Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chuẩn VietGap, vải Thanh Hà vững vàng xuất ngoại
Kim Đức - 30/10/2018 20:35
 
Phát huy lợi thế của cây vải thiều, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã bước đi vững vàng trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Nâng tầm cây vải thiều

Nhắc đến Hải Dương, nhiều người nghĩ ngay đến vải thiều Thanh Hà, loại cây đã trở thành thương hiệu của vùng, giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhằm tiếp tục khai thác thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là phát huy đặc sản địa phương, huyện Thanh Hà đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mang lại hiệu quả tích cực từ cây vải.

.
Tính đến hết năm 2017, trung bình mỗi xã của Thanh Hà đạt 17,5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Thanh Hà hiện có khoảng 4.000 ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Trong đó, có 1.000 ha vải chín sớm, sản lượng 15.000 - 18.000 tấn; còn lại hơn 3.000 ha là vải chín muộn. Vải thiều Thanh Hà được biết đến với mẫu mã đẹp, kích thước quả vải cũng như chất lượng khá đồng đều, tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất sang một số thị trường quốc tế, mang lại giá trị cao.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: “Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao được 2.000 tấn để xuất sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, thị trường Mỹ cũng được huyện xúc tiến thông qua một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, mấy năm trở lại đây, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp và một số chợ đầu mối ở phía Nam để đưa quả vải Thanh Hà đến với thị trường miền Nam. Vải thiều đã trở thành cây ăn quả đặc sản chủ lực, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, mang lại diện mạo đổi mới cho nhiều vùng quê của Hải Dương”.

Tích cực xây dựng nông thôn mới 

Trong năm 2017, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thanh Hà tiếp tục chuyển biến tích cực, được nhân dân đón nhận và hăng hái chung sức thực hiện. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, nhất là các công trình đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế…

Toàn huyện đã làm được trên 200 tuyến đường giao thông; nhận hỗ trợ xi măng chuyển tiếp từ năm 2016 và hỗ trợ năm 2017 trên 5.800 tấn. Tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn của huyện đạt 83%, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân ước đạt 37,1 triệu đồng/người/năm.

Tính đến hết năm 2017, trung bình mỗi xã của Thanh Hà đạt 17,5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, huyện Thanh Hà có 6 xã về đích nông thôn mới gồm: Việt Hồng, Thanh An, Hồng Lạc, Tân Việt, Thanh Cường và Vĩnh Lập, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn huyện là 15/24 xã.

Năm 2018, Thanh Hà phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Cẩm Chế, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Thanh Hồng, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 19 xã, đạt 79,2%. Các xã đăng ký về đích năm nay đều đã đạt từ 14 - 18 tiêu chí.

Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo 4 xã trên tập trung rà soát, huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí còn lại. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận.

Mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới chắc chắn về đích trước hạn
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 chắc chắn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư