Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam
Trần Văn Khôi - 13/10/2014 07:22
 
() Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới giới công - thương Việt Nam. Tới nay, ngày này đã trở thành ngày kỷ niệm Doanh nhân Việt Nam, niềm tự hào và kỳ vọng của nhân dân vào đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp “xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” như kỳ vọng của Người đã viết trong thư.
TIN LIÊN QUAN

Trước tiên, Hồ Chí Minh trân trọng: Cùng giới công - thương, bày tỏ sự vui mừng khi giới công - thương đã đoàn kết thành “công - thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh. Theo Người, trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng, thịnh vượng.

  Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam  
  Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công - thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng” ngày 18 tháng 9 năm 1945 tại Bắc Bộ phủ (Ảnh: tư liệu)  

Cách xưng hô trang trọng: “Cùng các ngài trong giới công - thương”, đã được Hồ Chí Minh sử dụng trong nói chuyện với các đại biểu trong Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, được thành lập ngày 31/12/1945 theo Sắc lệnh mà Hồ Chí Minh ký.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để tranh nền độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi và đang lo củng cố. Lúc này, chúng ta có hai nhiệm vụ là kháng chiến và kiến quốc.

Các chiến sỹ đã hy sinh cho cách mạng thành công và đang hy sinh để giữ vững đất nước. Còn các ngài, đã đem tài năng trí thức lo bồi bổ về kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sỹ xung phong, đem hết tài năng và tri thức giúp Chính phủ về mặt kiến thiết”.

Điểm qua các đối tượng trong nước được Hồ Chí Minh dùng kính ngữ trong quan hệ công việc, quả là điểm rất đặc biệt trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh với giới công - thương Việt Nam và các nhà trí thức trong lĩnh vực kiến thiết quốc gia.

Là người có nhiều năm tìm hiểu và lên án chế độ thực dân Pháp trên khắp các châu lục, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hơn ai hết hiểu rõ thực chất chế độ thuộc địa của thực dân, đế quốc. Nguyễn Ái Quốc lên án gay gắt hành động vơ vét tài nguyên vật liệu và bóc lột lao động dân bản xứ một cách dã man, vô nhân đạo. Vì vậy, trong  Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh viết:

“Về kinh tế - chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu. Chúng độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta giàu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Cho nên, khi nước nhà tranh được độc lập, Hồ Chí Minh với cương vị Chủ tịch nước, đồng thời là Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã xác định những công việc cấp bách của Nhà nước Việt Nam mới là chống “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”: Tổng tuyển cử; xây dựng Hiến pháp dân chủ; giáo dục lại tinh thần quốc dân; hủy bỏ các sắc thuế vô lý; thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

Bên cạnh những công việc khẩn trương trong xác lập chế độ mới, Hồ Chí Minh vẫn nhìn thấy qua sự bộn bề công việc ban đầu là đất nước có hai nhiệm vụ chiến lược mà Nhà nước Việt Nam mới phải đồng thời tiến hành. Đó là, kháng chiến và kiến quốc. Với nhiệm vụ kiến quốc, trước hết, công nghiệp và thương nghiệp là những trụ cột và môi trường giao thương kinh tế cho nông nghiệp tự cấp, tự túc từng bước tiến lên, tạo nền tảng kinh tế thực sự ổn định của một quốc gia mới giành được độc lập. Khi giới công - thương mới thành lập Công - thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh và Chính phủ đã tuyên bố sẽ tận tâm giúp đỡ giới công - thương trong cuộc kiến thiết này.

Một quan điểm rất cần chú trọng khi nhìn nhận sự phát triển của nền kinh tế, theo tư duy Hồ Chí Minh là: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau”. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vì vậy, Hồ Chí Minh mong giới công - thương mau gia nhập “Công - thương  cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công việc ích quốc, lợi dân.

Quan tâm,  trân trọng giới công - thương trong việc đầu tư trí tuệ và vốn liếng để làm ích quốc, lợi dân là một phần quan tâm của Hồ Chí Minh trong tư tưởng xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Khi nước nhà có độc lập, thì vị thế của doanh nhân Việt Nam trở thành những chủ nhân kinh tế của một dân tộc bằng sự đoàn kết và hy sinh anh dũng của các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giành được độc lập, tự do thông qua thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Nếu so sánh địa vị kinh tế của người Pháp và người nước ngoài với địa vị người bản xứ trong tác phẩm: “Vấn đề dân bản xứ”, của tác giả Nguyễn Ái Quốc viết trên Báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp (ngày 2/8/1919), thì sự tương phản càng nổi bật. Trước đây, một bên là dân bản xứ bị dìm trong cảnh dốt nát và suy yếu bởi sự đầu độc bằng rượu cồn và thuốc phiện, cộng với nền giáo dục nhồi sọ, đần độn hóa và tự kiếm sống bằng những công việc nặng nhọc để nuôi mọi ngân quỹ của chính quyền. Một bên là người Pháp thì tự dành cho mình tất cả tài nguyên của đất nước và chiếm đoạt tất cả các ngành kinh tế béo bở nhất; bóc lột trâng tráo trong cảnh dốt nát và nghèo khốn của nhân dân.

Từ địa vị là dân một xứ thuộc địa, trở thành quốc dân của một nước dân chủ, cũng là sự thay đổi, từ một giới doanh nhân luôn bị chèn ép mọi bề trong kinh doanh đã trở nên những người chủ chân chính lại được Chính phủ Hồ Chí Minh tận tâm giúp đỡ trong công cuộc kiến thiết nền kinh tế mới trong chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Sau đó, trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã thực thi chính sách động viên kinh tế với mục tiêu làm cho nước giàu, dân mạnh; chủ thợ đều lợi; công nông giúp nhau; lưu thông trong ngoài là những chính sách kinh tế chủ chốt để phát triển kinh tế trong điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

Về chính sách kinh tế đối ngoại, Hồ Chí Minh và Chính phủ ngay từ đầu đã chủ trương: Việt Nam thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực.

Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài.

Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

Những quan điểm về kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chính sách kinh tế của Nhà nước ta trong 69 năm qua, đã là những mạch nối, ngọn nguồn của sự phát triển lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân bản lĩnh, trí tuệ và đoàn kết thống nhất trong sự nghiệp đầu tư phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập là một công việc to lớn và lâu dài của cộng đồng doanh nhân Việt Nam gắn liền với việc đưa đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng vào thực tiễn. Thể chế pháp luật vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và khủng hoảng, đòi hỏi Nhà nước ta không những tạo hệ thống hành lang pháp lý cho sự vận hành hệ thống doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các quan hệ thương mại toàn cầu, mà còn biết tạo lập bản sắc thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau” vẫn còn nguyên giá trị. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là hoạt động kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Điều này góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước, để các doanh nhân Việt Nam có điều kiện khẳng định vị trí tiên phong trên mặt bằng kinh doanh trong hội nhập quốc tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư