Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chu kỳ tăng trưởng mới của Vietnam Airlines
Anh Minh - 09/05/2018 14:04
 
Vietnam Airlines đang ở trong giai đoạn phát triển nhanh, ổn định và hiệu quả nhất kể từ khi Tổng công ty được thành lập vào năm 1995.

Tiếp đà tăng trưởng

Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng nhất mà HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) xin ý kiến các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (dự kiến diễn ra vào ngày mai - 10/5) đều cao hơn khá nhiều so với kết quả thực hiện năm 2017 - năm được đánh giá là đỉnh cao của hãng hàng không quốc gia trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, năm 2018, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 24,3 triệu lượt khách và 350.900 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 10,9% và 8,2% so với kết quả thực hiện của năm 2017. Vietnam Airlines sẽ cán mốc doanh thu hợp nhất vào khoảng 97.073 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2017, trong đó doanh thu từ vận tải hàng không - lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Hãng - dự báo sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái, ở mức 69.986 tỷ đồng.

Vietnam Airlines là hãng hàng không hiếm hoi trong khu vực đạt lợi nhuận dương trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Vietnam Airlines là hãng hàng không hiếm hoi trong khu vực đạt lợi nhuận dương trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Điều này sẽ giúp Vietnam Airlines duy trì chu kỳ tăng trưởng nhanh, ổn định về sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa với bước khởi đầu từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2015.

Do năm 2018, thị trường hàng không trong nước và thế giới dự báo có những biến động bất lợi, trong đó giá nhiên liệu dự kiến tăng mạnh và duy trì ở mức trên 80 USD/thùng, tăng 15 - 20% so năm 2017, HĐQT Vietnam Airlines chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 76,7% so với năm 2017, trong đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.421 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.917 tỷ đồng.

Việc HĐQT Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch lợi nhuận thận trọng là có cơ sở, bởi trong quý I/2018, giá nhiên liệu giao dịch ở mức 80 USD/thùng, cao hơn 9,6% so với kế hoạch. Dự kiến, giá nhiên liệu bay tăng cao làm chi phí sản xuất tăng đáng kể (tối thiểu là 2.200 tỷ đồng). 

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Vietnam Airlines có dự phòng chi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại công nợ dài hạn cuối kỳ với số tiền 729 tỷ đồng (số thực tế đã phát sinh quý I/2018 là 182 tỷ đồng), trong khi năm 2017, do tỷ giá VND/USD ổn định, nên không phát sinh chi phí này. 

“Do cơ cấu lợi nhuận của Công ty mẹ thay đổi, trong đó thu nhập từ đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tăng so với năm 2017, nên lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất của Tổng công ty chỉ đạt 76,7% so với thực hiện năm 2017”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, lợi nhuận Vietnam Airlines đề ra trong năm 2018 vẫn ở mức cao so với các hãng hàng không truyền thống cùng quy mô trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý I/2018 rất khả quan với mức lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 6,2% so với kế hoạch và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Cùng với công tác quản trị nội bộ của hãng ngày càng được cải thiện, tín hiệu tích cực này là cơ sở để HĐQT Vietnam Airlines kỳ vọng kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2018 sẽ đạt và vượt kế hoạch”, đại diện Vietnam Airlines nhận định.

Xây chắc nền tảng

Việc xây dựng phương án và triển khai các giải pháp điều hành phù hợp với diễn biến thị trường và hướng tới mục tiêu vượt chỉ tiêu lợi nhuận đã trở thành “truyền thống” của Vietnam Airlines kể từ khi doanh nghiệp này chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cách đây 3 năm. Năm 2017, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.638 tỷ đồng, bằng 63% so với năm 2016, nhưng đến cuối năm đã vượt xa các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017. 

Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất của Vietnam Airlines trong nhiều năm trở lại đây. Quan trọng hơn, Vietnam Airlines là một trong số không nhiều hãng hàng không trong khu vực đạt lợi nhuận dương trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nguồn vốn kinh doanh theo hướng triển khai giải pháp SLB và giảm vay nợ cho đầu tư đã cải thiện các chỉ số tài chính theo hướng an toàn: hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đã giảm đáng kể và đang tiệm cận mức kiểm soát 3:1 vào cuối năm 2017 và sẽ giảm xuống dưới 3:1 trong năm 2018.

Vietnam Airlines cũng tiếp tục khẳng định vị thế hãng hàng không 4 sao năm thứ hai liên tiếp theo tiêu chuẩn Skytrax. Hiệu quả công tác nâng cao chất lượng dịch vụ được thể hiện qua chỉ số thiện cảm của khách hàng đã vượt mục tiêu 1,7 điểm. 

Giao dịch cổ phiếu với mã chứng khoán HVN trên sàn Upcom kể từ ngày 3/1/2017, Vietnam Airlines luôn nằm trong top 20 công ty có giá trị vốn hóa dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc năm 2017 với kết quả kinh doanh ấn tượng, tình hình tài chính lành mạnh, các cân đối lớn được kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ là tiền đề để giá trị doanh nghiệp của Vietnam Airlines tăng trưởng mạnh, vốn hóa thị trường đạt 2,4 tỷ USD, tăng 50% so với thời điểm đầu năm; lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 1.931 đồng/cổ phiếu, tăng 14,6% so với cùng kỳ.  

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2018, Tổng công ty sẽ hoàn thành phương án tăng vốn điều lệ chào bán cho cổ đông hiện hữu và chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm của cổ đông Nhà nước; triển khai thủ tục chuyển đổi cổ phiếu sang niêm yết trên sàn HOSE, mang lại giá trị tốt nhất cho các cổ đông. Dự kiến, HĐQT Vietnam Airlines sẽ trình Đại hội đồng cổ đông mức cổ tức bằng tiền 8% - được là phù hợp với mặt bằng chung của thị trường. 

“Khoản lợi nhuận còn lại sau thuế sẽ được Hãng sử dụng bảo đảm tính cân đối, ổn định về tỷ lệ chia cổ tức trong những năm sau và bảo đảm nguồn tiền/vốn ổn định và bền vững cho hoạt động của Tổng công ty trong những năm tới đây”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.

Không ngại cạnh tranh

Theo nhận định của Vietnam Airlines, cạnh tranh trên thị trường hàng không nội địa sẽ diễn ra gay gắt hơn trong những năm tới đây. Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2016, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 25%/năm. Đặc biệt, giai đoạn 2015-2016, trong điều kiện giá nhiên liệu diễn biến thuận lợi, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình khoảng 30%/năm, được đánh giá là giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường nội địa. 

Giai đoạn 2-3 năm trở lại đây, thị trường hàng không nội địa đã tăng trưởng chậm lại, đạt trung bình 10-12%/năm. Xét về giá trị, doanh thu ngành vận tải hàng không trong giai đoạn 2-3 năm trở lại đây vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí cao hơn 1-2% so với giai đoạn trước, hiệu quả kinh tế của các hãng hàng không do đó đều được cải thiện đáng kể. Trong thời gian tới, khả năng thị trường có sự gia nhập của 1-2 hãng hàng không mới là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Trong khi đó, tình trạng quá tải tại các sân bay, đặc biệt là Tân Sơn Nhất vẫn chưa được giải quyết. Các khung giờ từ 6:00 đến 22:00 đều không còn slot, dẫn đến khó khăn lớn cho các hãng trong việc mở rộng quy mô khai thác, tăng tải cung ứng để phục vụ nhu cầu của hành khách. 

Để thích ứng với điều kiện kinh doanh mới, Vietnam Airlines sẽ liên tục bám sát thị trường để linh hoạt điều hành tải cung ứng, cân đối giữa mục tiêu hiệu quả, tăng trưởng và thị phần, tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và tìm kiếm các cơ hội trên các đường bay mới; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chiến lược thương hiệu kép Vietnam Airlines - Jetstar Pacific (JPA) trên thị trường nội địa. 

Chiến lược trên giúp nhóm doanh nghiệp thuộc Tổng công ty cung cấp dải sản phẩm đa dạng, đem lại lợi thế cạnh tranh hiếm có tại thị trường nội địa. Trong đó, Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng có thu nhập cao và trung bình; JPA hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập thấp. 

Được biết, trong năm 2018, tại thị trường quốc tế, Vietnam Airlines sẽ tăng trưởng tải khoảng 10%, duy trì thị phần và giữ vững vị thế tại các thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Đối với thị trường trong nước, Vietnam Airlines sẽ tăng tải 10-12% so năm 2017, nhằm duy trì thị phần tải ở mức 42-43%, thị phần của Vietnam Airlines Group gồm cả JPA và VASCO sẽ duy trì ở mức 58-59%.

“Bằng việc nhận thêm 2 tàu A350 (SLB) và 9 tàu A321-NEO thuê, trả sớm 4 tàu thuê ATR72 và 3 tàu thuê A330 đến hạn, tổng số tàu bay đến cuối năm 2018 của Hãng sẽ lên đến 98 tàu bay - tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô và chất lượng đội bay”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Kết quả kinh doanh năm 2017
Tổng công ty đã thực hiện an toàn tuyệt đối 140.000 chuyến bay, vận chuyển 22 triệu lượt hành khách.
Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 84.962 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục 3.155 tỷ đồng, vượt 92,6% kế hoạch và tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, Công ty mẹ đạt 64.920 tỷ đồng tổng doanh thu và 1.911 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 52% so với kế hoạch và 11,7% so với năm 2016), hệ số ROE đạt 14,8%, ROA đạt 2,3%, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Vietnam Airlines đặt mục tiêu 2.421 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trong năm 2018
Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng nhất mà HĐQT Vietnam Airlines xin ý kiến các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư