Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội: Phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam
Ngọc Tân - 17/12/2018 15:03
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tại phiên khai mạc Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” diễn ra vào sáng 17/12 tại TP Đà Nẵng. Hội nghị do Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu ưu tiên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt, xây dựng một xã hội hòa bình và hội nhập thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới…

Để đạt được những mục tiêu đó, sự tham gia của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội cũng như các vị đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, những người được nhân dân gửi gắm nguyện vọng, trao quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát thực thi và phân bổ ngân sách để triển khai thực hiện các mục tiêu SDGs.  

Trong những nỗ lực đó, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao việc Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng hình thành Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện SDGs dành cho các nghị viện nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử trên lĩnh vực này.

ngài Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới trao bảng tiếng Việt Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngài Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới trao bảng tiếng Việt Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

“Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các SDGs, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng vì sự phát triển bền vững đã ban hành mới và sửa đổi bổ sung hơn 300 đạo luật, ban hành Hiến pháp năm 2013. Quốc hội thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh…

“Để thúc đẩy thực hiện các SDGs trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các SDGs là rất cần thiết. Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện SDGs dành cho các nghị viện là một văn bản quốc tế có vai trò hướng dẫn để các đại biểu tham khảo, từ đó đưa ra những kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ hiến định của mình”, Chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Tham dự phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững với 196 chỉ tiêu phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, dù đã ra khỏi tình trạng kém phát triển nhưng Việt Nam vẫn còn là một nước thu nhập trung bình thấp, chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm cao nhất thế giới. Cùng với đó, sức ép tăng trưởng kinh tế trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thu nhập của người dân còn thấp đã dẫn tới không ít nơi chưa chú trọng đúng mức tới bảo vệ môi trường, tới các vấn đề xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thực hiện Kế hoạch quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 cần được tăng cường kiểm tra, giám sát. Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các chính sách, chương trình, phong trào thi đua. Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp thực hiện các chương trình giám sát thực hiện các cam kết quốc tế, các quy định của pháp luật về phát triển bền vững.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; trồng và bảo vệ rừng. Xây dựng các chính sách cụ thể khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính; sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực sáng tạo quốc gia và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm.

Sau phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, ngài Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới đã trao bảng tiếng Việt Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện cho Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.

Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày (17 và 18/12/2018) với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các ủy ban Quốc Hội; đại diện Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) có ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng các cơ quan đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Được biết, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững được các nước thông qua, Liên minh nghị viện thế giới (IPU) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao sự hiểu biết về vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy, giám sát triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Năm 2016 cùng với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), IPU đã xây dựng và ban hành Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện. Là một thành viên tích cực trong IPU, Việt Nam được chọn là một trong những quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương công bố Bộ Công cụ này tới các ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

[Infographic] Nghị quyết "tam nông" tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững
Sau 10 năm (2008-2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (Nghị quyết 26 NQ/TW ngày 5/8/2008), nông nghiệp, nông dân và nông thôn của nước ta đã có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư