Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chốt thời gian chính thức hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Đưa vốn thật vào thị trường
Bảo Duy - 10/08/2018 08:01
 
Cuối cùng, thời gian chính thức hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được chốt. Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thông báo Chính phủ sẽ ký ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 9/2018.

Như vậy, sẽ chính thức chấm dứt tình trạng lần khân của khoảng 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong danh sách chuyển giao về Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Đây là tin tốt với thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp, nhất là những nhà đầu tư lớn, những nhà đầu tư đang nhắm tới kế hoạch trở thành đối tác chiến lược của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Với quyết định trên, khoảng 1,5 triệu tỷ đồng tổng tài sản, khoảng 820.000 tỷ đồng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ sẽ được đưa vào thị trường theo đúng cam kết. Các thương vụ “khủng”, mang lại hiệu quả cho cả bên bán và bên mua - như trường hợp thoái vốn Sabeco vào năm ngoái, có thể sẽ không còn là cá biệt.

.
.

Tất nhiên, đó là những dự báo sớm, theo chiều hướng tích cực nhất, nhưng không phải không có cơ sở.

Nhìn vào hiện trạng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, có thể thấy nguyên nhân gây nên sự chậm trễ chủ yếu thuộc về bộ, ngành chủ quản. Thậm chí, sự chậm trễ trong chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC, hay con số hơn 500 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định, cũng có nguyên nhân do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa làm tròn trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Song đánh giá một cách khách quan, sự chậm trễ này không hoàn toàn là lỗi của các bộ, ngành, bởi dù muốn, các bộ, ngành cũng rất khó để vừa làm tốt vai trò quản lý, vừa làm tốt vai chủ sở hữu nhà nước. Hơn thế, tâm lý dùng doanh nghiệp nhà nước để phục vụ quản lý nhà nước không phải đã được rũ bỏ hoàn toàn.

Hệ lụy của mô hình cơ quan chủ quản trong quản lý doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ rõ, được xác định là phải tách bạch quàn lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước, đã thực hiện trong nhiều năm, nhưng chưa triệt để.

Với quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 2/2018, lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đúng như thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Nhưng từ đó đến nay là khoảng thời gian hoàn thiện cơ sở pháp lý cho ủy ban này hoạt động.

Cũng phải nói thêm, hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không chỉ là điều chỉnh mô hình tổ chức, mà quan trọng hơn, là giải pháp triệt để, đúng quy luật thị trường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Với nền kinh tế, quyết định này sẽ có tác động rất lớn khi mục tiêu chính của dòng vốn nhà nước là phải được dẫn vào những nơi mà khu vực tư nhân không thể vào, không muốn vào; những lĩnh vực tạo tác động liên kết, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là cơ sở để hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể đảm bảo lợi ích tối cao cho chủ sơ hữu nhà nước.

Và đương nhiên, thị trường, cụ thể là cơ hội đầu tư cho các dòng vốn tư nhân sẽ mở rộng hơn.

Hoàn thiện tổ chức Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư