Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Chưa khuyến khích được xuất khẩu gạo xây dựng thương hiệu
Thùy Liên - 05/06/2016 08:17
 
Chính phủ vừa giao Bộ Công thương khẩn trương xây dựng Chiến lược Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như đưa ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho rằng, với chính sách như hiện nay, gạo Việt sẽ khó có thương hiệu quốc tế.

Thưa ông, giá gạo xuất khẩu nước ta năm qua sụt giảm mạnh và đang phục hồi nhẹ trong 5 tháng đầu năm nay. Ông dự báo thế nào về sự biến động của giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là trước thông tin Thái Lan sắp bán xả kho dự trữ lúa gạo?

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá gạo năm nay đang ở đáy và sẽ nhích lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, giá gạo trong vòng một năm tới sẽ đi xuống, vì một số lý do.

Chuyên gia Nguyễn Đình Bích
Chuyên gia Nguyễn Đình Bích

Thứ nhất, tuy hạn hán, mất mùa xảy ra ở nhiều nước, song mức độ không quá lớn, không quá nghiêm trọng như dự báo. 

Thứ hai, năm 2017, cả Tổ chức Nông - lương Liên hợp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ đều dự báo sản lượng gạo thế giới sẽ tăng

kỷ lục.

Thứ ba, cũng là nguyên nhân quan trọng, dự trữ gạo của thế giới đang ở mức cao. Theo tôi, dự trữ gạo thế giới đang ở mức 81 ngày tiêu dùng. Đây là mức cao hơn nhiều so với mức dự trữ có thể gây tăng giá. 

Nguyên nhân các nước trên thế giới được mùa ảnh hưởng rất lớn đến giá gạo. Trong số các nước được mùa, có cả Malaysia và Philippines – hai khách hàng lớn và truyền thống của Việt Nam – nên có khả năng hai nước này sẽ giảm nhập khẩu.

Ngoài ra, việc Thái Lan xả kho dự trữ cũng sẽ tác động tiêu cực đến giá gạo. Đến thời điểm này, Thái Lan chưa có hành động gì, nhưng chắc chắn sẽ phải xả kho, bởi nếu không thì số gạo này sẽ phải bỏ đi. Vấn đề đặt ra là Thái Lan sẽ xả kho vào thời điểm nào.

Một yếu tố nữa có thể khiến giá gạo xuất khẩu nước ta đi xuống là hiện nay Thái Lan đang xúc tiến để bán gạo theo hợp đồng Chính phủ cho Trung Quốc, thưa ông?

Đúng vậy. Một khi Thái Lan giành được hợp đồng xuất khẩu gạo với Chính phủ Trung Quốc, hiển nhiên Trung Quốc sẽ siết chặt và giảm nhập khẩu gạo của Việt Nam. Dự án đường sắt đang sắp được xây dựng từ Bangkok đến tận Tây Nam Trung Quốc sẽ là “bảo bối” để Thái Lan giành được hợp đồng Chính phủ.

Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu có nguy cơ đi xuống, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo càng đặt ra cấp bách. Nhưng tại sao đến giờ, chúng ta vẫn loay hoay, dù vấn đề đã được đặt ra từ lâu?

Hơn 20 năm nay, chúng ta không thay đổi, nên dễ hiểu xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục khó khăn. Mục tiêu được đặt ra là xây dựng thương hiệu gạo, nhưng mọi chính sách kèm theo lại không hướng vào khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mà lại theo kiểu cấp hạn ngạch, cơ chế xin - cho. Thế nên, có những doanh nghiệp vất vả xây dựng thương hiệu thì chật vật đi xin giấy phép xuất khẩu, trong khi nhiều doanh nghiệp không có thương hiệu thì vẫn được xuất khẩu như thường. Chính sách khập khiễng, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp “làm thật”, nên xây dựng thương hiệu gạo chưa tiến triển và vẫn chật vật cạnh tranh. Trong khi đó, nếu xây dựng được những thương hiệu gạo chất lượng, chúng ta sẽ sang được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu. 

Dù giá nhóm lương thực tăng trong tháng 5 vừa qua, song trước xu hướng biến động giá gạo xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, nên giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang trồng các cây thức ăn chăn nuôi khác như ngô, đậu tương… Quan điểm của ông ra sao?

Tôi không nghĩ thế. Diện tích trồng lúa cần bao nhiêu hãy để người nông dân tự tính toán. Nhìn tổng thể, chúng ta thấy, năng suất lúa gạo của Việt Nam là 6 tấn/ha, của Thái Lan là 3 tấn/ha, của Ấn Độ là 4 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất ngô của nước ta chỉ bằng 1/3 thế giới, bằng 1/2 Mỹ. Bỏ lúa, trồng ngô thì bán cho ai?

Hiện nay, ngô trồng trong nước đã không thể cạnh với ngô nhập khẩu. Kinh tế ngày càng hội nhập, sản phẩm thị trường như bình thông nhau, chúng ta phải chọn sản phẩm có lợi thế. Trồng lúa bán được, trồng ngô không bán được, thì tại sao lại khuyên người nông dân bỏ lúa trồng ngô? Chỉ nên trồng những loại cây mà chúng ta có lợi thế và hãy để người nông dân tự quyết định.

Xuất khẩu còn khó khăn trong những tháng tới
Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 06/CT-BCT về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2016 nhằm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư