Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Cho thuê tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát
Anh Minh - 22/11/2015 08:30
 
Toàn bộ kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt du lịch duy nhất ở khu vực Tây Nguyên dài 6,7 km sẽ được Bộ Giao thông - Vận tải cho thuê.
TIN LIÊN QUAN

Bù lỗ lớn

Cục Đường sắt Việt Nam vừa hoàn tất phương án cho thuê kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Đây là lần đầu tiên, một tuyến đường sắt độc lập nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia được đem cho thuê với mục tiêu tạo bước đột phá về hiệu quả khai thác.

Tuyến Đà Lạt - Trại Mát dài 6,7 km thuộc tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt, được xây dựng từ năm 1932, nhưng do chiến tranh, đoạn đường này bị bỏ hoang từ năm 1972. Đến năm 1991, ngành đường sắt mới khôi phục lại và đưa vào khai thác đoạn Trại Mát - Đà Lạt phục vụ du khách du lịch thăm quan chùa Linh Ứng và các khu vực lân cận.

Ga Đà Lạt - điểm khởi đầu của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát
Ga Đà Lạt - điểm khởi đầu của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Do lưu lượng khách ít, hệ thống hạ tầng xuống cấp, nên việc duy trì tuyến đường sắt này đang là gánh nặng cho ngành đường sắt. Hiện doanh thu khai thác bình quân trong 3 năm gần đây là 2,981 tỷ đồng/năm, trong khi chi phí duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng (do Nhà nước bỏ ra) là 1,27 tỷ đồng; chi phí sản xuất - kinh doanh cho hệ vận tải là 2,691 tỷ đồng/năm; lệ phí cơ sở hạ tầng là 0,28 tỷ đồng/năm.

“Tính trung bình, mỗi năm, Nhà nước đã phải bù lỗ cho việc khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát 983 triệu đồng. Con số này sẽ còn tăng lên do hạ tầng ngày một xuống cấp, lượng khách có xu hướng giảm”, ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh gần 7 km đường ray, 4 đầu máy cũ, tuyến Đà Lạt - Trại Mát còn sở hữu một tài sản lớn về hạ tầng và quỹ đất, trong đó có cụm biệt thự cổ trong khuôn viên ga Đà Lạt tại số 1 đường Quang Trung, TP. Đà Lạt, với diện tích lên tới 43.686 m2, nhưng cũng đang trong tình trạng xuống cấp.

“Việc huy động nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư để đầu tư nâng cấp hạ tầng và đoàn tàu phục vụ khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của tuyến đường tại thành phố du lịch Đà Lạt là rất cần thiết”, ông Duy kiến nghị.

Theo đề xuất của Cục Đường sắt Việt Nam, việc cho thuê kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn I, nhà đầu tư sẽ đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành và bảo trì tuyến đường.

Giai đoạn II, trên cơ sở đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát hiện có, nhà đầu tư sẽ đề xuất các giải pháp đầu tư đồng bộ kết hợp giữa vận tải đường sắt với phát triển du lịch và các dịch vụ tiện ích dọc hành lang tuyến nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng cho toàn đoạn tuyến Đà Lạt - Trại Mát, đảm bảo khai thác cũng như tính đến tương lai lâu dài khi khôi phục toàn tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Ai sẽ được chọn?

Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện có ít nhất 3 liên danh nhà đầu tư đã nộp đề xuất xin thuê lại hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát lên Bộ Giao thông - Vận tải, trong đó, phương án đề xuất của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng được đánh giá là bài bản nhất.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam giữa tháng 9/2015, ông Thân Hà Nhất Thống, Chủ tịch HĐQT Khách sạn Bạch Đằng đề xuất phương án chuyển nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát theo 2 phần. Trong đó, phần I - chuyển nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát, tức bao gồm khu vực nhà ga và các tài sản thuộc nhóm I. Phần II - chuyển nhượng tài sản trên đất và chuyển quyền thuê đất của các khu biệt thự tại số 1 - đường quan Trung.

Nhà đầu tư đề nghị bàn giao quyền khai thác trong quý IV/2015 để bảo đảm vận hành ngay từ đầu năm 2016 khu vực nhà ga Đà Lạt, tuyến đường sắt từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát, trạm ga Trại Mát.

Đối với nhóm kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có, bao gồm đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, cùng các công trình cơ sở hạ tầng liên quan trực tiếp đến chạy tàu như nhà ga, nhà kho, xưởng sửa chữa…, nhà đầu tư đề nghị chuyển nhượng quyền khai thác trong thời hạn tối đa 49 năm.

Nhà đầu tư này cũng đăng ký mua toàn bộ các đầu máy, toa xe cùng các tài sản có liên quan theo định giá của tổ chức tài chính do Bộ Giao thông - Vận tải lựa chọn.

Ông Thân Hà Nhất Thống cho biết, trong vòng 6 tháng kể từ khi nhận bàn giao chuyển nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt, nhà đầu tư sẽ trình quy hoạch tổng thể khu nhà ga Đà Lạt - Trại Mát và triển khai xây dựng theo kế hoạch đã trình. Trong vòng 24 tháng, nhà đầu tư sẽ đầu tư nâng cấp đầu máy và toa xe nhằm đáp ứng quy mô kinh doanh và nhu cầu khách hàng theo hướng hiện đại, tiện lợi.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo duy trì hoạt động của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát theo tần suất và chất lượng dịch vụ tối thiểu là bằng hoặc hơn so với hiện nay và thực hiện đầu tư đúng quy hoạch tổng thể và chi tiết khu ga Đà Lạt, Trại Mát đã được phê duyệt, với tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng”, ông Thống cam kết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư