

Đây là một dự luật được Chính phủ đánh giá là quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng một số đặc khu kinh tế, nhằm tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, đồng thời thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nguyên tắc xây dựng Dự Luật đã được xác định là bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trên các luật hiện hành, có khả năng cạnh tranh, thích ứng cao với yêu cầu hội nhập quốc tế; trong đó cần có một số chính sách ưu đãi cao hơn các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do trong khu vực nhằm thu hút đầu tư. Có quy định cho phép áp dụng Luật này đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thành lập sau khi luật này có hiệu lực, bảo đảm tính ổn định của Luật.

Về áp dụng pháp luật nước ngoài và giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài, do đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền pháp lý và quyền tài phán quốc gia, Chính phủ thống nhất báo cáo Quốc hội hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong khi đó, liên quan đến một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm, đó là tổ chức chính quyền của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ thống nhất phương án tổ chức chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo mô hình Trưởng Đơn vị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không tổ chức Hội đồng Nhân dân.

Đồng thời, quy định phân cấp cho Trưởng Đơn vị một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh; bổ sung quy định cơ chế giám sát của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đối với Trưởng Đơn vị.

Trong khi đó, tổ chức và hoạt động của các cơ quan như Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án là cấp đặc biệt, có đủ thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, tố tụng.

Về nguồn vốn đầu tư cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy định kết hợp các nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương và để lại hợp lý nguồn tăng thu của đơn vị để đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện các quy định tại Dự thảo Luật liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước được phân công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật, bảo đảm tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội dự án luật này; phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật; các vấn đề lớn, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chính phủ chính thức thảo luận Luật về Đặc khu kinh tế: Nền tảng cho sự đột phá
Việc Chính phủ lần đầu tiên chính thức thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào giữa tuần này có thể nói là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư