Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chưa tăng tỷ giá để giảm nắm giữ USD
Thùy Vinh - 17/04/2015 08:41
 
Bà Trinh Nguyễn, nhà kinh tế học thuộc Tập đoàn HSBC cho rằng, một lý do để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chưa tăng tỷ giá là để giảm nắm giữ USD và vàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trước sức ép hồi phục của USD, tỷ giá ngoại tệ được dự báo tăng lên mức 21.750 VND/USD vào cuối năm nay.

USD đang lên giá, trong khi Việt Nam kiểm soát tỷ giá trong biên độ 2% trong năm nay. Việc này sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp xuất khẩu, thưa bà?

Nền kinh tế Việt Nam thông thương với bên ngoài thông qua giao dịch thương mại và du lịch. GDP tăng trưởng 6,03% trong quý I, song đây chưa thực sự là một kết quả có tính bền vững. Xuất khẩu nói chung giảm, phần nào cho thấy tiền Việt Nam (VND) tăng giá. 

Một lĩnh vực khác cũng chịu áp lực là du lịch. Lượng du khách tới Việt Nam trong quý I/2015 giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do VND tăng giá trên cơ sở lãi suất thực hữu dụng. Việc này đang làm giảm sức hấp dẫn của du lịch.

 

Vậy tại sao NHNN chưa cho phép giảm giá VND hơn nữa?

NHNN chưa tăng tỷ giá để giảm việc nắm giữ USD và vàng trong nền kinh tế. Nợ nước ngoài cũng là một mối quan ngại khác, mặc dù nợ của Chính phủ có những điều khoản ưu đãi và có thể được đảo nợ. Huy động vốn bằng ngoại tệ đã giảm từ mức 21% GDP năm 2009 xuống còn 14% GDP hiện nay. Lạm phát 3 tháng đầu năm giảm 0,1%. Dự báo lạm phát sẽ tăng dần trong nửa cuối năm nay, nhưng vẫn trong mục tiêu của Chính phủ là dưới mức 5%.

Có nghĩa, việc tiếp tục kiểm soát tỷ giá trong biên độ cho phép là cần thiết, thưa bà?

NHNN cam kết không giảm giá VND quá mức 2% trong năm nay. Tôi cho rằng, mục tiêu của NHNN nên là đảm bảo sự ổn định giá cả, thanh khoản và quản lý rủi ro của hệ thống tài chính. Sự ổn định của tỷ giá chỉ là một dấu hiệu của nền kinh tế ổn định. Điều quan trọng hơn là tính thanh khoản, sự vận hành của nền kinh tế và cần đảm bảo rằng, tín dụng được phân bổ hợp lý vào những khu vực đang phát triển tốt.

Nhưng sự hồi phục của USD sẽ tạo sức ép đối với việc điều chỉnh tỷ giá?

Sự sụt giảm về xuất khẩu của các công ty trong nước và lĩnh vực du lịch sẽ bộc lộ rủi ro suy giảm của nền kinh tế. Hơn nữa, nhu cầu nội địa mặc dù ổn định trong quý I, nhưng triển vọng vẫn còn mong manh. Lãi suất OMO hiện ở mức 5% và có cơ sở để NHNN giảm lãi suất chút ít nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất thực tính đang ở mức cao và chúng tôi dự báo, lãi suất OMO sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống mức 4,5%. Tỷ giá USD được kỳ vọng tăng lên 21.750 VND/USD vào cuối năm nay.

Cơ sở nào để HSBC đưa ra dự báo tỷ giá cuối năm tăng lên 21.750 VND/USD?

Hầu hết các nước trong khối ASEAN đang xử lý những thử thách từ việc USD mạnh lên. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các nước. Trong khi Philippines và Việt Nam tiếp tục vững vàng đà tăng trưởng, thì Thái Lan tăng trưởng chậm sau khi GDP sụt giảm trong năm ngoái. Các đồng nội tệ của Malaysia, Indonesia giảm giá đã làm rủi ro vốn đầu tư tăng cao hơn.

Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào các mặt hàng nhiên liệu thô, mà tập trung vào các mặt hàng sản xuất. Chính vì vậy, chi phí đầu vào thấp hỗ trợ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và làm đối trọng với một vài yếu tố tiêu cực từ việc giá trị hàng hóa xuất khẩu giảm.

Vậy chỉ còn khả năng cạnh tranh tiền tệ. Một chỉ thị mới đây được NHNN đưa ra là ưu tiên ổn định tiền tệ và NHNN chỉ giảm cặp tỷ giá VND/USD tối đa 2% trong năm nay. NHNN cũng đã thay đổi tỷ giá tham chiếu 1% từ tháng 1, nên cơ hội để giảm giá VND chỉ còn 1% từ nay đến cuối năm.

Như vậy, nếu NHNN không đáp ứng kịp thời các điều kiện thị trường, thì sẽ dẫn đến thanh khoản trong nước bị o ép. Khi đó, cầu ngoại tệ có thể áp đảo nguồn cung, thưa bà?

Vấn đề là, nếu tỷ giá hối đoái danh nghĩa hữu dụng tiếp tục tăng giá, thì năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm. Nếu NHNN không đáp ứng kịp thời các điều kiện thị trường thì sẽ dẫn đến thanh khoản trong nước bị o ép.

Có một trong hai khả năng khi điều đó xảy ra. Một là, nhà điều hành sẽ để cung - cầu thị trường tác động đến các quyết định tỷ giá USD.

Hai là, cơ quan này sẽ bơm một lượng ngoại tệ vào hệ thống. Tuy nhiên, theo cách này, thanh khoản có thể sẽ mỏng hơn.

Xuất khẩu ngấm đòn tỷ giá
Biến động tỷ giá gần đây đã tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của một số ngành hàng quan trọng như thủy sản, đồ gỗ, dệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư