Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chọn đối tác M&A nội hay ngoại
Anh Vũ - 23/07/2016 09:44
 
Kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam đang trở thành đích ngắm của nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đối với các nhà đầu tư, nhưng việc chọn đối tác trong hay ngoài nước là chuyện không đơn giản.

Khoảng 5 năm trở lại đây, các ông lớn nước ngoài vẫn đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động M&A ở lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Trong đó, ở ngành hàng ẩm thực, thương vụ Quỹ Standard Chartered Private Equity – SCPE thuộc Ngân hàng Standard Chartered đã chi ra 35 triệu USD để mua cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate Group) sở hữu chuỗi nhà hàng Ashima, Kichi Kichi, Sumo BBQ); hay Jollibee (Philippines) mua lại chuỗi quán Highland Coffee, Phở 24 từ Tập đoàn quốc tế Việt Thái (VTI), giá trị của thương vụ (thực hiện qua công ty con của Jollibee là Jollibee Worldwide) là 25 triệu USD.

Bà Dương Thu Hương, Phó chủ tịch HĐQT Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này
Bà Dương Thu Hương, Phó chủ tịch HĐQT Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này

Ngoài ra, VTI cũng sẽ nhận được khoản vay trị giá 35 triệu USD với lãi suất 5%/năm và đáo hạn vào năm 2016. Việc mua lại cổ phần của VTI là một phần trong kế hoạch mua lại các doanh nghiệp cùng ngành ở châu Á và Mỹ của Jollibee nhằm mở rộng quy mô của tập đoàn này. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển chuỗi cà phê Highlands tại Việt Nam, họ sẽ đưa sản phẩm của Highlands Coffee vào các hệ thống nhà hàng khác của Jollibee trên toàn châu Á. Gần đây nhất là Quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund III (MEF III) thuộc Công ty quản lý quỹ Mekong Capital đã đầu tư 6,9 triệu USD (khoảng hơn 150 tỷ đồng) vào Công ty cổ phần Nhà hàng Wrap & Roll, đơn vị điều hành chuỗi nhà hàng Wrap & Roll.

Trong số các thương vụ trên, thương vụ Highland Coffee hay Phở 24 để lại nhiều cảm xúc cho dư luận và giới phân tích. Giới phân tích cho rằng, về mặt chiến lược kinh doanh, việc Highland Coffee quyết định bán cho Jollibee là đúng đắn, vì chuỗi cửa hàng này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ chuỗi quán Trung Nguyên và nhất là sự đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài như Starbucks Coffee. Tuy nhiên, một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam như Highland Coffee giờ thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài cũng phần nào gây tiếc nuối. Ngoài ra, sau khi thuộc sở hữu của Jollibee, người tiêu dùng cũng chưa thấy được sự đổi mới nổi bật nào từ dịch vụ cho đến sản phẩm của chuỗi cà phê này.

Thực tế ở thị trường Việt Nam, cứ mỗi đợt kinh tế khủng hoảng hay mức độ hội nhập sâu rộng với nhiều làn sóng đầu tư, đổ bộ của doanh nghiệp ngoại luôn khiến hàng loạt doanh nghiệp gục ngã, nhưng cũng không ít doanh nghiệp nắm lấy cơ hội vươn lên qua con đường M&A. Những doanh nghiệp tiềm năng nhưng thiếu bề dày quản trị thường là đích ngắm tốt nhất trong các thương vụ M&A. Đây là lúc doanh nghiệp thâu tóm có thể mua lại doanh nghiệp bị sáp nhập với mức giá rẻ nhất. Và nhiều doanh nghiệp sau một thời gian phát triển nhận thấy cần phải thay đổi.

Trường hợp như một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực đang sở hữu chuỗi 30 cửa hàng tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam cũng đang rơi vào trạng thái này, dù hiện tại khả năng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài vẫn còn cơ hội, song lâu dài thì khả năng thua cuộc có thể xảy ra và phương án M&A với các đối tác cùng ngành trong và ngoài nước đã được tính đến.

Trong khi các đối tác trong nước muốn hợp tác theo hình thức sáp nhập hệ thống các cửa hàng với nhau và tạo nên thương hiệu mới để kinh doanh. Còn các đối tác nước ngoài thì muốn giữ nguyên thương hiệu và bỏ vốn đầu tư để nâng cấp, mở rộng hệ thống. CEO đang cân nhắc theo phương án hợp tác với đối tác trong nước, vì có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, khách hàng và thị trường. Hơn nữa, với hệ thống hơn 30 cửa hàng thì doanh nghiệp sẽ nhanh chóng mở rộng thị trường mà không phải mất quá nhiều công sức, thời gian và chi phí. Tuy nhiên, các cổ đông lại nghiêng về phương án chọn đối tác nước ngoài vì họ có tiềm lực, có kinh nghiệm. Quan trọng hơn, thương hiệu chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp vẫn được giữ vững. Còn trong trường hợp không hợp tác với đối tác nước ngoài này, thì nhiều khả năng họ sẽ hợp tác với doanh nghiệp khác và tạo thêm một đối thủ rất mạnh nữa.

Trong lĩnh vực ẩm thực, hàng tiêu dùng nhanh, giới chuyên gia cho rằng, các thương hiệu Việt chỉ thật sự không bị mất đi nếu đạt được bề dày uy tín, có được sự tinh túy, mang được cốt cách của Việt Nam. Vì vậy, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài cũng là cơ hội lớn để phát triển. Song quan trọng hơn là không bị thay đổi quá lớn về mô hình quản trị vốn đang rất ổn định của doanh nghiệp.

Hai chuyên gia của chương trình CEO - Chìa khóa thành công là TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam sẽ tư vấn giúp CEO tìm ra quyết định khả thi nhất trong tình huống này.

ACE mua lại Chubb với giá 28,3 tỷ USD: Tiềm lực của “ông lớn” sau sáp nhập
Sau khi ACE hoàn tất thương vụ mua Tập đoàn bảo hiểm Chubb với trị giá 28,3 tỷ USD, họ sẽ trở thành “người khổng lồ” với vị trí thứ 4 toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư