Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Gói thầu cung cấp thang máy Dự án Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Long An
Chủ đầu tư "chơi luật riêng", nhà thầu thúc thủ
Như Nguyệt - 02/05/2018 10:34
 
Sau 2 lần nhận được thông báo trúng thầu, nhưng bên thắng thầu chưng hửng vì chủ đầu tư đột ngột tuyên bố hủy kết quả đấu thầu với lý do hoàn toàn trái luật.

Chủ đầu tư “đánh võng”

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQL) Các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Long An vừa đưa ra quyết định bất ngờ: huỷ thầu gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy thuộc Dự án Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Long An. Tại quyết định hủy thầu (Quyết định số 50/QĐ - BQLDA, ngày 9/3/2014), lý do hủy thầu được BQL đưa ra là, “tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu”. Quyết định trên căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 17, Luật Đấu thầu.  

Dự án Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Long An vẫn chưa thể đưa vào vận hành vì chủ đầu tư thực hiện quy trình lạ cho gói thầu cung cấp thang máy. Ảnh: Ngọc Tuấn
Dự án Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Long An vẫn chưa thể đưa vào vận hành vì chủ đầu tư thực hiện quy trình lạ cho gói thầu cung cấp thang máy. Ảnh: Ngọc Tuấn

Đánh giá tình huống bất ngờ nêu trên, ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thang máy Thái Bình (nhà thầu thắng thầu) cho biết, “đã mất hết lòng tin về sự chuyên nghiệp, bởi sự tiền hậu bất nhất trong các văn bản chủ đầu tư ban hành”. 

Cần nhắc lại rằng, ngày 27/12/2017, tại Quyết định số 369/QĐ - SYT, Sở Y tế tỉnh Long An, trước đó với vai trò làm chủ đầu tư đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là Công ty TNHH Thang máy Thái Bình,  với giá 18,046 tỷ đồng. Khi kết quả được công bố, nhà thầu Công ty TNHH Hoàng Phúc (TP. Cần Thơ) đã 2 lần gửi khiếu nại. Sau khi giải quyết các khiếu nại đó, Sở Y tế đã khẳng định, nhà thầu Hoàng Phúc không còn khiếu kiện, khiếu nại. 

Sau thời điểm chuyển đổi vai trò chủ đầu tư Dự án Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Long An từ Sở Y tế sang Ban Quản lý Các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Long An, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư tổ chức kiểm tra lại năng lực, kiểm tra chủng loại, chất lượng thiết bị do nhà thầu Thang máy Thái Bình chào thầu và lập báo cáo chi tiết kết quả đấu thầu so với hồ sơ mời thầu được duyệt. Sau đợt kiểm tra nói trên, bằng Thông báo số 996/TB - BQLDA, ngày 15/6/2017, chủ đầu tư tái khẳng định việc Công ty TNHH Thang máy Thái Bình là nhà thầu trúng thầu. 

Cách hành xử kiểu “sáng nắng, chiều mưa, trưa gió mùa đông bắc” của chủ đầu tư không chỉ ảnh hưởng tới nhà thầu được công nhận là thắng thầu trước đây (Công ty TNHH Thang máy Thái Bình - PV), mà còn tạo thành nguyên cớ để nhà thầu Hoàng Phúc tiếp tục kiến nghị về kết quả chấm thầu gói thầu này. 

Cần phải nhắc lại rằng, trước đây, nhà thầu Hoàng Phúc đã có khiếu nại bằng văn bản về “tính hợp lệ, xuất xứ” của thang máy thương hiệu TECNO do nhà thầu Thang máy Thái Bình chào thầu, nhưng chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và kể cả Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã tiến hành giải thích và chính thức thông báo rằng, “những khiếu nại của nhà thầu Hoàng Phúc là không có căn cứ”. Tuy nhiên, sau khi ban hành Quyết định số 50/QĐ - BQLDA với lý do “tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu”, thì có thể hiểu rằng, khiếu nại của nhà thầu Hoàng Phúc trước đây là “có căn cứ” và vì thế, những kiến nghị đó có thể lại tiếp tục được đem ra mổ xẻ. 

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, chủ đầu tư đang đưa ra yêu cầu hoàn toàn vô lý và trái pháp luật chỉ với một mục tiêu duy nhất là gây cản trở cho nhà thầu thắng thầu để kiếm cớ hủy thầu. Theo ông, yêu cầu “tất cả các thiết bị vật tư phải được sản xuất từ một nhà sản xuất” là đòi hỏi phi thực tế và chủ đầu tư đang “đánh võng” với nhà thầu một cách có chủ ý.  

Quy trình lạ

Cần khẳng định rằng, Thông báo số 996/TB - BQLDA, Thông báo hủy thầu số 462/TB - BQLDA của BQL và động thái thụ lý kiến nghị của nhà thầu Hoàng Phúc là không phù hợp với quy định tại Điều 92, Luật Đấu thầu. Theo quy định của Luật Đấu thầu, chỉ có Thông báo kết quả đấu thầu số 370/CV - SYT ngày 27/12/2016 là có giá trị pháp lý. 

Gói thầu Cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy thuộc Dự án Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Long An lựa chọn nhà thầu cung cấp 13 bộ thang máy tải giường bệnh, tải khách có tải trọng 825 - 1.600 kg; 4 - 8 điểm dừng; vận tốc 60 - 90 m/phút; điều khiển đơn hoặc nhóm đôi.

Với tỷ lệ giảm giá 49,5%, giá trúng thầu là 18,046 tỷ đồng, tiết kiệm 17,3 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Hành vi trái luật của chủ đầu tư ở đây được hiểu như sau: không thể phủ nhận (bằng bất kỳ lý do gì) một cuộc chấm thầu và quyết định lựa chọn nhà thầu trúng thầu được tiến hành công khai, theo đúng luật. Đại diện nhà thầu Thái Bình cho rằng, việc chủ đầu tư chấm lại hồ sơ thầu và yêu cầu nhà thầu cung cấp bổ sung hồ sơ giấy tờ sau khi đã có thông báo trúng thầu là một “quy trình lạ” và hoàn toàn chưa có trong tiền lệ.

Như đã nói ở trên, lý do mấu chốt để biện minh cho chủ trương hủy thầu chính là yêu cầu “thang máy thương hiệu TECNO phải đạt yêu cầu tất cả các thiết bị vật tư phải được sản xuất từ một nhà sản xuất” để đảm bảo tính đồng bộ. Đây là một yêu cầu trái luật, bởi về nội dung này, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã từng đề nghị chủ đầu tư tham chiếu quy định tại khoản 1, Điều 65, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Theo đó, luật quy định, “sau khi lựa chọn được nhà thầu, chủ đầu tư đối với các dự án, bên mời thầu với mua sắm thường xuyên và nhà thầu được lựa chọn phải tiến hành ký hợp đồng thực hiện gói thầu. Trường hợp không tiến hành hoặc từ chối ký hợp đồng với nhà thầu thì phải nêu rõ lý do chính đáng”. 

Cục Quản lý đấu thầu cũng nêu rõ: “Theo quy định tại mục 5, Chương 1 (hồ sơ mời thầu) về tính hợp lệ của hàng hóa, thuật ngữ “xuất xứ” được hiểu là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa, hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”. Cơ quan này cũng đã từng khẳng định, yêu cầu “tất cả các thiết bị vật tư phải được sản xuất từ một nhà sản xuất” là không phù hợp quy định nêu trên và không hợp lý về mặt thị trường do không thể có một nhà sản xuất nào trên thế giới (đối với các thiết bị lớn như thang máy) đủ khả năng tự sản xuất tất cả các thiết bị, vật tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện nhà thầu Thang máy Thái Bình cho biết, trước sự việc trên, sau hơn 1 tháng tính từ ngày gửi kiến nghị tới UBND tỉnh Long An, tới nay nhà thầu này vẫn đang chờ ý kiến phúc đáp. 

“Nếu sự im lặng tiếp tục kéo dài, chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và hy vọng rằng, lãnh đạo Chính phủ sẽ có chỉ đạo các bên liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Đấu thầu”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Sai phạm trong đấu thầu tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM: Lùng bùng, chưa thấy hồi kết
Sau 2 văn bản chỉ đạo của của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, việc xử lý vi phạm trong công tác đấu thầu hệ thống xạ trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư