Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ xem xét chính sách đặc thù cho dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài
Quang Hưng - 27/05/2015 10:06
 
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm nay (27/5), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2015. Trong khuôn khổ phiên họp, Chính phủ sẽ có câu trả lời cho các vấn đề kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015, một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân-Nội Bài, Hà Nội...
.
Chính phủ xem xét chính sách đặc thù cho dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài trong khuôn khổ phiên họp thường kỳ tháng 5/2015.

 

Theo chương trình, các nội dung chính của phiên họp gồm: Chính phủ nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân-Nội Bài, Hà Nội; Báo cáo về dự án Bộ luật Hàng hải (sửa đổi)…

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Dư nợ tín dụng tiếp tục tăng với lãi suất ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI có chuyển biến tích cực.       

Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao về lượng, cho thấy các tín hiệu tích cực về sự phục hồi sức mua, tổng cầu. Các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…   

Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đất nước những tháng đầu năm 2015 tiếp tục đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% - thấp nhất trong nhiều năm qua. Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm. Tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD...

Tuy nhiên, khi đánh giá về tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2015 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lo lắng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm so với cùng kỳ; nhập siêu có xu hướng tăng; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn; tình hình khô hạn kéo dài ở duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân…

Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn mà kinh tế - xã hội đất nước đang phải đối mặt. Đó là, sản xuất nông nghiệp trong những tháng đầu năm 2015 gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm.

Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm tăng 4,5% so với cùng kỳ 2014. Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Một số công trình, dự án quan trọng còn chậm tiến độ…

Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả các vấn đề này.

Chính phủ vay ngoại tệ dự trữ: Nhìn từ cán cân thanh toán
Bên cạnh việc tiếp tục vay nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế, Chính phủ đang có xu hướng gia tăng vay nợ trong nước bằng ngoại tệ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư