Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội"
Hữu Tuấn (Tổng hợp) - 23/07/2016 10:51
 
Sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì cuộc họp báo Trung tâm Báo chí Quốc hội. Tham gia Họp báo có các Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ và ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội.

Đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội, của Đại biểu Quốc hội

Trong bài phát biểu ngắn trước các cơ quan Báo chí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Quốc hội khoá XIV gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí đã quan tâm, theo dõi, đưa tin về hoạt động của Quốc hội suốt thời gian qua và sẽ tiếp tục đồng hành với Quốc hội khoá XIV.

bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII đã đọc diễn văn khai mạc kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì cuộc họp báo sáng 23/7

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ rằng, khi được tín nhiệm tái đắc cử vào vị trí cao nhất Quốc hội khóa XIV bản thân bà cảm nhận được trách nhiệm nặng nề mà cử tri, nhân dân cả nước giao phó và cá nhân bà sẽ phát huy kết quả của những vị lãnh đạo Quốc hội tiền nhiệm để làm tốt nhiệm vụ.

Theo bà Ngân, Quốc hội XIV diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, có thuận lợi và cũng có cả khó khăn, đất nước đang trong đà hội nhập rộng mở. Các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội khoá XIV sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, như thông điệp bà đã đưa ra khi phát biểu nhậm chức, sẽ kế thừa truyền thống vẻ vang của Quốc hội 70 năm qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội khóa XIV sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế Nghị quyết Đảng vào hệ thống pháp luật. Quốc hội cũng tập trung hoàn thiện các luật về quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các hiệp ước Quốc tế, các cam kết với Liên Hợp Quốc khi Việt Nam tham gia tổ chức này.

Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, dự kiến sẽ chọn những vấn đề đang bức xúc trong cuộc sống để trình Quốc hội chấp nhận giám sát một vài chuyên đề, một số khác sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát, sau nữa tới các Ủy ban của Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động điều trần cụ thể với những vấn đề phát sinh. Quốc hội sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm, giám sát những vấn đề chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm này, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động.

Theo bà Ngân, trong khoá XIII, Quốc hội đều ra Nghị quyết sau mỗi cuộc giám sát, ví như cuộc giám sát về chính sách đầu tư các công trình thuỷ điện. Theo đó, Quốc hội đã dứt khoát yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch hàng trăm dự án, công trình. Nghị quyết giám sát này sẽ được theo dõi đến cùng trong khoá XIV này, chứ nhất quyết không để tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Quốc hội sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.

Cụ thể, Quốc hội sẽ nghiên cứu đổi mới quy trình lập pháp theo hướng chú trọng đến chất lượng và tính khả thi của các dự án luật, từ khâu xây dựng đề cương của các đạo luật, lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu, để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, thiếu tính khả thi.

"Trên thực tế, có những đạo luật ban hành chưa phù hợp và theo kịp yêu cầu của cuộc sống. Vì vậy, tính khả thilà yêu cầu rất quan trọng trong  hoạt động lập pháp", bà Ngân khẳng định.

Đối với hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội xác định sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân đặt ra với những người đứng đầu các cơ quan.

"Mục tiêu của Quốc hội là sẽ chuyển dần từ một Quốc hội tham luận có chuẩn bị trước sang một Quốc hội thảo luận và tranh luận. Khuyến khích tinh thần tranh luận, thảo luận về hội trường", bà Ngân khẳng định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, các đại biểu Quốc hội khóa XIV  cần tăng cường mối quan hệ với cử tri, nên dành nhiều thời gian đi cơ sở, trước hết là nơi cử tri đã bầu ra mình, không chỉ là nhiệm vụ  tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp mà cần coi việc này là một trọng tâm công tác.

Quốc hội sẽ cứng rắn trong vấn đề biển đảo, chống tiêu cực, nợ công

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc với cương vị Chủ tịch Quốc hội sẽ làm gì để các đại biểu Quốc hội có thể thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí,  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời rằng: “Khi tuyên thệ, tôi không có nói về việc chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, nhưng tôi đã tuyên thệ trung thành với Tổ quốc nghĩa là cũng phải chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực. Muốn làm được thế thì phải xây dựng hệ thống pháp luật tốt để quy định chặt chẽ, để không có kẽ hở cho ai có thể tham nhũng, tiêu cực được nữa.

bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII đã đọc diễn văn khai mạc kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV
Chủ tịch Quốc hội khóa XIV trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí tại cuộc họp báo.

Còn quan liêu là một biểu hiện trong phạm trù đạo đức công vụ. Vậy thì cần thực hiện giám sát chặt chẽ sau khi ban hành luật để đảm bảo luật được thực hiện đúng, nghiêm minh. Dẫn chứng từ ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành, Quốc hội phải tính hết các vấn đề như thu hồi đất, tác động tới đời sống của nhân dân… để chống mọi sự lợi dụng trong quá trình triển khai dự án”.

Đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Việt Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi, đó là vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam. Người Việt Nam hơn bất cứ đâu đều yêu chuộng hoà bình. Vậy nên khi Biển Đông có nhiều tranh chấp thì phải có nhiều biện pháp đấu tranh hoà bình để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho người dân. Việt Nam yêu cầu các nước không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực trên biển.

Đối với vấn đề Chính phủ đề nghị 1 luật sửa nhiều luật trong hoạt động đầu tư kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đề nghị trên chính là gợi ý của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao hoạt động của Chính phủ đối với môi trường đầu tư kinh doanh nên mới yêu cầu Chính phủ rà soát nhanh để sửa đồng loạt các quy định còn vướng mắc. Dù vậy, đến giờ vẫn chưa có một hồ sơ nào chuẩn bị đầy đủ để trình ra Quốc hội. Khi nào Chính phủ có đầy đủ hồ sơ, sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh.

Về vấn đề nợ công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng,  Quốc hội có trách nhiệm với nợ công  vì đã quyết định mức nợ công bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu. Nhưng thực tế việc này phát sinh trong hoạt động điều hành. Nợ công hiện vẫn dưới 65% GDP nhưng nợ Chính phủ đã vượt 0,3% so với chỉ tiêu. Dự kiến Quốc hội khóa XIV sẽ tính toán lại nợ công cho đúng, xem mức 65% ở Việt Nam có an toàn hay không.

Báo cáo của Chính phủ cũng luôn được yêu cầu gắn với nợ công. Hiện nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên có an toàn hay không không hẳn phụ thuộc vào con số % mà là vay rồi đến nợ có trả được không, vay xong đầu tư cho phát triển có hiệu quả không? Không để quá mức chịu đựng của ngân sách dẫn đến vỡ nợ.

"Chúng ta hiện nay vẫn kiểm soát tốt tỷ lệ nhưng đến lúc trả nợ thì có khó khăn, có hiện tượng phải vay để đảo nợ, vay để trả nợ cũ. Để đảm bảo áp lực trả nợ, không thay đổi cơ cấu nợ, không đổi vay ngắn hạn sang trung hạn và dài hạn. Xu hướng này đang diễn ra tốt để đảm bảo Việt Nam không dẫm theo vết xe đổ của những quốc gia đi trước ở châu Âu, ở Trung Phi. Quốc hội sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công. Trong thẩm tra các báo cáo tài chính, các cơ quan của Quốc hội nhất định kiểm tra chặt chẽ, không để bội chi tăng lên. Khoá trước chưa làm được nhưng khoá này chắc chắn phải làm, để đảm bảo nợ thực sự an toàn chứ không chỉ là dưới 65%", bà Ngân khẳng định.

Quốc hội vẫn giám sát Formosa

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc kỳ họp này Quốc hội có xem xét lại vấn đề cấp phép đầu tư tới 70 năm cho Formosa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Quốc hội vẫn đang giám sát, không chỉ với doanh nghiệp này mà giám sát hẳn việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Trong giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm  là vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm.

"Giám sát tối cao về môi trường và hoạt động của các doanh nghiệp là một chủ đề mà khi đi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cũng phải thường xuyên trả lời. Phát triển kinh tế nhưng phải bền vững, đảm bảo môi trường sống. Hiến pháp đã nêu rõ, công dân được quyền sống trong một môi trường trong lành, ai làm ảnh hưởng đến môi trường trong lành cần thiết đó thì phải chịu trách nhiệm", bà Ngân khẳng định.

Đối với vấn đề các cơ quan báo chí nêu việc ông Võ Kim Cự né tránh báo chí, bà Ngân cho rằng, việc ông Võ Kim Cự tránh là quyền của ông, nhưng bà sẽ gặp ông Cự để nhắc là Đại biểu Quốc hội phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là khi giai đoạn đó mình đang là lãnh đạo tỉnh nhà.

"Để báo chí đưa thông tin kịp thời tốt hơn nhiều so với việc tránh né. Đại biểu Quốc hội mà khoát tay, từ chối báo chí mà có ảnh chụp đưa lên thì rất phản cảm, ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội”, bà Ngân nói.

Tân Chủ tịch Quốc hội: Sẽ hành động vì sự phát triển bền vững của đất nước!
Tân Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân cam kết sẽ cùng các Đại biểu Quốc hội khóa XIV hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư