Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch Shalumi Nguyễn Minh Kế: Nghĩ đến số 1 để trở thành số 1
Khánh An - 17/02/2018 10:02
 
Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhôm Sông Hồng (Shalumi) đang viết tiếp chương mới cuốn tiểu thuyết của Công ty, trong đó kế hoạch trở thành số 1 không còn là giấc mơ giữa ban ngày...

Người viết truyện cho... Shalumi

Trong kế hoạch phát triển của Shalumi năm 2018, mục tiêu trở thành số 1 trong ngành sản xuất nhôm Việt Nam vào năm 2020 đã được đặt ra tại các cuộc họp hội đồng quản trị. Sau những khoản đầu tư lớn trong 2 năm 2016-2017 lên tới gần 40 tỷ đồng cho dây chuyền công nghệ, cũng như nỗ lực chuẩn bị nhân lực để không bị bỏ lại trong dòng chảy công nghệ, câu chuyện này không còn là “giấc mơ giữa ban ngày” của người Shalumi.

Với ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch HĐQT, có thể gọi đây là chương mới của cuốn tiểu thuyết mà ông đã trở thành người viết truyện, thay vì chỉ là một nhân vật như ông từng nghĩ khi bước chân tới cửa nhà máy gần 14 năm trước. “Tôi bị điều động đến Shalumi, gần như không được lựa chọn”, ông Kế lật giở những trang đầu tiên.

.
Doanh nhân Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhôm Sông Hồng (Shalumi)

Đó là những ngày cuối cùng của tháng 12/2004, khi xuất hiện tại trụ sở Shalumi tại Việt Trì (Phú Thọ), ông Kế - lúc đó đang là Phó tổng giám đốc một công ty thành viên của Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng (Bộ Xây dựng), đã nhận được lời chào mà đến giờ ông vẫn chưa quên: “Lò vôi đang nóng, nhảy vào làm gì?”.

Lúc đó, ông cũng không biết trả lời thế nào, vì cũng không biết vì sao mình có mặt ở đây. Trước đó vài ngày, ông nhận được đề nghị từ Tổng giám đốc Tổng công ty về dự dịnh điều động điều hành Shalumi. Hai ngày sau, ông nhận được quyết định điều động và có mặt tại Việt Trì ngay hôm sau.

“Sáng 24/12/2004, tôi có khách. Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí đã cử một nhân viên xinh đẹp đến... đòi nợ khi hay tin Shalumi có người điều hành mới. Lúc đó tôi mới biết, tài khoản của Công ty bị phong tỏa, vốn điều lệ âm 27 tỷ đồng, công nhân tan tác, Công ty trên bờ vực phá sản. Tôi hiểu là mình đang trong lò vôi thật, muốn suy nghĩ lại”, ông Kế trầm ngâm.

Nhưng cuốn tiểu thuyết của Shalumi đã chốt người kể chuyện, khi cuộc trò chuyện thân tình giữa lãnh đạo Tổng công ty và ông kéo dài tới tận đêm. “Tổng giám đốc Tổng công ty nói với tôi, nếu tôi suy nghĩ lại, thì ăn xong, hai anh em ra cầu Việt Trì, ông ấy nhảy xuống trước, tôi nhảy sau. Người bạn tôi thì động viên, coi như đang đọc tiểu thuyết, cứ nghiền ngẫm từng trang rồi cũng sẽ đến trang cuối cùng...”, ông Kế kể lại lý do đã níu chân ông ở lại Shalumi.

Bước chân... lên mặt đất

Ông Kế không phải là người đọc cuốn tiểu thuyết như lời người bạn, mà là người viết truyện cho Shalumi, chính thức từ ngày 1/1/2005. “Tôi quyết định tổ chức lại sản xuất, nhưng không thay một nhân sự nào. Tôi hiểu tâm lý của người lao động khi có lãnh đạo mới. Tôi hiểu Công ty cần ổn định để khởi động lại. Chính những người hiểu Shalumi sẽ cứu Công ty khi họ có đất dụng võ. Và đến giờ, tôi tin đây là bí kíp để Shalumi trở lại mặt đất”, ông Kế chia sẻ.

Cuộc họp đầu tiên trong đội ngũ quản lý đã thống nhất, bộ khung được giữ lại, được giao việc, giao trách nhiệm. Bộ máy hành chính được kiện toàn, tinh gọn, giảm bớt “con em” không làm việc. Ông Kế trực tiếp vào làm việc với chi nhánh Đà Nẵng và TP.HCM (lúc đó chỉ còn làm nhiệm vụ thu nốt nợ), mở lại 2 thị trường quan trọng này.

“Đến giờ, tôi vẫn mang ơn một doanh nghiệp tư nhân ở Vĩnh Phúc. Họ đã đồng ý ký hợp đồng mua 100 tấn nhôm theo hình thức trả cuốn chiếu. Nhờ sự giúp đỡ đó, chúng tôi có thể sản xuất đơn hàng đã có với đối tác nước ngoài truyền thống, dần có tiền để hoạt động”, ông Kế nhớ lại những ngày nằm dưới... đất.

Lúc đó, trong báo cáo của Shalumi năm 2003, cứ mỗi tấn nhôm, Công ty lỗ 3 triệu đồng. Chính từ làm việc với doanh nghiệp tư nhân, người Shalumi hiểu rằng, không thể kinh doanh mà để lỗ. Cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ...

Nhưng khi đó, ông Kế không dễ thực hiện các kế hoạch cải tổ, vì dù Shalumi đã cổ phần hóa vào năm 2004, nhưng vẫn còn tới 85% là vốn nhà nước, do Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng làm đại diện chủ sở hữu. Các kế hoạch sản xuất được trình lên, đợi cả tháng mới được phê duyệt, vì quy trình là vậy, trong khi Shalumi đang ở thế chậm là chết.

“Chúng tôi quyết định đề xuất thoái vốn nhà nước. Khi đó, chỉ dám đề nghị bán cổ phần thêm cho cán bộ, công nhân viên; làm việc với ngân hàng cho vay tiền từ phần bán vốn nhà nước để mua cổ phần cho cán bộ, lấy quỹ phúc lợi để trả nợ dần…”, người viết truyện của Shalumi nhớ lại từng chi tiết.

Rồi nợ cũ bắt đầu trả được, tài khoản ngân hàng được mở lại. Sau 2 năm, Shalumi đạt doanh thu 115 tỷ đồng, lợi nhuận 30%. Ông Kế và các cộng sự gọi đây là thời điểm cùng nhau ngoi lên mặt đất, bắt đầu tính tới kế hoạch dài hạn hơn cho Shalumi, mà hiện giờ đã trở thành một trong những công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất nhôm thanh định hình.

Bài toán đại cục

Cho đến giờ, ông Kế vẫn tự lái xe đi làm, như cách đây 14 năm. Nhưng bãi đỗ xe của trụ sở Công ty không chỉ có 1 chiếc xe của ông. Nhiều người gắn bó với Công ty đã mua được ô tô từ nhiều năm trước. Ông Kế nói, mọi người đều nhìn thấy phần của mình trong tổng thể phát triển của Công ty.

“Đây vẫn sẽ là cách để chúng tôi đạt được mục tiêu đến năm 2020, trở thành công ty sản xuất nhôm số 1 Việt Nam”, ông Kế bắt đầu chương mới của Shalumi bằng bài toán về nhân sự, khi mà cuộc cạnh tranh trên thị trường không chỉ là giá, là sự đa dạng sản phẩm, chất lượng sản phẩm…, mà còn là các giải pháp công nghệ, ý tưởng mang tính thời đại…

Còn nhớ, khi Shalumi vừa trở lại mặt đất, ông Kế đã có quyết định mà nhiều người khi đó không thể lý giải nổi, đó là cho tiền cán bộ để học lái xe, 2 triệu đồng/người/khóa học. Chẳng ai tin là có lúc có tiền mua xe, nên chỉ có 2 người đăng ký đi học.

“Hồi đó, tôi tâm sự với anh em rằng, khi khó khăn cùng cống hiến, để đến lúc có thành quả, ai cũng được hưởng. Biết lái xe để có mục tiêu mua được ô tô. 3 năm sau, từng người một đã mua được xe. Có người chưa đủ tiền, chúng tôi cho vay thêm. Động lực được kích thích từ những thành quả cụ thể như vậy”, ông Kế kể.

Tất nhiên, không dễ để đạt được thành quả như vậy. Nỗ lực của từng người là rất lớn, từ việc thay đổi tư duy làm việc tới thái độ tự đào tạo, cải thiện năng lực cá nhân. Việc học trong Công ty được tổ chức liên tục, cả nội bộ và ở nước ngoài. Cơ chế về lương thưởng cũng được cập nhật để không lạc hậu.

“Việc này hồi đầu không dễ. Tôi còn nhớ, khi xây bảng lương, tôi để lương Tổng giám đốc là 5 triệu đồng/tháng, cao hơn gấp rưỡi so với mức trung bình của doanh nghiệp tương đương. Lãnh đạo cấp trên yêu cầu giải trình, tôi chỉ nói nếu lương không xứng đáng, sẽ không có người thực hiện các phương án sản xuất mới để có được mức doanh thu, lợi  nhuận mới…”, ông Kế kể.

Bây giờ, người đứng đầu Shalumi có thể an tâm khi không có mặt tại Công ty nhưng mọi việc vẫn chạy tốt. Công ty từ lúc chỉ có 3 dây chuyền sản xuất lạc hậu, giờ có 9 dây chuyển cán thép, 2 dây chuyền xi mạ, 3 dây chuyền sơn tĩnh điện, 3 dây chuyền sơn vân gỗ và 1 dây chuyền mạ bóng. Công suất tăng từ 5.000 tấn sản phẩm lên đến 12.000 tấn/sản phẩm/năm. Sản phẩm đa dạng, phục vụ cả công trình cao cấp lẫn các nhu cầu bình dân, phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Hiện tại, ở Việt Nam, chỉ có duy nhất Shalumi đầu tư công nghệ sản xuất nhôm inox định hình. Đội ngũ nhân sự, từ quản lý đến nhân viên, tiếp tục được đào tạo để vận hành, quản lý sản phẩm dành cho những dự án cao cấp, đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ rất mới, nhiều khi chưa định hình rõ. “Kinh tế đang phát triển, sẽ cần dòng sản phẩm cao cấp, công nghệ của thời đại. Chúng tôi phải sẵn sàng để đáp ứng”, ông Kế nói.

Cũng như nhiều lần trước, người Shalumi đang nghĩ về những sản phẩm mới hơn, thứ hạng lớn hơn của Công ty trên thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, theo cách “học lái ô tô để đặt mục tiêu mua ô tô cho chính mình” năm xưa…

Trao đổi với doanh nhân Nguyễn Minh Kế:

Bí quyết thành công của ông?

Trong ngày đầu tiên tôi đến Công ty, tôi đã nói chúng tôi cần phải nghĩ đại cục trước, rồi sẽ tới lợi ích cá nhân. Kết quả là, chúng tôi có một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Họ chính là những người đã đi cùng tôi từ ngày đầu đến giờ. Nhiều người đã từ chối lời mời hấp dẫn từ các công ty khác. Tôi coi đó là thành công lớn nhất của mình.

Ông sẽ viết gì tiếp theo trong những chương mới của Shalumi?

Chúng tôi xác định, sẽ tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ trọng hàng phục vụ các ngành nông nghiệp, phát huy thị trường hàng cao cấp trong thị trường vật liệu xây dựng. Năm vừa rồi, tỷ trọng sản phẩm cao cấp chiếm khoảng 38%, năm nay chúng tôi sẽ tăng lên 50%.

Quan điểm kinh doanh của ông từ ngày đầu có mặt tại Shalumi và đến giờ có gì khác?

Hồi đầu là làm nhiệm vụ được giao. Hiện giờ là trách nhiệm với thương hiệu mà chúng tôi đã cùng nhau gây dựng. Nhưng quan điểm kinh doanh quan trọng nhất vẫn là sự đàng hoàng.
Nhôm Topal kiến tạo chuẩn mực
Lễ ra mắt thương hiệu nhôm Topal của Tập đoàn Austdoor và giới thiệu sản phẩm cửa nhôm Topal Slima diễn ra mới đây, tại Trung tâm Hội nghị ALMAZ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư